PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

21/10/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Công nghiệp - xây dựng tăng trưởng khá
Giai đoạn 2015-2020, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai các dự án tại địa phương, vì vậy, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng của tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều khởi sắc, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của toàn tỉnh.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Công nghiệp tăng trưởng vượt kế hoạch - xây dựng cơ bản được thực hiện tốt

Trong giai đoạn 2015-2020, tăng trưởng ngành công nghiệp đạt bình quân 10,5%/năm, vượt kế hoạch đề ra; năng suất lao động khu vực công nghiệp đạt 65 triệu đồng/lao động, bằng 114% năng suất chung cả tỉnh. Trong cơ cấu nội ngành công nghiệp thì công nghiệp khai khoáng chiếm tỷ trọng cao nhất, tuy nhiên, công nghiệp chế biến có xu hướng phát triển dần trở thành ngành công nghiệp chính của tỉnh, trong đó có một số sản phẩm chế biến nông - lâm sản của Bắc Kạn đã có thị trường ổn định như: Miến dong, Curcumin nghệ, các sản phẩm chế biến từ gỗ… Một số dự án được đầu tư hoàn thành cũng đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất như: Nhà máy chế biến gỗ của Công ty Cổ phần Govina, chà máy Chế biến gỗ của Công ty trách nhiệm hữu hạn Lechenwood Việt Nam, Nhà máy chế biến nông sản của Công ty Cổ phần Misaki tại Khu công nghiệp Thanh Bình.

Công tác đầu tư xây dựng cơ bản được tổ chức thực hiện có hiệu quả. Việc thu hút, quản lý, sử dụng các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản được tăng cường. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong nhiệm kỳ ước đạt trên 24.000 tỷ đồng, bình quân hằng năm tăng 10,7%/năm. Cụ thể, nguồn vốn ngân sách Nhà nước khoảng 11.580 tỷ đồng, chiếm 48% tổng kế hoạch vốn, trong đó vốn đầu tư công từ ngân sách Nhà nước tỉnh quản lý trên 7.030 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư ngoài Nhà nước 12.420 triệu đồng, chiếm gần 52% tổng kế hoạch vốn. Tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn bình quân hằng năm đạt trên 80%. Công tác quản lý Nhà nước về chất lượng công trình được quan tâm. Các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Đầu tư công và các quy định liên quan. Các dự án được phê duyệt cơ bản phù hợp với khả năng cân đối vốn ngân sách Nhà nước, tránh tình trạng dàn trải, giảm hiệu quả đầu tư và lãng phí nguồn lực Nhà nước. Đến nay, tỉnh đã giải quyết xong số nợ đọng xây dựng cơ bản các năm trước… Nhờ vậy, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh đã được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ, tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Mặc dù lĩnh vực công nghiệp và xây dựng của Bắc Kạn giai đoạn 2015-2020 đều có mức tăng trưởng khá, song nhìn chung chưa ổn định. Cụ thể trong lĩnh vực công nghiệp, quy mô và giá trị sản xuất chưa cao; các cụm công nghiệp chưa được đầu tư; trên địa bàn tỉnh chưa có dự án công nghiệp lớn sử dụng công nghệ hiện đại; cơ cấu ngành công nghiệp chủ yếu là khai thác khoáng sản với các mỏ nhỏ lẻ, trữ lượng thấp, công nghệ khai thác lạc hậu; công nghiệp chế biến chủ yếu theo hình thức gia công, bán sản phẩm thô nên giá trị gia tăng thấp, hiệu quả chưa cao; một số dự án tại Khu công nghiệp Thanh Bình dừng hoạt động do năng lực của chủ đầu tư hạn chế. Đối với lĩnh vực xây dựng, việc thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội còn khó khăn nên kết cấu hạ tầng chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu; giao thông kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, giao thông nông thôn còn hạn chế; nhiều thôn, bản, nhóm hộ chưa có điện lưới quốc gia; một số công trình hạ tầng xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa kịp thời…

Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, ưu tiên hạ tầng giao thông để thúc đẩy du lịch và dịch vụ

Phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những khó khăn, hạn chế, giai đoạn tiếp theo, mục tiêu của Bắc Kạn trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng là tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông lâm sản và dược liệu; xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông để phát triển du lịch và dịch vụ…


Nhà máy chế biến gỗ của Công ty Cổ phần Govina

Theo đó, tỉnh ưu tiên phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông - lâm nghiệp, trong đó chế biến gỗ, cây dược liệu và các loại lâm sản là trọng tâm; triển khai thực hiện có hiệu quả những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến, chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; quy hoạch tốt vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến lâm sản; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và xúc tiến đầu tư trên địa bàn...

Đối với xây dựng kết cấu hạ tầng, tăng cường huy động nguồn vốn ngoài Nhà nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng khu, cụm công nghiệp; tập trung bố trí vốn đầu tư công để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng của tỉnh, thực hiện các dự án có tính kết nối vùng; ưu tiên các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho ngành nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến lâm sản và du lịch… Riêng đối với hạ tầng giao thông, chủ động thực hiện các nội dung thuộc trách nhiệm của tỉnh khi triển khai đầu tư tuyến Quốc lộ 3 mới từ Chợ Mới đến thành phố Bắc Kạn; thực hiện cải tạo, nâng cấp các tuyến đường tỉnh đạt cấp IV miền núi; xây dựng mới một số tuyến đường tỉnh như tuyến thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể; xây dựng thay thế cầu yếu trên các tuyến đường; đầu tư nâng cấp các tuyến đường huyện và xã theo quy hoạch.../.

Thu Cúc