PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

09/02/2018
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Đặc sắc Tết của người Sán Chỉ
Trong những ngày đầu xuân, khi những cây đào, cây mận đang nở hoa khoe sắc, người Sán Chỉ ở thôn Khâu Đấng, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm lại náo nức chuẩn bị một lễ hội rất quan trọng của mình đó là lễ hội cầu mùa. Các chàng trai, cô gái xúng xính những bộ quần áo đẹp nhất để cùng đi hát giao duyên, đi hội đón mùa xuân mới.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Trong những ngày đầu xuân, khi những cây đào, cây mận đang nở hoa khoe sắc, người Sán Chỉ ở thôn Khâu Đấng, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm lại náo nức chuẩn bị một lễ hội rất quan trọng của mình đó là lễ hội cầu mùa. Các chàng trai, cô gái xúng xính những bộ quần áo đẹp nhất để cùng đi hát giao duyên, đi hội đón mùa xuân mới.


Người Sán Chỉ ở thôn Khâu Đấng, xã Bộc Bố (Pác Nặm) tự làm bánh chưng ngày Tết

Sán Chỉ là dân tộc có dân số ít nhất trong số 07 anh em dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, chiếm tỷ lệ khoảng 0,2% dân số toàn tỉnh. Tuy số dân ít nhưng đây lại là dân tộc vẫn giữ được hầu như nguyên vẹn những bản sắc văn hóa độc đáo của mình.

Cuộc sống của người dân Sán Chỉ ở thôn Khâu Đấng trong những năm gần đây đã no ấm hơn trước, nhiều nhà đã có của ăn của để. Thôn Khâu Đấng giao thông đi lại khá thuận tiện và chỉ cách trung tâm huyện Pác Nặm khoảng 1km, ấn tượng của chúng tôi đối với nơi đây giống như là một “trung tâm” văn hóa mà trong đó những bản sắc của dân tộc Sán Chỉ vẫn được giữ nguyên vẹn. Những nét văn hóa của dân tộc Sán Chỉ được giữ gìn một cách tự nhiên qua những biểu hiện trong trang phục, trong nếp sống, sinh hoạt hằng ngày. Mỗi khi Tết đến xuân về, người Sán Chỉ cũng chuẩn bị lương thực, thực phẩm, tổ chức thịt lợn, thịt gà… như bao dân tộc anh em khác. Hai hoặc ba nhà chung nhau thịt một con lợn, thịt lợn sẽ được gói lại bằng lá dong hoặc lá ỏng và treo lên gác bếp đến bữa sẽ mang xuống để sử dụng trong những ngày Tết. Người Sán Chỉ thường tự làm bánh chưng, bánh chưng của người Sán Chỉ có hình trụ dài thường được gọi là “cây bánh”, bánh chắc nịch, thơm dẻo, nhân bánh được làm bằng gạo nương mới quyện với lá kim lông đỏ dã nhỏ và thịt lợn ba chỉ.

Có một điều đặc biệt là người Sán Chỉ tổ chức lễ hội cầu mùa ngay từ trong ngày 30 tết - ngày cuối cùng của năm. Gọi là lễ cầu mùa nhưng nó còn có ý nghĩa tiễn đưa năm cũ, cầu cho mọi sự tốt đẹp trong năm mới. Ngay từ sáng sớm những chị em phụ nữ người Sán Chỉ đã chuẩn bị ngâm gạo nếp, rửa lá, chuẩn bị thịt, đỗ để gói bánh chưng. Ngày 30 Tết là ngày quan trọng và đặc biệt nhất trong năm, mọi công việc chuẩn bị cuối cùng được thực hiện rất khẩn trương, bàn thờ tổ tiên được lau dọn sạch sẽ, giấy đỏ được dán lên cổng, các cửa ra vào, bàn thờ tổ tiên, cối xay, cối giã gạo... Theo quan niệm của người Sán Chỉ, giấy đỏ tượng trưng cho một năm mới tốt lành, niềm vui trong cuộc sống, một mùa màng bội thu, đồng thời còn mang ý nghĩa tâm linh là sự xua đuổi ma quỷ, cây trồng không bị chim, thú, sâu, bọ phá hoại.

Buổi chiều, các thành viên trong gia đình đều tất bật chuẩn bị cho mâm cơm cúng tổ tiên và bữa cơm tất niên. Mâm cơm dâng lên tổ tiên của người Sán Chỉ có thịt lợn, xôi 7 màu, bánh chưng còn nguyên chưa bóc lá, đặc biệt thịt gà dâng lên tổ tiên phải là gà trống, không quá già, không quá non, khỏe mạnh, lông óng mượt thì mới thiêng, tổ tiên mới phù hộ. Các thành viên trong gia đình sẽ ngồi quây quần sum họp bên nhau nói chuyện tâm sự về những việc đã qua ở năm cũ và cùng nhau ngân nga bài hát “Slạn nin cọ” (bài hát chúc mừng năm mới của người Sán Chỉ) chờ đến giây phút giao thừa. Giao thừa cũng là lúc gia chủ chọn hướng xuất hành thuận lợi cho gia đình mình trong năm mới.

Ông Hoàng Văn Cầu - Trưởng thôn Khâu Đấng, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm cho biết: “Lễ cầu mùa đã có từ khi tổ tiên sinh ra dân tộc này rồi. Thường thì con trai 16 tuổi trở lên làm lễ cấp sắc, cuối năm sẽ làm lễ cầu mùa để cầu phúc, con cháu làng bản góp vui với nhau cầu mùa, cầu năm mới làm ăn phát đạt, hạnh phúc”.

Trong khi những người phụ nữ gói bánh, thì những người đàn ông lại đem những chiếc mặt nạ gỗ được trang trí bởi những dải giấy màu xanh, đỏ, tím vàng... ra lau chùi để chuẩn bị cho điệu múa mặt nạ sẽ thực hành trong nghi lễ cầu mùa.

Sau khi mọi sự chuẩn bị đã hoàn tất, địa điểm tổ chức lễ cầu mùa được chọn là tại cánh đồng phía dưới thôn Khâu Đấng. Mâm cúng trong lễ cầu mùa có thịt gà, thịt lợn, bánh chưng, xôi… Thường thì mỗi hộ trong thôn sẽ góp một mâm lễ để dâng cúng trong lễ cầu mùa. Thầy cúng - người được coi là có khả năng giao tiếp với thần linh, có sứ mệnh làm trung gian giữa con người và các loại ma, các loại thần kể cả Ngọc hoàng thượng đế sẽ tiến hành đọc một đoạn mo, khấn để tiễn năm cũ, cầu cho năm mới mùa màng bội thu. Sau khi khấn xong, thầy cúng thực hiện nghi lễ tung lần lượt 4 loại hạt ra khắp mặt đất. Những người phụ nữ Sán Chỉ đã nâng tà áo đằng trước đứng chờ sẵn phía đối diện để hứng lấy những hạt giống đó. Người nào hứng được càng nhiều hạt giống thì càng có nhiều lộc, hứa hẹn một năm mới mùa màng bội thu.

Sau khi nghi lễ kết thúc, những người đàn ông Sán Chỉ bắt đầu múa điệu múa mặt nạ độc đáo của dân tộc mình. Đây là điệu múa chỉ có duy nhất ở người Sán Chỉ. Những chiếc mặt nạ được làm bằng gỗ rất nhẹ và trạm khắc hình mặt người khá hung dữ. Khi đeo mặt nạ, họ dùng một chiếc khăn tràm phủ kín phía sau đầu và buộc cố định vào chiếc mặt nạ để không bị rơi trong quá trình nhảy múa. Bảy người đàn ông đeo mặt nạ, hai tay cầm hai que gỗ đan chéo vào nhau vừa nhún nhẩy theo nhịp tiếng chiêng, tiếng trống vừa giơ hai thanh gỗ chéo nhau hướng về khắp mọi phía. Trong mỗi hộ của người Sán Chỉ đều phải có một chiếc mặt nạ như vậy để cho người đàn ông đại diện cho gia đình tham gia múa mặt nạ trong lễ cầu mùa của dân tộc. Những người già trong làng cho biết, họ đeo mặt nạ khi múa là để đi gặp thần linh dâng lễ vật, truyền tải những mong ước tốt đẹp trong năm mới.

Kết thúc nghi lễ, những người đàn ông và phụ nữ người Sán Chỉ sẽ ở lại cùng nhau hát lượn giao duyên (nhiều nơi còn gọi là hát sình cộ) và chơi trò ném còn. Gọi là ném còn nhưng người Sán Chỉ lại không ném qua lỗ còn như người Tày mà chỉ tung qua, tung lại giữa hai người như ném Pao của người Mông.

Đến nay, trong đời sống sinh hoạt của người Sán Chỉ, hát lượn (sình cộ) vẫn tồn tại nguyên vẹn tính thực hành xã hội của nó, ngoài mục đích giao lưu giải trí, nó còn thoả mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của đồng bào. Trong không khí rộn ràng bước sang năm mới, những người đàn ông và phụ nữ Sán Chỉ cùng ngân ca những câu lượn với nội dung chúc nhau sức khỏe dồi dào, chúc cho gia đình hạnh phúc và một năm mới làm ăn phát đạt. Có nhiều khi cuộc hát lượn kéo dài đến thâu đêm.

Đồng chí La Bảo Duy - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết: Thường trong các lễ hội khác dân tộc Sán Chỉ vẫn hát đối đáp giao duyên, họ bày tỏ bằng tình cảm và lời ví von, không khác các dân tộc khác. Nhưng trong bài hát có nhiều lời đẹp ý hay, ví von cây cỏ hoa lá…

Trong khoảnh khắc tiễn biệt năm cũ, chuyển giao sang năm mới, những câu hát lượn thường mang theo nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, người thì luyến tiếc năm cũ đã qua, người thì mừng vui vì đã có một năm hài lòng với những kết quả đã đạt được, nhưng tất cả đều cùng hi vọng, tin tưởng vào một năm mới hạnh phúc và thành công hơn năm cũ.

Mỗi mùa xuân đến là thêm một mùa vui với người Sán Chỉ, thêm một dịp để họ cùng nhau hội ngộ trong những sinh hoạt văn hóa cộng đồng, cùng nói với nhau tin theo Đảng, Nhà nước để bảo vệ, gìn giữ bản sắc dân tộc, phấn đấu xây dựng bản làng, quê hương ngày càng giàu đẹp. Cũng giống như những người Sán Chỉ khác trên khắp mọi miền đất nước, người Sán Chỉ ở Bắc Kạn vẫn đang nâng cao ý thức gìn giữ văn hóa của dân tộc mình và hòa nhập vào sự phát triển chung của thời đại./.

Thu Trang