PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

14/01/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Đảm bảo nguồn hàng dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 và khi có dịch bệnh xảy ra
Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang cận kề, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng cao. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa càng trở nên cấp thiết. Tỉnh Bắc Kạn đã sẵn sàng phương án chuẩn bị nguồn hàng hóa và biện pháp bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân dịp tết Nguyên Đán và trong trường hợp có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Hiện nay, tình hình thị trường Bắc Kạn đang diễn ra bình thường, giá cả các mặt hàng tiêu dùng ổn định so với cùng kỳ năm trước. Dự báo thị trường, một số mặt hàng có nhu cầu tăng cao trong dịp tết Nguyên đán là lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ (bánh, mứt, kẹo, rượu bia các loại); giá các mặt hàng cũng có xu hướng tăng lên. Đặc biệt là giá thịt lợn trên địa bàn tỉnh tuy đã ổn định trong 3 tháng gần đây nhưng vẫn có xu hướng tăng do ảnh hưởng của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi có nguy cơ tái phát, kéo theo các hàng thực phẩm tươi sống khác cũng tăng nhẹ. Mặt hàng miến dong dự báo có khả năng tăng vào dịp sát Tết khoảng 10% so với thời điểm hiện tại.

Dự báo, nhu cầu mua sắm dịp tết Tân sửu 2021 của Nhân dân trên địa bàn tỉnh tăng từ 10 - 15% so với dịp tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Các doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh đã chủ động tập kết hàng hóa để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp tết Nguyên đán 2021.

Để đảm bảo nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp tết Nguyên đán và trong trường hợp có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai phương án chuẩn bị nguồn hàng và bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu từ tháng 12/2020. Theo đó, có 05 nhóm hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường gồm nhóm trang bị y tế (khẩu trang, dung dịch vệ sinh, sát trùng); nhóm lương thực (gạo nếp, gạo tẻ, đậu xanh); nhóm thực phẩm (thực phẩm tươi sống, trứng gia cầm, thực phẩm đông lạnh, rau củ quả, trái cây, sản phẩm chế biến từ thịt, thực phẩm bao gói sẵn và gia vị); nhóm nước uống; nhóm nhiên liệu (xăng, dầu, ga, điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng).

Đổi với từng nhóm hàng hóa, tỉnh Bắc Kạn đã có phương án chuẩn bị và cung ứng nguồn hàng cụ thể. Riêng nhóm lương thực, nguồn cung ứng thóc gạo trên địa bàn tỉnh ổn định, lượng dự trữ trong dân và các cửa hàng xay sát, đại lý thóc, gạo cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Cơ sở Trung Dũng (Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn) có khả năng cung ứng 20 tấn thóc nếp, 10 tấn thóc tẻ. Các cơ sở xay sát Tươi Tỉnh, Trọng Đại và Hợp tác xã (HTX) Hoàn Thành (Chợ Đồn) có khả năng cung ứng khoảng 100 tấn thóc tại chỗ. Đại lý gạo Thanh Xuân, Thúy Út (thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể) có khả năng cung ứng tại chỗ khoảng 20 tấn thóc. Ngoài ra, các mặt hàng miến dong, phở khô, bún do các cơ sở sản xuất trên địa bàn cung ứng. Riêng sản lượng miến dong năm 2020 ước đạt 1.028 tấn.

Các cơ sở sản xuất hiện đang đẩy mạnh sản xuất (sản xuất miến dong tại HTX Tài Hoan)

Nhóm thực phẩm được các thương nhân trên địa bàn tỉnh dự trữ và cung ứng tại hệ thống các siêu thị, các nhà phân phối và các chợ truyền thống, các đại lý bán lẻ hàng tạp hóa. Trong đó, các thực phẩm chế biến đã dự trữ khoảng 1.200 thùng, dầu ăn các loại khoảng 50 tấn, trứng gia cầm các loại khoảng 20.000 quả, bánh kẹo, mứt, cà phê… mỗi loại khoảng 6.000 thùng. Thực phẩm tươi sống do siêu thị Vinmart, đại lý hải sản Tiến Thu (thành phố Bắc Kạn) và các cửa hàng thực phẩm trên địa bàn dự trữ và cung ứng khoảng 5 tấn. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh dự trữ và cung ứng tại chỗ như HTX Hùng Tuyết (Nông Thương, thành phố Bắc Kạn); HTX Trần Phú (Na Rì); HTX Nông nghiệp Pác Nặm; Công ty Cổ phần Nam Huế…

Đối với nhóm nhiên liệu, mặt hàng xăng, dầu được Chi nhánh Xăng dầu Bắc Kạn, Doanh nghiệp tư nhân Huấn Hòa và Công ty TNHH Hoàng Tiến dự trữ khoảng 4.000 m3, cung ứng tại 37 cửa hàng bán lẻ trên địa bàn. Nguồn điện được Công ty Điện lực Bắc Kạn xây dựng phương án duy trì và cung ứng đảm bảo đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Trong trường hợp có dịch bệnh xảy ra, tỉnh Bắc Kạn huy động và sử dụng nguồn lực tại chỗ đối với thóc, gạo đảm bảo ổn định giá cả, kiểm soát mức tăng giá đối với mặt hàng lương thực không quá 20% so với giá trước thời điểm xảy ra dịch bệnh. Đối với các nhóm hàng thực phẩm, tỉnh ưu tiên khả năng cung ứng tại chỗ. Đối với nhóm mặt hàng trang bị y tế, hiện nay đang được các siêu thị, các cửa hàng tạp hóa, các nhà thuốc dự trữ và cung ứng…

Hiện nay, các đơn vị, địa phương đang triển khai thực hiện tốt các nhóm giải pháp thực hiện phương án chuẩn bị nguồn hàng và bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Riêng Cục Quản lý thị trường đang tăng cường phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan thăm nắm tình hình thị trường, theo dõi sát diễn biến giá cả hàng hóa, nhất là những mặt hàng thiết yếu, hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá, giá các sản phẩm chăn nuôi. Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường sẽ tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường cao điểm các tháng cuối năm và dịp tết Nguyên đán, trong trường hợp có dịch xảy ra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, găm hàng…/.

Hương Dịu