PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

27/12/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Điểm sáng trong công tác giảm nghèo
Năm 2022, trong bối cảnh phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức bởi thiên tai, dịch bệnh..., song công tác giảm nghèo vẫn đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Điều đó thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị và cả sự nỗ lực vươn lên của chính những người nghèo.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Khơi dậy ý chí thoát nghèo

Các hợp tác xã phát huy tốt vai trò trong công tác giảm nghèo (Ảnh: Hợp tác xã Yến Dương, Ba Bể hợp tác 
bao tiêu sản phẩm hành tỏi cho các thành viên)

Khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên, tinh thần tự lực, tự cường của hộ nghèo là một trong những giải pháp trọng tâm để tỉnh thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trong thời gian qua.

Anh Hừ A Dỉa, sinh năm 1990, dân tộc Mông ở thôn Cốc Lào là một trong những người đầu tiên ở xã Giáo Hiệu (Pác Nặm) chủ động viết đơn xin thoát nghèo. Anh Hừ A Dỉa cho biết, năm 2014 vợ chồng anh tách hộ ra ở riêng, được bố mẹ chia đất dựng nhà và mấy thửa ruộng bậc thang cấy lúa một vụ, cuộc sống rất khó khăn. Đến năm 2016, chính quyền địa phương hỗ trợ 20 triệu đồng, vợ chồng anh đã vay thêm tiền để hoàn thiện căn nhà mới khang trang rộng 120 m2. Ngoài ra, anh còn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua thêm trâu, bò nuôi vỗ béo, đưa các giống lúa lai vào gieo trồng hai vụ. Cuộc sống dần ổn định nên năm 2019, gia đình anh đã chủ động viết đơn xin thoát nghèo.

Ý thức được muốn thoát nghèo thì phải tự lực cánh sinh, phải tự vươn lên mới thực sự bền vững, hộ anh Triệu Tòn Lai ở Bản Sáp, xã Xuân La (Pác Nặm) đã nỗ lực tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Chăm chỉ, chịu khó, chồng buôn bán, vợ phát triển chăn nuôi, làm nông, đến năm 2021, gia đình anh đã tích lũy mua được 1.000 m2 đất thổ cư chuẩn bị làm nhà, mua thêm 1.600 m2 đất ruộng 2 vụ để canh tác, nâng tổng diện tích đất ruộng của gia đình lên 2.600 m2. Ngoài ra, anh còn đầu tư trồng hơn 1 ha cây mơ, phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn. Năm 2022, khi điều kiện ổn định, anh đã tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo.

Là một trong hai huyện nghèo của Bắc Kạn, với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều từ 4% - 5%/năm, huyện Pác Nặm đã huy động nhiều nguồn lực để tập trung phát triển các mô hình kinh tế mới. Huyện quan tâm, chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, từng bước chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao; chuyển từ hình thức chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa; liên kết các tổ hợp tác, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó, nhiều tập thể, cá nhân đã trở thành điển hình vươn lên thoát nghèo; diện mạo khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều khởi sắc.

Trong năm 2022, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả khích lệ. Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia các mô hình, dự án phát triển sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, cải thiện thu nhập; hộ thoát nghèo được hỗ trợ các chính sách về vay vốn, phát triển sản xuất để cải thiện sinh kế, ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.

Giảm 2,55% tỷ lệ hộ nghèo

"Ngân hàng bò" là một trong những Dự án hỗ trợ sinh kế mang tính bền vững (Ảnh: Các tổ chức đoàn thể trao
bò giống cho người dân xã Bằng Thành, huyện Pác Nặm)

Theo số liệu sơ bộ rà soát, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là 20.354 hộ, chiếm tỷ lệ 24,82%, giảm 2,55%; số hộ cận nghèo là 7.684 hộ, chiếm tỷ lệ 9,06%, giảm 0,47%. Có thể thấy rằng, mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo của năm 2022 đã hoàn thành tốt so với kế hoạch đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 27,37% xuống còn 24,82%.

Năm 2022, tỉnh được phân bổ trên 207 tỷ đồng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó, huyện Pác Nặm được phân bổ hơn 77 tỷ đồng; huyện đã đầu tư 9 công trình, dự án gồm 5 công trình giao thông, 3 công trình giáo dục đạt chuẩn quốc gia, 1 công trình nhà văn hóa, duy tu bảo dưỡng 3 công trình. Huyện Ngân Sơn được phân bổ hơn 73,5 tỷ đồng để đầu tư 14 công trình, dự án, duy tu bảo dưỡng 11 công trình. Ngoài ra, từ nguồn kinh phí sự nghiệp được giao hơn 10 tỷ đồng, các cơ quan chuyên môn và UBND các huyện, thành phố đã và đang triển khai thực hiện các dự án về phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm bền vững. Đối với Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo có nguồn kinh phí được giao trên 14,6 tỷ đồng, các huyện, thành phố đã triển khai 56 dự án hỗ trợ phát triển cộng đồng; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang triển khai hai chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm khoai tây, củ cải trắng tại huyện Chợ Mới và chuỗi liên kết nuôi lợn nái sinh sản gắn với tiêu thụ sản phẩm tại huyện Na Rì, thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2024.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng đánh giá, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được phê duyệt đầu năm nay. Chương trình thực hiện chiến lược tập trung đầu tư vào con người, trực tiếp là đầu tư, nâng cao năng lực người nghèo; xác định rõ nguyên nhân nghèo để giải quyết căn cơ, triệt để những vấn đề của người nghèo, vùng lõi nghèo. Đối với Bắc Kạn, quyết tâm đó đã được thực hiện hiệu quả thông qua việc khơi dậy được ý chí thoát nghèo của chính những người dân. Điều đó được chứng minh bằng con số giảm nghèo đạt 2,55% trong một năm đầy khó khăn như vừa qua. Con số này đã vượt chỉ tiêu giảm nghèo từ 2 - 2,5%/năm mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, đây cũng là tiền đề để Bắc Kạn tiếp tục làm tốt công tác này trong những năm tiếp theo./.

Thu Trang