PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

15/11/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Độc đáo Lễ cấp sắc đánh dấu trưởng thành của người Dao Tiền ở Bạch Thông
Đối với người đàn ông dân tộc Dao, cấp sắc là nghi lễ bắt buộc nhằm mục đích công nhận sự trưởng thành. Nếu người đàn ông nào chưa thực hiện nghi lễ này thì dù lớn tuổi đến đâu vẫn chỉ được coi là một đứa trẻ. Đây là nghi lễ độc đáo mà người Dao Tiền ở xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông hiện còn gìn giữ, bảo tồn cho đến ngày nay.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Lễ cấp sắc còn có tên gọi khác là chấu đàng, quá tang - một trong những nghi lễ quan trọng nhất đối với đời người đàn ông Dao nói chung và người đàn ông Dao Tiền nói riêng. Sau khi cấp sắc, người đàn ông Dao mới được coi là thực sự trưởng thành, có vị trí trong xã hội. Ở tỉnh Bắc Kạn, người Dao có khoảng 56.067 người, chiếm 20,29% dân số toàn tỉnh, đứng thứ hai chỉ sau dân tộc Tày (theo cuộc tổng điều tra dân số thời điểm 01/4/2019). Về mặt nhóm, ngành, người Dao ở Bắc Kạn gồm 3 nhóm chính: Đại Bản, Tiểu Bản, Thanh Bạch làn.

Các chàng trai, cô gái tham gia trong Lễ cấp sắc của Người Dao Tiền xã Đôn Phong (Bạch Thông)

Khi người con trai đến tuổi, tùy thuộc điều kiện gia đình, bố mẹ sẽ chuẩn bị gạo, rượu, tiền, thịt lợn, gà… để làm lễ cấp sắc 3 đèn (phàm thoi tăng), tức lễ cấp sắc ở bậc khởi đầu.

Trước ngày làm lễ vài tháng, bố mẹ chàng trai đi nhờ thầy cúng xem ngày lành, tháng tốt. Sau đó gia chủ sẽ thống nhất, bàn bạc và chuẩn bị các điều kiện để thực hành. Người Dao Tiền quan niệm đã xem ngày cấp sắc mà không tiến hành thì sau này khi gia chủ qua đời sẽ phải làm ma ở ngoài lều nương. Do vậy, khi đã xem được ngày để làm cấp sắc 3 đèn thì dù có gặp bất cứ trở ngại gì đồng bào vẫn tiến hành nghi lễ.

Để có lợn cúng, trước đây, đồng bào có tục nuôi lợn nái, chờ lợn nái đẻ thì chọn lấy một đôi để nuôi riêng. Ngoài ra, gia chủ còn chuẩn bị gạo, gà, rượu, tiền giấy bản, tiền trả công cho thầy cúng và lợn để thịt ăn trong những ngày hành lễ. Tổng giá trị vật chất quy ra tiền cho một lễ cấp sắc theo thời giá năm 2014 ước tính khoảng trên dưới 10 triệu đồng.

Khi chuẩn bị đầy đủ các điều kiện vật chất cần thiết, bố mẹ chàng trai đi mời thầy cúng (gồm thầy cả, thầy chính và thầy phụ), người làm bếp (ông bếp) và người hát ví, trong đó thanh niên nam chưa vợ và thiếu nữ chưa chồng sẽ tham gia hát ví.

Khoảng 10 giờ đêm, lễ cấp sắc 3 đèn (quá tăng) được tiến hành. Lúc này chỉ còn thầy cả trực tiếp hành lễ, nhưng phải cởi bỏ áo choàng ngoài và chiếc mũ hình mào gà. Thầy đọc nội dung ghi trong quyển vở đã chuẩn bị sẵn, bưng bát nước có rắc hạt vừng, lấy que gạt qua gạt lại trên mặt bát làm bùa phép, thỉnh thoảng đặt bát nước xuống bàn và nhảy lên vỗ mạnh hai tay. Sau đó, trưởng bếp vào bê bát nước ấy để thầy giơ hai tay lên trời nhẩm đọc thần chú. Mỗi lần đọc xong, thầy lại ngậm một ngụm nước phun ra phía trước làm phép hóa thành mây để cho mình lẩn vào đó. Rồi ông bếp giơ chiếc ghế 3 chân đã phủ vải trắng, cao ngang mặt thầy để thầy cả phun nước có rắc hạt vừng, dùng que làm phù phép lên ghế. Sau đó, ông bếp phụ thắp hương báo với thần linh về một lễ thức đặc biệt sẽ diễn ra. Lúc này, người thụ lễ được ngồi trên ghế 3 chân để thực hiện nghi thức đội đèn, cấp binh mã và đặt tên âm (pháp danh).

Trước hết, thầy hỏi người thụ lễ xem trong tâm hiện còn điều gì chưa tốt để thầy gột rửa hết điều xấu, thay vào điều tốt đẹp. Để làm việc này, ông thầy cầm que tre đi vòng quanh và đứng đẳng sau người thụ lễ, tay cầm ít tiền giấy đưa đi đưa lại, rồi vứt tiền qua sau lưng và quay mặt ra cửa làm lại động tác này. Phần tiền còn lại thì đặt lên lưng người thụ lễ. Thầy vừa cúng vừa lấy hai tay bắt chéo trước đầu gối, ngửa ngược lòng bàn tay ra phía trước, cúi khom người nhảy lò cò một chân quanh người thụ lễ. Quá trình nhảy với tốc độ chậm, rồi thầy đứng sau người thụ lễ giơ hai tay lên phía đầu người ấy bắt quyết, làm phép tẩy rửa những gì không tốt. Ông bếp phụ mang lọ nhang giao cho thầy để thầy đặt lên bàn thờ trước khi giao cho người thụ lễ. Tiếp đó, thầy cả thực hành nghi lễ xin tên âm cho người thụ lễ.

Khi đó, thầy cả trao lọ nhang cho người thụ lễ cầm và giao lại cho trưởng bếp để ông ta đặt lọ này dưới gầm ghế người thụ lễ. Trưởng bếp thắp đèn, thầy cả vái nhận đèn và làm phép ở 4 hướng rồi giao đèn. Đèn thứ nhất giao cho thầy ba giữ trên đầu người thụ lễ, đèn thứ hai giao cho thầy hai để giữ ở vai phải người thụ lễ, đèn thứ ba do cha của người thụ lễ giữ ở vai bên trái của người thụ lễ. Đặt đèn xong, 2 ông thầy và cha của người thụ lễ tiếp tục đọc bài cúng với mục đích khai quang cho linh hồn người thụ lễ ở bên cõi âm.

Trong bài cúng, ngoài công việc trên, ông thầy còn có trách nhiệm bảo với thần thánh tên không chính thức tên khai sinh của người thụ lễ, con của ai, tên pháp danh của bố đẻ nhằm khẳng định với thần thánh rằng, người thụ lễ này chưa được cấp sắc, chưa xin tên âm lần nào, nên mong các thánh thần, pháp sư ủng hộ, phù trợ để việc xin tên âm được diễn ra thuận lợi, nhanh chóng. Vừa đọc, họ vừa đi vòng quanh vị trí ngồi của người thụ lễ. Khi đi vòng quanh vị trí ngồi của người thụ lễ, 2 ông thầy làm động tác lắc chuông còn cha của người thụ lễ đi sau gõ 2 mảnh cháo. Sau khi đi hết một vòng, cả ba người cùng đi vòng ngược lại một vòng nữa. Sau đó, thầy cả chính thức đánh 2 mảnh cháo xin tên âm cho người thụ lễ. Tên này được chọn không trùng với tên của người trong họ.

Khi xin được tên âm, người thụ lễ được thầy cả giao cho dậu gạo (gạo binh mã) trong đó có một tấm vải trắng. Ông bếp phụ mang một chiếc mẹt ra để rải vải, trước đó còn có một sàng đựng tiền giấy (các mắt sàng tượng trưng cho mắt của thần thánh), rồi làm thủ tục giao gây tầm xích cho người thụ lễ. Sau đó, ông bếp đổ gạo trong dậu và tiền giấy ra mẹt chia thành hai phần, phần ít hơn cho người thụ lễ, phần nhiều cho thầy. Thầy và người thụ lễ cùng xé và chia mảnh vải trắng, nếu mảnh vải rách hết không còn xơ thì người thụ lễ sẽ học hành giỏi giang. Tiếp theo là chia tiền, thầy được 29 đồng còn người thụ lễ được 7 đồng. Chia xong, thầy rải vải của trò, đặt lên đó 6 tiền xu rồi cho tiền vào tù và xóc, đổ ra bày lại. Thầy có chống gậy tầm xích bắt chéo chân đi ướm nhẹ 7 lần lên mảnh vải đó để người thụ lễ học làm theo, rồi lại cho tiền vào tù và xóc để người thụ lễ đồ trực tiếp ra sắp xếp, làm lại. Thầy tiếp tục cấp đồ nghề tín ngưỡng (ở cấp nhỏ là 3 đèn, sau đó người thụ lễ có thể được cúng cầu hồn, cúng ốm đau...) theo thứ tự: Mũ, thắt lưng, tranh đội đầu lúc múa, chuông, tù và, cháo trống, chiêng, ống đựng tranh thờ, áo choàng ngoài...

Cuối cùng, thầy cả cởi áo choàng cho người thụ lễ để người ấy tập múa. Thầy giao que tre cho người thụ lễ, bởi đó là vật để thầy bắc cầu nối giữa cõi âm và cõi dương. Thầy hai làm lại như thầy cả, rồi đến cha của người thụ lễ cũng vậy. Đây là thủ tục cấp phép để sau này người thụ lễ được tham gia các đám cúng nhỏ trong đời sống tâm linh của người Dao Tiền. Trong lần thực hiện cuối cùng, người cha căn dặn con trai mình phải học giỏi, làm giỏi để phụng sự cho thiên hạ, không được phạm những điều đã khất nguyện và ước hẹn với các thầy.

Theo phong tục, đàn ông người Dao trưởng thành đều sẽ có cơ hội làm thầy chính tại lễ cấp sắc

Qua quan sát cho thấy, ở nghi lễ cấp sắc, bên cạnh tính tôn nghiêm là sự thông hiểu của khá nhiều người trong dòng họ đối với các thủ tục nghi lễ, thể hiện ở một số điểm như khi thầy và cha người thụ lễ cúng, nếu quên vài lời, những người có mặt ở đó sẽ nhắc. Với các thủ tục, nếu làm chưa đúng, người am hiểu sẽ điều chỉnh. Ngoài ra, đàn ông người Dao ai cũng có cơ hội làm thầy chính tại lễ cấp sắc 3 đèn. Đó vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm, vừa là quyền lợi để người đàn ông Dao chứng minh khả năng của mình trước cộng đồng.

Có thể nói, Lễ cấp sắc của người Dao Tiền là một nghi lễ đặc sắc trong đời sống của cộng đồng dân tộc, chứa đựng nhiều quan niệm giáo dục to lớn, triết lý về nhân sinh quan nhằm hướng con cháu tới chân - thiện - mỹ. Đây là một nét độc đáo riêng trong sinh hoạt văn hoá - tín ngưỡng của người Dao rất cần được lưu giữ, bảo tồn và phát huy trong kho tàng văn hoá các dân tộc./.

Thu Trang