PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

18/09/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác trợ giúp pháp lý
Những năm qua, công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) trên địa bàn tỉnh đã giúp nhiều đối tượng yếu thế được tiếp cận với các dịch vụ pháp lý miễn phí, từ đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật, cải thiện chất lượng đời sống người dân.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Công tác TGPL đã được cụ thể hóa bởi Luật TGPL từ năm 2006. Trải qua hơn 10 năm thực thi, để phù hợp với sự thay đổi của xã hội, ngày 01/6/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015-2025.

Nắm bắt chủ trương của Chính phủ, ngày 24/8/2015, Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 1543/QĐ-BTP về Kế hoạch triển khai Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015-2025. Trên cơ sở đó, từ năm 2017 đến nay, hằng năm, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch chung về thực hiện Chiến lược phát triển TGPL ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Đề án đổi mới công tác TGPL trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2025. Chỉ đạo Sở Tư pháp và đơn vị chuyên môn (Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh) căn cứ các văn bản của Trung ương thực hiện các nội dung của Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015-2025, với mục tiêu đổi mới công tác TGPL theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa với lộ trình phù hợp với đặc thù từng vùng, miền, khu vực theo từng giai đoạn.


Trợ giúp viên pháp lý tư vấn pháp luật cho người dân thuộc diện được trợ giúp

Từ giai đoạn triển khai Đề án đến khi Luật TGPL năm 2017 có hiệu lực, hoạt động TGPL từng bước chú trọng thực hiện vụ việc, nhất là vụ việc tham gia tố tụng. Vụ việc TGPL theo hình thức tham gia tố tụng đã tăng lên hơn so với giai đoạn trước khi thực hiện Đề án. Trong giai đoạn này (từ 2015 đến hết năm 2017), Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã thực hiện 1.894 vụ việc, trong đó tham gia tố tụng 270 vụ việc, tư vấn pháp luật 1.622 vụ việc, hòa giải 01 vụ việc, đại diện ngoài tố tụng 01 vụ việc, tư vấn tại trụ sở 276 vụ việc.

Giai đoạn triển khai Luật TGPL năm 2017, hoạt động TGPL đã chuyển từ tư vấn pháp luật thông qua TGPL lưu động sang tập trung thực hiện các vụ việc TGPL, đặc biệt là hình thức tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật tại trụ sở. Số lượng vụ việc theo hình thức tham gia tố tụng hằng năm đều tăng, chiếm tỷ lệ trên 80% trong tổng số vụ việc TGPL. Năm 2018, tiếp công dân tại trụ sở 347 lượt; tư vấn pháp luật tại trụ sở 100 vụ việc; hướng dẫn, giải đáp, cung cấp thông tin pháp luật 13 việc; thực hiện 332 vụ việc TGPL. Năm 2019, tiếp dân tại trụ sở 368 lượt người; tư vấn pháp luật tại trụ sở 50 vụ việc; hướng dẫn, giải đáp, cung cấp thông tin pháp luật 85 việc; thực hiện 380 vụ việc TGPLNăm 2020 (tính đến hết tháng 6), tiếp dân tại trụ sở 185 lượt người; tư vấn pháp luật tại trụ sở 09 vụ việc; hướng dẫn, giải đáp, cung cấp thông tin pháp luật 29 việc; thực hiện 136 vụ việc TGPL.

Qua theo dõi, các vụ việc tham gia tố tụng ngày càng tăng. Công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng theo Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BTP-BCA-BQP-VKSND-TANDTC ngày 04/7/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tối cao được duy trì và đi vào nền nếp, số vụ việc tham gia tố tụng từ giai đoạn điều tra đã tăng lên đáng kể theo từng năm, quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL trong các vụ án được bảo đảm theo quy định của pháp luật.

Nhằm nâng cao chất lượng thực hiện vụ việc TGPL cho đội ngũ thực hiện TGPL, hằng năm, UBND tỉnh đều chỉ đạo Sở Tư pháp tổ chức các hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho người thực hiện TGPL là trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng TGPL, các luật sư thuộc tổ chức ký hợp đồng TGPL với Sở Tư pháp, cộng tác viên khác, chuyên viên Trung tâm TGPL Nhà nước.

Hoạt động truyền thông về TGPL trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức, cụ thể từ năm 2017 đến nay, đã tổ chức truyền thông về TGPL ở cơ sở tại 45 điểm/45 xã với 1.798 người lượt người tham dự; phối hợp với các Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông xây dựng và phát 305 chuyên mục về TGPL bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số (Tày, Dao, Mông) trên Đài truyền thanh xã thuộc 07 huyện; lắp đặt tại UBND các xã, phường, thị trấn 118 bảng thông tin TGPL, 120 hộp tin TGPL; in ấn và cấp phát miễn phí 72.000 tờ gấp về TGPL các loại cho cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thanh tra, UBND các huyện, thành phố và UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh người dân tham dự trong các buổi truyền thông.

Thông qua các hoạt động trên đã góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, đồng thời, góp phần bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL và giảm thiểu những vấn đề bức xúc diễn ra trong đời sống hằng ngày. Bên cạnh đó, nhận thức của các cơ quan Nhà nước về chức năng, phạm vi, lĩnh vực hoạt động và sự cần thiết của TGPL đã được nâng lên rõ rệt và ngày càng nhận được sự tín nhiệm, tin tưởng của cấp ủy, chính quyền các địa phương.

Mặc dù công tác TGPL trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có nhiều bước tiến đáng kể, tuy nhiên vì nhiều lý do mà hoạt động TGPL vẫn chưa thực sự tiếp cận được nhiều đối tượng cần trợ giúp trong xã hội. Mặt khác, năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ TGPL cũng còn những hạn chế nhất định nên gặp khó khăn trong quá trình tham gia TGPL, nhất là trợ giúp cho các đối tượng là người đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi đó, việc xã hội hóa công tác TGPL bằng việc thu hút sự tham gia của các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư có uy tín, kinh nghiệm thực hiện TGPL chưa đạt được hiệu quả do đội ngũ luật sư trên địa bàn tỉnh chưa phát triển.

Trong những năm tới, cùng với quá trình phát triển của xã hội thì nhu cầu TGPL của người dân sẽ tiếp tục gia tăng. Vì vậy, công tác TGPL trên địa bàn tỉnh rất cần được các cấp, các ngành chức năng tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Trong đó, cần tập trung giải quyết được các vấn đề trọng tâm như: Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và hoạt động TGPL đến các tầng lớp Nhân dân; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ thực hiện công tác TGPL; tổ chức nhiều hơn các cuộc hội thảo, tập huấn bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn, đi cùng với đó là quan tâm đến chế độ, chính sách để khuyến khích đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, luật sư tham gia vào hoạt động này một cách tích cực và trách nhiệm./.

Thu Trang