PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

06/09/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Đưa Nghị quyết về phát triển nông, lâm nghiệp vào cuộc sống
Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt trung bình 3,5%/năm theo mục tiêu Nghị quyết, các đơn vị, địa phương đang tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ này.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, sản phẩm miến thành phẩm đạt 4.800 tấn
(Ảnh: Sản xuất miến dong tại cơ sở miến dong Nhất Thiện, Ba Bể)

Nhiệm vụ cụ thể

Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 22/4/2021 về phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, mục tiêu là tập trung phát triển ngành nông nghiệp làm trọng tâm để thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh; khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế tài nguyên đất đai, khí hậu, nguồn nước sạch, đa dạng sinh học; phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu thị trường và phù hợp với các tiêu chuẩn hiện hành; mở rộng liên kết sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ cao và đổi mới quan hệ sản xuất, kinh doanh để nâng cao chuỗi giá trị, tăng thu nhập, tạo tích lũy, thúc đẩy phát triển nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội...

Về phát triển sản phẩm ngành hàng, trục sản phẩm quốc gia, tập trung phát triển 2 nhóm sản phẩm là gỗ, chế biến gỗ và vùng nguyên liệu dược liệu. Mục tiêu đến năm 2025, duy trì, phát triển được 100.000 ha rừng trồng (trong đó có 20.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC), khai thác bình quân từ 300.000 - 350.000 m3 gỗ/năm, 90% sản lượng khai thác được chế biến tại địa phương; bảo tồn, phát triển và khai thác có hiệu quả nguồn dược liệu từ tự nhiên; trồng mới 550 ha dược liệu có liên kết vùng nguyên liệu và sơ chế, chế biến.

Trục sản phẩm địa phương tập trung phát triển 4 nhóm sản phẩm (miến dong; quả tươi và sản phẩm chế biến từ cam quýt, hồng, mơ và chuối; chè; chăn nuôi đại gia súc và lợn). Phấn đấu đến năm 2025, diện tích cây dong riềng là 800 - 1000 ha, sản phẩm miến thành phẩm đạt 4.800 tấn; diện tích cây ăn quả đạt 7.000 ha; diện tích chè các loại là 2.500 ha, đạt 12.000 tấn chè búp tươi; có 25 trang trại chăn nuôi trâu, bò quy mô vừa và nhỏ; số trâu, bò xuất chuồng bình quân đạt 22.000 con/năm; tổng đàn lợn đạt 320.000 con/năm, số con xuất chuồng bình quân 190.000 con/năm.

Trục sản phẩm đặc sản, đặc hữu, tập trung các nhóm sản phẩm đặc sản, đặc hữu có giá trị cao như: Rau củ quả; nấm; gạo và các sản phẩm chế biến từ gạo...

Bắc Kạn cũng đề ra mục tiêu xây dựng và củng cố các chuỗi liên kết chặt chẽ, bền vững, trong đó tập trung vào các chuỗi liên kết lớn theo các ngành hàng đã xác định; phát triển vùng sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa gắn với các hoạt động du lịch.

Tập trung các giải pháp thực hiện Nghị quyết

Để tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tỉnh tập trung các giải pháp thực hiện hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt trung bình 3,5%/năm.

Trong 6 nhiệm vụ, giải pháp đưa ra, UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung của Nghị quyết; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ trương phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới; quan tâm công tác quy hoạch và tổ chức sản xuất; đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ cao; xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm; triển khai chính sách, thu hút đầu tư.

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức và hoạt động sản xuất của người dân từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa, tập trung, tổ chức lại sản xuất theo mô hình hợp tác xã, liên doanh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo sản phẩm nông sản sau khi sản xuất ra có thị trường tiêu thụ ổn định. UBND các huyện, thành phố tăng cường phổ biến, quán triệt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết đến các phòng, ban chuyên môn, đoàn thể cấp huyện, lãnh đạo UBND các xã, phường, thị trấn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát quy hoạch vùng nguyên liệu cây ăn quả, chè và cây dong riềng; xây dựng, duy trì và nhân rộng các chuỗi sản xuất, tiêu thụ chè, miến dong an toàn; quản lý, hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất để được cấp chứng nhận ATTP, VietGAP, hữu cơ; tăng cường kiểm tra, giám sát điều kiện bảo đảm chất lượng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm chè, miến dong trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò, lợn theo quy mô trang trại đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Hợp tác xã Hồng Hà, xã Bằng Phúc, Chợ Đồn tập trung phát triển sản phẩm chè Shan tuyết 

Cùng với đó là đẩy nhanh việc hình thành các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp có sản phẩm nông sản đạt chất lượng, an toàn thực phẩm và ổn định theo từng mùa vụ để gắn với các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm nông thôn; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” giai đoạn 2021 - 2025.

Các đơn vị, địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn xây dựng một số dự án đầu tư thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp tại địa phương nhằm thu hút người lao động nông thôn trở về địa phương làm việc cho doanh nghiệp. Đồng thời, từ những dự án này, người dân từng bước có thêm kiến thức về việc ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp để vận dụng, liên kết phát triển sản xuất tăng thu nhập trên chính mảnh đất của gia đình, góp phần giảm thiểu tình trạng thiếu nhân lực lao động nông thôn như hiện nay.

Đối với công tác xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản tiếp cận với thị trường trong nước và quốc tế để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Triển khai nhiệm vụ năm 2021, đến nay, diện tích lúa Mùa thực hiện được 14.092 ha, trong đó lúa Mùa sớm 2.294 ha đang giai đoạn ôm đòng, lúa Mùa chính vụ 11.796 ha đang giai đoạn đẻ nhánh rộ. Người dân tập trung chăm sóc để đảm bảo về năng suất, sản lượng. Cây ngô đã trồng 5.663 ha, đạt 102% kế hoạch. Công tác trồng rừng được chú trọng triển khai, trong đó, diện tích rừng đã trồng là 4.714 ha, đạt 132% kế hoạch.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh các Hợp tác xã tỉnh tiếp tục hướng dẫn các địa phương tổ chức sản xuất, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất chế biến sản phẩm nông sản, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 212 hợp tác xã nông nghiệp. Trong nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, các đơn vị, địa phương đang huy động nguồn lực, phát huy sức dân để xây dựng 6 xã đạt chuẩn năm 2021, đồng thời tích cực xây dựng thôn nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao...

Quyết tâm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, các sở, ngành, các huyện, thành phố đang tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của từng ngành, lĩnh vực, địa phương để phấn đấu thực hiện tốt Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, qua đó góp phần thực hiện nhiệm vụ trọng tâm tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII./.

Hương Lan