PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

04/12/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Giảm chi phí tuân thủ pháp luật, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, năm 2022, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp để giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng Chỉ số B1.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Tiếp nhận, giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh

Trong Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, UBND tỉnh đã đề ra mục tiêu “Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); đẩy mạnh phát triển số lượng doanh nghiệp mới thành lập mới; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân. Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19; kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh…”. 

Để thực hiện mục tiêu này, một trong những nhiệm vụ, giải pháp đã được các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện trong năm 2022 đó là “tăng cường cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính”. Trong đó cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giảm chi phí tuân thủ trên mọi lĩnh vực; gắn cải cách TTHC với xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số; đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Cùng với đó là tổ chức rà soát, đánh giá toàn bộ các quy định về phí, lệ phí thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương quản lý, thực hiện để kịp thời phát hiện các quy định chưa phù hợp, tạo gánh nặng, làm tăng chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp và người dân, trình cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với quy định của Luật Phí, lệ phí và các văn bản hướng dẫn thi hành. Công bố kịp thời, đầy đủ, công khai rộng rãi về các điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ hoặc đơn giản hóa, các quy định mới trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh dễ làm phát sinh các chi phí không chính thức trong tuân thủ pháp luật bằng hình thức phù hợp để tổ chức, cá nhân biết... 

Điểm nổi bật là các cơ quan, đơn vị đã triển khai thực hiện đồng loạt việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trong tiếp nhận, giải quyết TTHC tại Bộ phận Một cửa cấp tỉnh từ ngày 1/6/2022 và tại Bộ phận Một cửa cấp huyện từ ngày 1/12/2022 theo đúng quy định tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP của Chính phủ. 

Sở Tư pháp cho biết, năm 2022, Sở đã trình UBND tỉnh phê duyệt 204 quy trình nội bộ giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền quản lý và giải quyết của đơn vị; rà soát, kiến nghị đơn giản hoá đối với 7 TTHC thuộc các lĩnh vực thừa phát lại, đấu giá tài sản, tư vấn pháp luật; 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở đều được thực hiện qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Tổng số TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đang thực hiện là 106/132 thủ tục (đạt 80,3%); số hồ sơ phát sinh dịch vụ công trực tuyến là 3.001 hồ sơ (tỷ lệ 17,8%). 

Cắt giảm, đơn giản hóa TTHC được Sở Nội vụ kiên quyết thực hiện ngay từ đầu năm. Theo đó, đã có 6 TTHC được cắt giảm về thời gian thực hiện; tổng chi phí tiết kiệm sau khi cắt giảm là 166.176.00 đồng/năm, tương ứng tỷ lệ cắt giảm là 27,59%. 

Là cơ quan có nhiều TTHC cần giải quyết liên quan đến tổ chức, cá nhân, thời gian qua, Công an tỉnh đã nỗ lực duy trì thực hiện các TTHC giải quyết nhanh, cụ thể là đã thực hiện đăng ký và cấp biển số xe nhanh được 6.734 hồ sơ; cấp giấy chứng nhận sang tên sau 120 phút được 571 hồ sơ. Đặc biệt trong năm, Công an tỉnh đã triển khai thực hiện việc phân cấp đăng ký xe, cấp biển số xe ô tô, mô tô, xe gắn máy cho Công an cấp huyện và thí điểm phân cấp đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy cho công an cấp xã (Công an xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn) từ ngày 21/5/2022, qua đó tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, tiết kiệm thời gian, chi phí. 

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trong năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tích cực rà soát, lựa chọn các danh mục TTHC để thực hiện theo hình thức “không chờ” nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC được tiếp nhận và giải quyết nhanh chóng, kịp thời, góp phần nâng cao sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC. 

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, giải quyết những vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, đồng thời giảm chi phí tuân thủ pháp luật. Nhiều cơ quan, đơn vị đã quan tâm tổ chức các hoạt động tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, đại diện các doanh nghiệp, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp để tiếp nhận, thu thập thông tin kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc; xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Điển hình như Sở Tư pháp trong năm đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục thuế tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức Hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật và cung cấp thông tin pháp lý cho 60 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã. Công an tỉnh tổ chức đối thoại trực tuyến về TTHC và giải quyết TTHC trên Trang Thông tin điện tử Công an Bắc Kạn với sự tham gia của gần 200 đại biểu, theo đó đã tiếp nhận, trả lời trực tuyến 28 câu hỏi đối thoại của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; tổ chức 20 hội nghị đối thoại trực tiếp về TTHC, giải quyết TTHC; tổ chức diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân” với 513 đại biểu tham dự, tiếp nhận, giải đáp 158 câu hỏi đối thoại. UBND huyện Chợ Đồn tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn, qua đó đã tiếp nhận, thu thập thông tin, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh... 

Theo Sở Tư pháp, để giảm chi phí tuân thủ pháp luật, cùng với sự nỗ lực của cơ quan nhà nước cần có sự phối hợp hỗ trợ tích cực của các doanh nghiệp, tổ chức, người dân. Tuy nhiên, do số doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn còn ít, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, vốn đầu tư thấp, chưa chủ động trong việc đề xuất, kiến nghị những giải pháp có hiệu quả để nâng cao chất lượng làm giảm chi phí tuân thủ pháp luật; một số doanh nghiệp chưa chủ động, chưa thực sự quan tâm, tìm hiểu về các quy định của các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, do vậy, việc phối hợp triển khai hoạt động tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn đôi khi còn khó khăn. Bên cạnh đó, đa số người dân và doanh nghiệp đã quen với hình thức nộp hồ sơ trực tiếp nên còn e ngại việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, hơn nữa, sự hiểu biết của người dân về công nghệ thông tin còn hạn chế nên việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân còn khó khăn, chỉ muốn “trực tiếp” đến các cơ quan hành chính làm thủ tục theo cách thức truyền thống. 

Cũng theo Sở Tư pháp, hiện nay, các điều kiện bảo đảm thi hành pháp luật nhằm cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật còn nhiều khó khăn về nguồn lực bảo đảm, do chưa có bộ chỉ số để hướng dẫn cụ thể, thống nhất về chi phí tuân thủ pháp luật nên các cơ quan chức năng còn lúng túng trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để đạt được mục tiêu nâng hạng Chỉ số B1 theo yêu cầu... 

Vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, tập trung thực hiện tốt công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC; tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến và sử dụng dịch vụ bưu chính công ích nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng doanh nghiệp; quan tâm tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức và bồi dưỡng, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cập nhật, nắm bắt các quy định pháp luật mới nhằm tăng tính hiệu quả trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng Chỉ số B1. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật và khen thưởng trong tổ chức thực thi và tuân thủ pháp luật./.  

Bích Huệ