PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

10/10/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Gương nông dân thôn Nà Pùng làm giàu từ chăn nuôi
Trong khi nhiều hộ dân xung quanh vẫn còn loay hoay chưa tìm được mô hình phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống thì anh Chu Văn Chanh (thôn Nà Pùng, xã Cổ Linh) đã thành công với mô hình chăn nuôi lợn trang trại gần 10 năm nay.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Chia sẻ với chúng tôi, anh Chu Văn Chanh cho biết, Cổ Linh là xã vùng cao, gia đình anh cũng như người dân bao đời ở đây đều chỉ sản xuất nông, lâm nghiệp, chỉ mấy năm gần đây mới phát triển thêm dịch vụ. Nhìn chung, đời sống đại bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn.

Quyết tâm tìm cách phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình, anh Chanh chia sẻ, anh đã làm rất nhiều công việc khác nhau như nấu rượu, thu mua nông sản theo mùa vụ, dịch vụ xay sát thóc cho bà con trong vùng. Nhận thấy thị trường có nhu cầu lớn về lợn sạch, nấu rượu có bống và xay sát thóc có thêm nguồn thức ăn chủ động cho chăn nuôi, anh đã bàn với vợ đầu tư phát triển chăn nuôi lợn.

Được sự đồng tình ủng hộ của cả gia đình, năm 2014, anh Chanh đầu tư xây dựng chuồng trại bắt đầu chăn nuôi lợn với nguồn thức ăn chủ yếu từ bống rượu, cám gạo, ngô và nguồn thức ăn chủ động tại địa phương như dây lang, chuối, rau. Bắt tay vào lĩnh vực mới, anh chịu khó học tập từ các mô hình sản xuất có hiệu quả; học cách phòng trừ dịch bệnh từ các hiệu thuốc thú y trong những lần đi mua thuốc phòng bệnh cho đàn lợn; tích cực tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân xã tổ chức...    

Những năm đầu mới phát triển chăn nuôi, anh đến tận Bắc Giang lựa chọn mua về Cổ Linh. Khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở trong nước, anh đã nuôi thêm lợn nái giống lai Đức và giống địa phương để chủ động nguồn giống tại chỗ, không phải nhập lợn con từ bên ngoài để ngăn ngừa dịch bệnh. Hiện nay, trong trang trại anh Chanh có gần 100 con lợn con, lợn nhỡ và hơn 10 con lợn giống, trong đó có 9 nái lai Đức.

Cẩn trọng từ khâu chọn con giống, chăm sóc, tiêm phòng đến vệ sinh chuồng trại, do đó gần 10 năm phát triển chăn nuôi, trang trại lợn nhà anh Chanh chưa xảy ra dịch bệnh, gây thiệt hại cho đàn vật nuôi. Anh Chanh cho biết, khi chưa tự chủ được con giống, đợt nào mua lợn con tái đàn anh cũng vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm phòng các loại bệnh cho lợn con trước khi thả vào chuồng để đảm bảo đàn lợn “sạch” ngay từ khâu đầu vào. Khi tự chủ được con giống, gia đình anh cũng chủ động tiêm phòng cho đàn lợn, thường xuyên vệ sinh, phun khử trùng tiêu độc xung quanh chuồng trại; do không ăn thức ăn công nghiệp nên mỗi bữa ăn của đàn lợn đều được anh “quán triệt” vợ con pha chế vừa đủ, không để dư thừa cho bữa sau đề phòng thức ăn lên men gây bệnh; trước mỗi bữa ăn của đàn lợn, toàn bộ các chuồng nuôi đều được rửa sạch sẽ.

Đàn lợn con lai Đức đẹp như tranh vẽ trong trang trại nhà anh Chanh

Đến thăm trang trại lợn của gia đình anh Chanh chúng tôi mới cảm nhận được sự cẩn trọng của anh trong chăn nuôi. Đồ dùng để chứa thức ăn cho đàn lợn sau mỗi bữa ăn đều được rửa sạch sẽ; ngày tháng tiêm phòng cho từng đàn lợn được anh ghi lại cẩn thận trong cuốn sổ treo ngay tại mỗi chuồng; chuồng trại chăn nuôi được anh Chanh tự thiết kế từng khu chăn nuôi lợn giống, lợn thịt riêng và bể chứa nước để xả rửa chuồng; có hầm bioga chứa chất thải nên khu vực chăn nuôi không bị ô nhiễm.

Vừa cầm vòi phun nước tắm cho đàn lợn, anh Chanh vừa hào hứng khoe, chuồng trại đều do tự anh thiết kế, nền chuồng có độ dốc nhất định nên mỗi lần phun nước tắm cho đàn lợn và vệ sinh chuồng trại “mọi thứ” đều trôi ngay xuống hầm bioga, nền chuồng không bị đọng nước, lúc nào cũng sạch sẽ. Cũng chính vì vậy mà đến mùa đông, để chống rét cho đàn vật nuôi, anh chỉ cần quây bạt xung quanh chuồng chắn gió lùa chứ không lo nền chuồng ẩm ướt khiến đàn lợn bị rét.

Chính vì thực hiện tốt công tác chăm sóc, phòng chống dịch bệnh; lựa chọn giống nuôi chất lượng nên trang trại lợn của gia đình anh Chanh hằng năm đều mang lại hiệu quả kinh tế cao. Riêng năm 2021, sau khi trừ mọi chi phí, trang trại lợn mang lại cho gia đình anh Chanh hơn 700 triệu đồng. Lợn nuôi tại trang trại của gia đình anh Chanh được xuất bán cho các tư thương trên địa bàn huyện và các tư thương đến từ tỉnh Cao Bằng.

Ngoài chăn nuôi lợn, gia đình anh Chanh còn phát triển chăn nuôi ngựa sinh sản. Hiện nay, đàn ngựa của gia đình anh còn 5 con ngựa, trong đó có 2 con ngựa bạch.

Với mô hình kinh tế chăn nuôi có hiệu quả, gia đình anh Chanh xây dựng được ngôi nhà khang trang
tại thôn Lủng Phặc, xã Cổ Linh. Anh cho biết tới đây, cả gia đình sẽ chuyển hẳn đến Lủng Phặc
để chuyên tâm phát triển kinh tế ở đây

Nhanh nhạy trong phát triển kinh tế cùng với đức tính siêng năng, cần cù, anh Chanh đã thành công trong việc tìm ra hướng phát triển kinh tế cho gia đình. Với mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, những năm qua, hộ gia đình anh Chanh đã vinh dự được nhận Bằng khen của UBND tỉnh, Giấy khen của Hội Nông dân tỉnh và UBND huyện - Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời để anh Chanh cùng gia đình tiếp tục vươn lên tại xã vùng cao Cổ Linh còn nhiều gian khó./.

Hương Dịu