PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

21/09/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Gương sáng nỗ lực thoát nghèo trên non cao Phiêng Chỉ
Với khát vọng vươn lên, “dám nghĩ, dám làm”, anh thanh niên Đặng Phụ Phin - dân tộc Dao tại thôn Phiêng Chỉ, xã Phúc Lộc, huyện Ba Bể đã quyết tâm phát triển kinh tế gia đình từ lợi thế của địa phương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Anh Đặng Phụ Phin chăm sóc đàn ngựa của gia đình 

Thôn Phiêng Chỉ là một trong 12 thôn vùng cao của xã Phúc Lộc, huyện Ba Bể. Trong thôn có 54 hộ dân tộc Dao cùng chung sống, trong đó duy nhất hộ anh Đặng Phụ Phin là không thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo.

Đến Phiêng Chỉ vào một ngày cuối tháng 8/2022, chúng tôi mới thấy sự nỗ lực vươn lên của anh Đặng Phụ Phin và gia đình quả đáng khâm phục. Cách trung tâm xã Phúc Lộc khoảng 15 km, để đến được thôn Phiêng Chỉ, nếu không có sự hỗ trợ của Bí thư Đoàn xã, có lẽ chúng tôi khó mà vượt qua được con đường đất hiểm trở, dốc dựng đứng, cộng thêm những rãnh, ổ trâu ổ gà, đá lởm chởm do nhiều trận mưa to gây ra. Đường giao thông không thuận lợi nên khó khăn trong phát triển sản xuất, bà con trong thôn sử dụng điện sinh hoạt từ những máy phát mini do chưa có điện lưới quốc gia... Những hạn chế đó làm cuộc sống của đồng bào Dao nơi đây mãi vật lộn với cái nghèo. 

Không cam chịu cái đói, cái nghèo đeo đẳng, anh Đặng Phụ Phin đã tìm mọi cách để phát triển kinh tế gia đình. Nhận thấy thôn có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi đại gia súc do có bãi chăn thả rộng, năm 2009, anh Phin đã bàn với gia đình phát triển đàn vật nuôi với 17 con trâu và trên 40 con bò. Đến năm 2015, khi tách khẩu ra ở riêng, gia đình nhỏ của anh vẫn tiếp tục mô hình chăn nuôi trâu, bò. Đến năm 2019, anh mua thêm ngựa để nuôi. Đến nay, mô hình chăn nuôi của gia đình anh Phin có 5 con trâu, 9 con ngựa; đầu năm anh vừa xuất bán 6 con bò.

Anh Phin chia sẻ, Phiêng Chỉ phù hợp với phát triển chăn nuôi đại gia súc nhưng vốn để mua giống vật nuôi lại rất lớn nên không phải gia đình nào cũng có vốn để phát triển sản xuất. Mặc dù ở đây có bãi chăn thả rộng nhưng gia đình anh vẫn trồng thêm cỏ voi làm thức ăn nuôi nhốt trâu, bò, nhất là vào mùa đông thời tiết giá rét, các bãi cỏ khô cằn. Qua tìm hiểu thấy nuôi ngựa mang lại hiệu quả cao hơn trâu, bò và chăm sóc dễ hơn khi đây là một loài vật nuôi ít dịch bệnh, chịu rét tốt, anh đã mua thêm ngựa để phát triển đàn vật nuôi. Với 9 con ngựa, trong đó có 7 ngựa cái để sinh sản, gia đình anh kỳ vọng sẽ có thêm nguồn thu nhập ổn định hằng năm từ bán ngựa con.

Dong riềng được anh Đặng Phụ Phin trồng trên ruộng bậc thang và đồi quanh nhà, hiện đang phát triển tốt

Quyết tâm giảm nghèo, anh Phin luôn tìm tòi học hỏi các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả để áp dụng sản xuất. Chính vì vậy, khi thấy bà con Phia Đén, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng trồng dong riềng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cây ngô, lúa anh cũng đã mua giống về trồng tại Phiêng Chỉ.

Anh Phin cho biết, từ năm 2013, gia đình anh bắt đầu trồng cây dong riềng, đồng thời đầu tư máy sơ chế tinh bột dong riềng tại thôn Phiêng Chỉ. Nhờ dong riềng mà anh có tiền mua được căn nhà 115 triệu. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ dong riềng, năm 2021, anh mua thêm 3 thửa ruộng bậc thang để trồng dong riềng. Với 2 ha dong riềng được trồng trong năm nay, anh dự kiến thu được khoảng 12 tấn tinh bột ướt.

Cùng với phát triển chăn nuôi đại gia súc, trồng dong riềng, gia đình anh Phin còn góp vốn mua máy xúc cho thuê để có thêm thu nhập. Được biết, hằng năm, từ cho thuê máy xúc cũng giúp cho gia đình anh Phin có thêm khoản thu nhập bình quân 150 triệu đồng.

Theo tính toán của anh Phin, gia đình anh thu về khoảng 400 - 500 triệu đồng từ trồng dong riềng, cho thuê máy xúc và chăn nuôi đại gia súc. Đây là nguồn thu lớn không dễ có được đối với những người nông dân, nhất là tại vùng đất khó khăn như Phiêng Chỉ. Chính vì vậy, anh Phin xứng đáng là tấm gương điển hình phát kinh tế trong thanh niên để tuổi trẻ xã Phúc Lộc noi theo.

Anh Phin cho biết, để có được mô hình kinh tế phát triển như hôm nay, anh tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, được tuyên truyền, tạo điều kiện của Đoàn thanh niên xã trong việc học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả khác. Qua đó giúp anh có hướng đi đúng và học được cách vượt qua khó khăn để vươn lên phát triển kinh tế cho gia đình./.

Hương Dịu