PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

29/11/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Hiệu quả bước đầu của dự án Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo và phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa tại tỉnh Bắc Kạn
Dự án Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo và phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa tại tỉnh Bắc Kạn do Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp miền núi phía Bắc thực hiện đến nay đã có những kết quả nhất định.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Đại biểu tham quan mô hình thâm canh chè theo hướng VietGAP tại xã Như Cố, huyện Chợ Mới

Dự án đã xây dựng mô hình 20 ha thâm canh chè theo hướng VietGAP, trong đó có 10 ha tại xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể và 10 ha tại xã Như Cố, huyện Chợ Mới. Khi được áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào thâm canh, cây chè đã làm tăng số lứa hái, năng suất búp trung bình đạt 8,62 tấn/ha, tăng 20,56% so với trước khi thực hiện Dự án; hiệu quả kinh tế tăng 34,05% so với đối chứng.

Dự án còn xây dựng 5 ha mô hình thâm canh chè theo hướng hữu cơ, năng suất của mô hình đạt 3,13 tấn/ha, tăng 30,56% so với trước khi thực hiện Dự án và tăng 29,48% so với sản sản xuất đại trà; xây dựng 12 ha trồng giống chè mới chất lượng cao, trong đó có 10 ha theo VietGAP, 2 ha theo hướng hữu cơ. Kết quả cho thấy, hai giống chè PH8, Kim Tuyên khá phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Hiện nay, toàn bộ diện tích chè trồng mới sinh trưởng phát triển tốt đã cho thu hoạch búp. Dự án đã giúp nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ cho Hợp tác xã chè Mỹ Phương huyện Ba Bể, Hợp tác xã Nông nghiệp thanh niên Như Cố, huyện Chợ Mới; hỗ trợ kỹ thuật, máy móc, thiết kế nhãn mác, bao bì để chế biến 3 sản phẩm chè mới là chè xanh thơm, chè sợi, chè Ngân Kim.

Để đánh giá kết quả Dự án, mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp miền núi phía Bắc tổ chức Hội thảo về dự án Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo và phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa tại tỉnh Bắc Kạn. Các đại biểu, đại diện các hộ tham dự Hội thảo đã thảo luận, đánh giá Dự án cơ bản đã đạt được mục tiêu, hoàn thành nội dung được phê duyệt. Việc triển khai Dự án đã góp phần làm thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất chè nói riêng. Từ thành công của các mô hình này, các đại biểu cũng mong muốn nhà khoa học, cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến địa phương có định hướng phát triển cây chè, tuyên truyền, vận động, có khuyến cáo trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật để cải tạo, thâm canh nương chè phân tán, già cỗi, đưa các giống chè mới vào sản xuất, để cây chè trở thành hàng hóa và là cây làm giàu cho người dân.

Nhân dịp này, Sở Khoa học và công nghệ đã trao giấy chứng nhận VietGAP, hữu cơ cho Hợp tác xã chè Mỹ Phương và Hợp tác xã Nông nghiệp thanh niên Như Cố, huyện Chợ Mới./.

Hương Lan