PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

11/08/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Hỗ trợ và tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển
Thời gian qua, từ các chính sách ưu đãi của Trung ương, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai những giải pháp, hoạt động hỗ trợ cụ thể, từng bước tháo gỡ cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Qua đó đã góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn ngày càng phát triển, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Ảnh: Chế biến gỗ tại Công ty Cổ phần đầu tư Govina, Khu Công nghiệp Thanh Bình

Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ, Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 6/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục tập trung nghiên cứu, tham mưu ban hành cơ chế, chính sách; tạo điều kiện, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trên địa bàn, phấn đấu đến năm 2020, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 1.300 doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh đã có Quyết định số 626/QĐ-UBND ngày 20/4/2018 về việc ban hành Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2018-2022, định hướng đến năm 2025; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 09/2018/NQ-HĐND ngày 17/7/2018 về hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 17/4/2019 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn…

Cùng với đó, các địa phương, đơn vị chuyên môn trên địa bàn tỉnh cũng tích cực hướng dẫn và thực hiện tốt chính sách ưu đãi, hỗ trợ thuế, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; hỗ trợ các giải pháp thương mại điện tử, quảng bá doanh nghiệp, tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất kinh doanh...

Đặc biệt, công tác cải cách thủ tục hành chính được quan tâm thực hiện, nhất là các thủ tục thành lập doanh nghiệp, thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng trên địa bàn tỉnh đến nay đã được cắt giảm đáng kể, giảm phiền hà cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Hiện tại, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp rút ngắn xuống chỉ còn 01 ngày làm việc so với trước năm 2016 là 03 ngày làm việc; thời gian cấp Quyết định chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh được rút ngắn còn 12 ngày so với trước năm 2016 là 16 ngày làm việc; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu từ 30 ngày xuống còn không quá 20 ngày; đăng ký bổ sung tài sản vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp từ 20 ngày xuống còn không quá 14 ngày; cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản từ 90 ngày xuống còn không quá 60 ngày; thẩm định nhu cầu sử dụng đất từ 30 ngày xuống còn không quá 25 ngày; thời gian phê duyệt trữ lượng khoáng sản rút ngắn từ 185 ngày xuống còn 150 ngày; thời gian cấp phép xây dựng rút ngắn từ 30 xuống còn 20 ngày; thời gian hoàn thuế còn dưới 117 giờ/năm; thời gian thu nộp bảo hiểm xã hội được rút ngắn xuống còn 45 giờ/năm; thời gian cấp điện lưới trung áp đến giảm từ 10 ngày xuống dưới 07 ngày, trung bình thực hiện là 05 ngày…

Những giải pháp hỗ trợ của tỉnh thời gian qua đã thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân nói chung và doanh nghiệp nói riêng phát triển bền vững và ổn định. Trong giai đoạn 2016-2020, theo số liệu thống kê của UBND tỉnh, khu vực kinh tế tư nhân mỗi năm đóng góp vào 10% GRDP của tỉnh; tổng doanh thu của khối doanh nghiệp Nhà nước tính đến hết tháng 12/2020 ước đạt trên trên 820 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 75,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt 6,8 triệu đồng/người/tháng; khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước tổng doanh thu trên 318 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 25,4 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt 5,5 triệu đồng/người/tháng…

Tuy rằng vẫn còn những hạn chế, nhưng sự phát triển của các doanh nghiệp đã và đang góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực công nghiệp, dịch vụ; từng bước thay đổi phương thức kinh doanh ở khu vực nông thôn; đa dạng hóa các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và kênh phân phối đến thị trường miền núi, vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Vì vậy, với tầm quan trọng của doanh nghiệp trong tổng thể nền kinh tế, giai đoạn tiếp theo, Bắc Kạn xác định: Tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong đó, chú trọng đến những chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, tiếp cận vốn vay ưu đãi, các giải pháp về thủ tục hành chính, hỗ trợ đào tạo nhân lực, hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường. Đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại, các cơ hội kinh doanh và tham gia vào các thị trường tiềm năng trong khu vực và quốc tế…/.

Thu Cúc