PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

08/08/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Chuyển biến tích cực trong hoạt động xuất nhập khẩu
Nhờ thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa hướng đến xuất khẩu nên hoạt động xuất - nhập khẩu của tỉnh Bắc Kạn thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Tỉnh Bắc Kạn tập trung chế biến sâu khoáng sản
(Ảnh sản xuất tại Nhà máy luyện chì 5.000 tấn/năm xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn)

Trong giai đoạn 2011 - 2020, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; ban hành một số cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất hàng hóa hướng đến xuất khẩu. Các hoạt động thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa như hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa chủ lực, phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất, xúc tiến thương mại… được tập trung thực hiện có hiệu quả.

Nhờ vậy, đến nay, tỉnh đã thu hút được nhiều dự án chế biến sâu khoáng sản theo hướng tập trung quy mô lớn, công nghệ tiên tiến. Hiện trên địa bàn tỉnh có 4 nhà máy/xưởng luyện chì đang hoạt động ổn định. Một số dự án chế biến gỗ quy mô lớn (sản xuất ván dán) đã được đầu tư vào Khu Công nghiệp Thanh Bình. Một số chủ đầu tư tích cực nâng cấp, đổi mới dây chuyền sản xuất như tại Nhà máy sản xuất giấy đế huyện Chợ Đồn, 4 nhà máy sản xuất đũa gỗ tại huyện Bạch Thông và thành phố Bắc Kạn đảm bảo công suất thiết kế, chất lượng sản phẩm xuất khẩu…

Đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, đến nay, trên địa bàn tỉnh có Khu Công nghiệp Thanh Bình giai đoạn I với diện tích 73,5 ha đã được đầu tư hoàn chỉnh tương đối đồng bộ và đưa vào sử dụng, thu hút 12 dự án đăng ký hoạt động. Tỉnh đang triển khai thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật Cụm Công nghiệp Huyền Tụng với diện tích 16 ha từ nguồn ngân sách tỉnh; đầu tư Cụm Công nghiệp Quảng Chu (huyện Chợ Mới) với diện tích 74,4 ha và Cụm Công nghiệp Cẩm Giàng (huyện Bạch Thông) với diện tích 43 ha từ vốn xã hội hóa.

Thông qua chương trình khuyến công, tỉnh cũng đã hỗ trợ một số cơ sở sản xuất đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh để phát triển sản xuất, tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu. Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã thực hiện 66 đề án, nhiệm vụ khuyến công với tổng kinh phí hỗ  trợ từ ngân sách nhà nước trên 6,4 tỷ đồng.

Sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan (Na Rì) đã được xuất khẩu sang thị trường EU

Đồng thời, tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh tiếp xúc, gặp gỡ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng của các tỉnh để giao lưu, tìm hiểu thông tin về thị trường, sản phẩm hàng hóa và đã ký kết được một số hợp đồng nguyên tắc, biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Một số sản phẩm hàng hóa thế mạnh của địa phương đã có thương hiệu và được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận như gỗ dán ép, các sản phẩm từ nghệ, gừng, mơ, miến dong…

Các chính sách hỗ trợ, các hoạt động sản xuất được triển khai có hiệu quả đã tác động tích cực, góp phần tạo sự chuyển biến trong hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh. Nếu như giai đoạn 2021 - 2015, hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh đạt thấp, trung bình chỉ đạt trên 1,5 triệu USD/năm, trong đó nhiều năm không có hoạt động xuất khẩu (năm 2011, 2012, 2015) mà chỉ nhập khẩu với giá trị trung bình đạt khoảng 1 triệu USD thì đến giai đoạn 2016 - 2020, hoạt động này đã có khởi sắc với giá trị xuất nhập khẩu đạt gần 4,5 triệu USD/năm.

Riêng năm 2020, hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh tăng trưởng khá, mặt hàng miến dong của tỉnh bước đầu đã xuất khẩu vào thị trường EU mở ra cơ hội mới cho các sản phẩm nông sản của tỉnh. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh năm 2020 đạt 12,7 triệu USD, tăng 32% so với năm 2019 và tăng 27% so với kế hoạch năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 7,5 triệu USD với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là bột canxi cacbonat, gỗ dán ép, đũa gỗ, quả mơ, gừng đã qua sơ chế, miến dong; kim ngạch nhập khẩu đạt 5,2 triệu USD với mặt hàng chủ yếu là máy móc thiết bị, veneer làm lớp mặt...

Bước vào năm 2021, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh tiếp tục đạt vượt kế hoạch đề ra. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2021 đạt 12,56 triệu USD, đạt 125,6% kế hoạch, tăng 206% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 8,33 triệu USD, đạt 277,6% kế hoạch và tăng 334% so với cùng kỳ năm trước với mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là bột kẽm sun phát, ván dán, đũa gỗ, hoa quả qua sơ chế; kim ngạch nhập khẩu đạt 4,23 triệu USD, đạt 60,4% kế hoạch và tăng 93,7% so với cùng kỳ năm 2020 với mặt hàng chủ yếu là ván mỏng, túi giấy, vener, máy móc.

Sản xuất đũa gỗ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.
(Hình ảnh ghi tại Nhà máy sản xuất đũa gỗ của Công ty CP đầu tư Govina ở xã Cẩm Giàng, Bạch Thông)

Với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định, mặc dù trong bối cảnh điều kiện kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp, nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh Bắc Kạn đã có sự chuyển biến tích cực. Để đạt được nhiều kết quả tích cực trong hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn xác định tiếp tục đầu tư mở rộng các dự án phát triển vùng nguyên liệu và các dự án sản xuất hàng xuất khẩu, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu; tăng cường xúc tiến đầu tư, sản xuất hàng xuất khẩu tại tỉnh Bắc Kạn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, hải quan, giám định chất lượng…; đầu tư phát triển hạ tầng thương mại điện tử, đảm bảo phục vụ công tác xúc tiến thương mại quốc tế có hiệu quả…/.

Hương Dịu