PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

24/09/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Hội nghị đánh giá thực trạng và bàn giải pháp đầu ra cho sản phẩm gỗ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
Ngày 23/9/2020, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa đã chủ trì Hội nghị đánh giá thực trạng và bàn giải pháp đầu ra cho sản phẩm gỗ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Dự Hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố và 30 cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Quang cảnh Hội nghị

Tỉnh Bắc Kạn có diện tích đất lâm nghiệp trên 417 nghìn ha, chiếm 86% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, hiện diện tích rừng trồng của tỉnh là 97.863,7 ha. Giai đoạn 2016-2019, Bắc Kạn đã trồng mới rừng được 26.600 ha, trong đó diện tích cây gỗ lớn 3 năm đạt trên 13.000 ha; sản lượng gỗ khai thác đạt 160.000 m3. Tỷ lệ che phủ rừng của Bắc Kạn đạt 72,9%, là địa phương có độ che phủ rừng cao nhất cả nước, đây là tiềm năng lớn để tỉnh phát triển rừng nguyên liệu gỗ phục vụ nhu cầu chế biến gỗ.

Trên địa bàn tỉnh đang có 240 cơ sở chế biến gỗ với 27 doanh nghiệp và 213 cơ sở hộ kinh doanh/hộ gia đình hoạt động. Tuy nhiên có đến 117 cơ sở sản xuất ván bóc là sản phẩm ván mỏng sơ chế, nguyên liệu gỗ phục vụ sản xuất ván dán. Các sản phẩm này chủ yếu xuất bán ra ngoài tỉnh và xuất khẩu sang Trung Quốc, chỉ một phần nhỏ xuất bán cho các cơ sở sản xuất ván dán tại Khu Công nghiệp Thanh Bình. Do khai thác gỗ chưa đúng theo kế hoạch, nhiều sản lượng gỗ được khai thác chưa đủ tuổi để sản xuất ván bóc và băm dăm gỗ, ảnh hưởng đến chất lượng các sản phẩm chế biến từ gỗ cũng như vùng nguyên liệu lâu dài. Việc liên kết giữa các cơ sở chế biến gỗ tinh chế với các hộ dân trồng rừng còn rất hạn chế... Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng lớn đến thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ ván dán của các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh.


Đại diện Công ty TNHH Trường Thành phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, đa số các hộ trồng rừng cho rằng, Bắc Kạn có tỷ lệ diện tích trồng rừng lớn, tuy nhiên, phần nhiều do địa hình đồi núi có độ dốc cao, chia cắt phức tạp nên khó khăn trong việc hình thành các vùng nguyên liệu gỗ lâm sản tập trung với quy mô lớn và khó khăn trong việc khai thác, vận chuyển. Các hộ gia đình chủ yếu là ở vùng miền núi, đời sống khó khăn, thiếu vốn sản xuất nên trồng rừng quảng canh, chu kỳ ngắn để nhanh cho sản phẩm, thu nhập, dẫn đến chất lượng gỗ rừng trồng không cao, người dân bán gỗ non khiến cho giá trị kinh tế thấp. Hệ thống đường giao thông, nhất là đường lâm nghiệp chưa được đầu tư kịp thời nên việc khai thác, vận chuyển lâm sản của người dân gặp nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư phát triển rừng trên địa bàn...

Trao đổi tại Hội nghị, các cơ sở chế biến gỗ cũng chia sẻ, công tác liên kết giữa các cơ sở chế biến gỗ tinh chế với các hộ dân trồng rừng trên địa bàn còn lỏng lẻo, chưa được các doanh nghiệp quan tâm. Một số doanh nghiệp chế biến gỗ lớn trên địa bàn tỉnh đề xuất, tỉnh cần tăng cường thực hiện các giải pháp để khép kín chuỗi trồng, chế biến và tiêu thụ gỗ rừng trồng; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức trồng rừng sản xuất.


Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa phát biểu tại Hội nghị

Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương cũng đã trao đổi về những chính sách của Trung ương, của tỉnh trong việc ưu tiên, hỗ trợ phát triển lâm nghiệp nói chung và ngành chế biến gỗ nói riêng; những giải pháp đang được các cấp, ngành thực hiện nhằm nâng cao công tác quy hoạch, phát triển rừng trồng gỗ.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa đánh giá, trong những năm gần đây, phong trào trồng rừng sản xuất đã và đang phát triển rộng khắp, bước đầu giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng vạn lao động nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người làm nghề rừng. Ngành công nghiệp gỗ cũng đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Một số đơn vị, doanh nghiệp chế biến gỗ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.

Để phát huy tối đa lợi thế của tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu thời gian tiếp theo, các ngành liên quan chủ động phối hợp với các địa phương thực hiện công tác rà soát, quy hoạch các vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến, tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho phát triển công nghiệp chế biến gỗ phù hợp với yêu cầu của thị trường. Tăng cường công tác quản lý giống cây trồng; tích cực hướng dẫn người dân cách trồng và chăm sóc rừng để nâng cao chất lượng gỗ. Đẩy mạnh đào tạo nghề sản xuất lâm nghiệp cho lao động nông thôn; xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế tổ, nhóm, hợp tác xã sản xuất lâm nghiệp, tạo điều kiện về thể chế để nông dân, hộ gia đình liên kết cùng doanh nghiệp tổ chức sản xuất nông - lâm nghiệp theo chuỗi sản phẩm. Chủ động làm cầu nối gắn kết giữa các nhà máy chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh đứng ra bao tiêu sản phẩm ván bóc, gỗ dăm từ các cơ sở sản xuất của địa phương làm nguyên liệu cho sản phẩm chế biến sâu để phát huy tối đa giá trị kinh tế trong chế biến lâm sản…/.

Thu Cúc