PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

24/11/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Ngày 24/11, tại phòng họp Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội (Hà Nội), Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì và điều hành Hội nghị.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Tại điểm cầu UBND tỉnh Bắc Kạn, dự Hội nghị có các đồng chí: Hoàng Duy Chinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phương Thị Thanh - Phó Bi thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đăng Bình - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; cấp trưởng các ban, sở, ngành, đoàn thể, hội cấp tỉnh và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy… Hội nghị được kết nối đến điểm cầu các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; điểm cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn và các xã, phường, thị trấn; phát thanh - truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở UBND tỉnh Bắc Kạn

Hội nghị đã được nghe đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo tóm tắt về việc “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.

Đồng chí Bí thư Trung ương Đảng nhấn mạnh, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định một trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, nội dung nổi bật trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đây là lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc về vấn đề văn hóa.

Để tiếp tục xây dựng, chấn hưng và giữ gìn nền văn hóa của dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện tốt, đó là:

Khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người dân Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực, phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy những giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn giữa giá trị truyền thống với giá trị thời đại là yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình trung thực, trách nhiệm, kỷ cương và sáng tạo.

Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa, bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo giá trị văn hóa mới, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, cái phi văn hóa, phản văn hóa, bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ; nâng cao đời sống văn hóa của Nhân dân, xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc, khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền của đất nước. Phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là Nhân dân…

Hội nghị cũng đã triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Chính phủ. Theo đó, quan điểm Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam tập trung vào 5 điểm cơ bản: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; văn hóa phải được đặt ngang hàng và phát triển hài hòa với kinh tế, chính trị, xã hội; bảo đảm yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế; thích ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các công nghệ mới, hiện đại và biến đổi kinh tế - xã hội, con người do tác động của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng…

Theo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, có 100% đơn vị hành chính cấp tình có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa; 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có trung tâm văn hóa - thể thao; ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; có ít nhất 5 di sản được UNESCO ghi danh theo công ước của UNESCO; bảo đảm ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, 80% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, nghe, xem các kênh phát thanh, kênh truyền hình của quốc gia và địa phương…

Để đạt các mục tiêu đề ra, Chiến lược đã đề ra 11 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển văn hóa.

Hội nghị đã được nghe tham luận của các đại biểu xoay quanh các vấn đề về động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa trong sự phát triển của đất nước hiện nay; hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng môi trường văn hóa  nhiệm vụ quan trọng để phát triển văn hóa con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; phát huy giá trị của các di sản văn hóa để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới, từ Nghị quyết Đại hội XIII đến hành động; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam - thực trạng và giải pháp…

Phát biểu Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, chưa bao giờ câu nói “Văn hóa còn thì dân tộc còn” lại quan trọng và sâu sắc như lúc này. Các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về văn hóa bám sát thực tiễn và yêu cầu phát triển, nhưng khâu tổ chức thực hiện của chúng ta còn yếu kém, trong đó có vấn đề về nhận thức. Vì vậy, chúng ta cần sớm có những giải pháp thiết thực để chấn hưng văn hóa mà nền tảng là hạnh phúc của Nhân dân và phải có sự vào cuộc của toàn dân trong chấn hưng nền văn hóa; tích cực tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, phải cầu thị, mạnh dạn đổi mới. Cần xây dựng môi trường cổ vũ cho cái mới, cái sáng tạo, tôn trọng sự khác biệt để tất cả mọi tài năng được phát huy, bừng nở; kiên trì đổi mới giáo dục….

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, để phát triển văn hóa, chúng ta cần phải dành nhiều thời gian và nhiều nguồn lực hơn nữa. Phó Thủ tướng đề nghị tất cả các hội văn học, nghệ thuật hãy cùng nhau, cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nhiều chương trình thiết thực, chắc chắn, lâu dài phát triển văn hóa, lan tỏa tinh thần đề cao giá trị truyền thống dân tộc Việt Nam, xây dựng nền văn hiến Việt Nam bừng sáng, hòa vào trong dòng chảy chung của nhân loại.../.

Hương Dịu