PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

13/08/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Khoa học công nghệ góp phần thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số
Những năm qua, hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) vừa trực tiếp, vừa gián tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi của tỉnh Bắc Kạn.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động số 1894/CTr-BKHCN-UBDT giai đoạn 2012-2020 giữa Bộ KH&CN và Ủy ban Dân tộc, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban Dân tộc và Sở KH&CN Bắc Kạn đã phối hợp triển khai thực hiện một số nội dung, ứng dụng KHCN, nâng cao thu nhập, góp phần làm thay đổi tập quán canh tác của người dân địa phương.

Đến nay, nhiều kết quả nghiên cứu ứng dụng đã tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời là cơ sở cho việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đối với vùng đồng bào dân tộc trong tỉnh, kết quả của các đề tài/dự án đã tác động tích cực đến nhận thức, phương thức sản xuất, sự cần thiết ứng dụng KHCN, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Cây quýt đã trở thành cây "làm giàu" của bà con xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông

Đặc biệt, tỉnh đã triển khai nhiều dự án ứng dụng KHCN trong phát triển một số cây trồng đặc sản, chăn nuôi đem lại hiệu quả khả quan. Đối với cây cam, quýt, toàn tỉnh hiện có 3.300 ha, trong đó, diện tích cho thu hoạch là hơn 3.200 ha, hình thành vùng sản xuất tập trung tại các huyện Bạch Thông, Chợ Đồn, Ba Bể. Các giống mới tiếp tục được đưa vào trồng thử nghiệm tại một số vùng nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Từ trồng thử nghiệm 30 ha cam Xã Đoài (năm 2014) tại 03 huyện Ba Bể, Na Rì, Chợ Đồn, đến nay, tổng diện tích trồng cam Xã Đoài của tỉnh đã phát triển lên đến hơn 200 ha. Nhờ đó, nhiều gia đình có thu nhập từ vài chục triệu đến 1 tỷ đồng.

Đối với cây hồng không hạt Bắc Kạn, thời gian qua đã triển khai một số đề tài, dự án nhằm đánh giá, tuyển chọn cây đầu dòng, nhân giống, xây dựng mô hình thâm canh, cải tạo, phục tráng hồng. Thông qua các đề tài ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, diện tích hồng không hạt tăng dần qua các năm, năm 2009, diện tích hồng là 268 ha, năm 2011 tăng lên 390 ha, năm 2012 là 548 ha, đến nay diện tích hồng không hạt của tỉnh đạt 706 ha, tập trung nhiều nhất tại huyện Chợ Đồn. Hồng không hạt Bắc Kạn và Quýt Bắc Kạn đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Ngoài ra, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều chương trình, đề tài, dự án phát triển cây chè tạo thành vùng sản xuất hàng hóa, có giá trị kinh tế cao. Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ nhân giống; trồng mới thâm canh cải tạo nương chè già cỗi và chế biến chè tại các xã vùng thấp huyện Chợ Mới; ứng dụng KHCN tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè Shan tuyết, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo và phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa tại tỉnh Bắc Kạn... Đến nay, tổng diện tích chè của tỉnh là 2.168 ha, trong đó diện tích đã cho thu hoạch là 1.938 ha, sản lượng đạt trên 9.400 tấn búp tươi (tính đến hết năm 2019). Đối với cây chè Shan tuyết, địa phương đã nhân rộng diện tích tại xã Bằng Phúc lên tới 139,8 ha và tiếp tục chỉ đạo duy trì, mở rộng diện tích sản xuất chè Shan tuyết theo hướng VietGAP, hữu cơ. Sản phẩm chè Shan tuyết Bắc Kạn có đầu ra ổn định, hiệu quả kinh tế khá cao, điển hình là sản phẩm Trà móc câu, Hồng trà và Bạch trà. Chè Shan tuyết Bằng Phúc đã trở thành thương hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, có nhãn mác bao bì nhận diện.


Huyện Chợ Đồn giới thiệu gạo Bao thai, Japonica tới người tiêu dùng Thủ đô

Bên cạnh các loại cây đặc sản, tỉnh cũng đã triển khai các đề tài dự án về cây lương thực, đưa các giống tiến bộ, kỹ thuật mới vào sản xuất như sản xuất giống lúa thuần, lúa Sơn Lâm 1, ĐS1 cho năng suất cao, chất lượng tốt; nghiên cứu một số giống lúa thuần; nghiên cứu bảo tồn và phát triển các giống lúa đặc sản của địa phương như phục tráng giống lúa Bao thai Chợ Đồn, giống lúa nếp Khẩu nua lếch ở Ngân Sơn và xác định được các biện pháp phù hợp để nâng cao năng suất, chất lượng, duy trì sản xuất ổn định hai giống lúa này; khảo nghiệm tuyển chọn một số giống lúa chất lượng cao, năng suất khá, phù hợp với điều kiện tỉnh Bắc Kạn, sau khảo nghiệm, vụ Xuân 2020, toàn tỉnh trồng được 550 ha giống lúa ĐS1 và Japonica tạo thành sản phẩm lúa hàng hoá chất lượng cao.

Trong chăn nuôi, tỉnh đã triển khai một số đề tài dự án nhằm tăng nhanh đàn gia súc, gia cầm, bảo tồn các giống địa phương như: Mô hình chăn nuôi gà thả vườn, mô hình chăn nuôi lợn nái Móng Cái, phát triển đàn lợn hướng nạc... Thông qua các dự án, đã giúp đồng bào dân tộc thay đổi tập quán chăn nuôi quảng canh nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, hình thành sản phẩm hàng hóa.

Những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, ngày càng có nhiều hộ DTTS có thu nhập cao từ chăn nuôi, trồng trọt là minh chứng cho hiệu quả của các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, trong đó có hoạt động KHCN.

Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác dân tộc trong tình hình mới, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 303/KH-UBND ngày 04/6/2020 triển khai thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, trong đó xác định rõ các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố thực hiện. Theo đó, Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan thường trực; Sở KH&CN được phân công tham mưu triển khai các nội dung “Triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học, các kết quả nghiên cứu và chuyển giao công nghệ vào sản xuất, để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, nhất là những vùng sản xuất tập trung cho người dân vùng đồng bào DTTS. Hằng năm, khi xây dựng hướng dẫn đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh ưu tiên các tổ chức, cá nhân có đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến lĩnh vực dân tộc phục vụ trực tiếp cuộc sống, lao động sản xuất của các DTTS trên địa bàn"./.

Thu Trang