PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

15/05/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Đẩy mạnh khuyến công, tạo nguồn lực phát triển công nghiệp
Công tác khuyến công thời gian qua được tỉnh quan tâm thực hiện đã góp phần tạo thêm nguồn lực thúc đẩy công nghiệp của tỉnh phát triển.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Cơ sở miến dong Nhất Thiện được hỗ trợ từ nguồn khuyến công

Những năm gần đây, các dự án về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã khẳng định được vai trò là động lực quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Nhiều hoạt động khuyến công được triển khai đã thúc đẩy phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập. Thông qua đó cũng tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn thuận lợi trong tiếp cận các cơ hội phát triển, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế và góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Từ nguồn khuyến công, việc hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề đã trang bị kiến thức cho nhiều lao động nông thôn. Từ đây, người lao động đã vững tin hơn với kiến thức đã được trang bị, áp dụng vào sản xuất, đạt hiệu quả.

Nhận thấy tiềm năng từ sản xuất, chế biến miến dong, từ những năm 2013 - 2014, tỉnh đã tổ chức được 2 đề án đào tạo nghề gồm chế biến tinh bột dong riềng, sản xuất miến dong cho 360 lao động nông thôn cho 12 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 344,68 triệu đồng. Những kiến thức được truyền dạy đã giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã vận dụng vào phát triển sản xuất, giữ vững thương hiệu miến dong Bắc Kạn, được người tiêu dùng lựa chọn.

Bên cạnh đó, từ năm 2013 đến nay, từ nguồn khuyến công địa phương, Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị trong tỉnh tổ chức 7 lớp tập huấn đào tạo khởi sự doanh nghiệp với tổng kinh phí thực hiện là 236 triệu đồng. Hoạt động đào tạo khởi sự doanh nghiệp đã đạt được những hiệu quả nhất định khi hỗ trợ các hội viên hội nông dân, đoàn viên thanh niên về kiến thức khởi nghiệp, lựa chọn lĩnh vực, sản phẩm kinh doanh có thế mạnh, có tiềm lực phát triển tại địa phương. Qua các lớp tập huấn đào tạo, tuy chưa có học viên có điều kiện để thành lập doanh nghiệp nhưng đã có khoảng 40% học viên đã tổ chức kinh doanh theo mô hình hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh) và số còn lại tự sản xuất kinh doanh theo mô hình gia đình.

Cũng từ nguồn khuyến công địa phương, giai đoạn 2012 - 2022 thực hiện 98 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (chế biến nông, lâm sản, thực phẩm và sản xuất vật liệu xây dựng, phụ tùng cơ khí) với tổng kinh phí hỗ trợ 3.715,05 triệu đồng.

Các nội dung như hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất đã góp phần khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn được sự hỗ trợ của chương trình khuyến công đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, mua sắm máy móc thiết bị hiện đại, tiên tiến, nhằm tăng khả năng cạnh tranh và tạo môi trường làm việc thuận lợi, an toàn cho người lao động.

Giai đoạn 2012 - 2022, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện 4 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật (chế biến nông sản, thực phẩm), với kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 1.720 triệu đồng. Trong đó, một số mô hình đã phát huy được hiệu quả, điển hình như mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất miến dong của hộ kinh doanh Nguyễn Văn Thiện, thôn Nà Ngò, xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể (năm 2015) với kinh phí hỗ trợ là 350 triệu đồng. Mô hình đã góp phần hỗ trợ Cơ sở hoạt động sản xuất xuất ổn định với sản lượng miến dong trung bình đạt 550 tấn/năm, doanh thu 36 tỷ đồng và tạo việc làm cho 55 lao động tại địa phương (bao gồm cả lao động thời vụ). Sản phẩm Miến dong Nhất Thiện nhiều năm liền đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp, là sản phẩm duy nhất của Bắc Kạn được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia 4 kỳ liên tiếp (2015, 2017, 2019, 2021).

Bên cạnh đó còn có mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm Vi-cumax nano Curcumin dạng tuýp của Công ty Cổ phần Công nghệ dược liệu Bắc Hà tại thôn Nam Đội Thân, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn. Kinh phí hỗ trợ đề án từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2020 là 900 triệu đồng. Hiện nay, Công ty đầu tư sản xuất ổn định, sản lượng sản phẩm trung bình đạt 50.000 sản phẩm/năm, doanh thu 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho 30 lao động tại địa phương (bao gồm cả lao động thời vụ). Quy trình sản xuất, đóng gói sản phẩm Vi-cumax Nano Curcumin dạng tuýp đã được vận hành ổn định, tạo ra sản phẩm theo tiêu chuẩn GMP của Bộ Y tế, sản phẩm Vi-cumax Nano Curcumin được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, khu vực phía Bắc năm 2022.


Nhiều cơ sở được hỗ trợ từ nguồn khuyến công tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu
(Ảnh: Hội đồng bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2022)

Hoạt động hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (chế biến nông, lâm sản, thực phẩm và sản xuất vật liệu xây dựng, phụ tùng cơ khí) thực hiện được 24 đề án khuyến công quốc gia với kinh phí 4.420,0 triệu đồng.

Đặc biệt, từ nguồn khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, tỉnh đã triển khai nhiều nội dung về hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Các hoạt động bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; tổ chức hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ, đăng ký thương hiệu và đầu tư các phòng trưng bày để giới thiệu quảng bá sản phẩm, triển khai các khóa đào tạo khởi sự doanh nghiệp cho hội viên nông dân, đoàn viên thanh niên… đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn chú trọng nâng cao về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, hình ảnh, liên kết tiêu thụ từ đó tham gia vào chuỗi cung ứng hiệu quả.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2012 - 2022, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 255 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn, trong đó có 48 doanh nghiệp nhỏ và vừa, 77 hợp tác xã, 130 hộ kinh doanh. Nội dung hoạt động khuyến công ngày càng đa dạng, nhiều hoạt động mới được triển khai thực hiện phù hợp với nhu cầu của các cơ sở công nghiệp nông thôn, chất lượng đề án khuyến công từng bước được nâng cao, công tác tổ chức thực hiện, quản lý đề án thực hiện ngày càng tốt. Hoạt động khuyến công đã khẳng định được vai trò quan trọng trong việc khuyến khích thúc đẩy công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương./.

Hương Lan