PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

23/08/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng nhìn từ tỉnh bạn
Với thiên nhiên hùng vĩ, cảnh vật hữu tình, nền văn hóa đa dạng giàu bản sắc của 7 dân tộc anh em cùng chung sống, Bắc Kạn có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng. Qua những chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đã gợi mở thêm nhiều ý tưởng, cách làm để tỉnh học tập, áp dụng.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Đoàn công tác tỉnh Bắc Kạn học tập kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng tại bản Lác, xã Chiềng Châu,
 huyện Mai Châu (Hòa Bình)

Trước khi trở thành những điểm đến hấp dẫn, từ Quản Bạ, Đồng Văn (Hà Giang), Mai Châu (Hòa Bình), Mộc Châu (Sơn La) đều phát triển du lịch cộng đồng tự phát. Có được bước đi vững chắc như hôm nay, cùng với nhận thức của cộng đồng dân cư về làm du lịch thì các cơ chế, chính sách hỗ trợ đóng vai trò quan trọng. Theo đó, các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La đều xây dựng những nghị quyết, kế hoạch phát triển du lịch nói chung, du lịch cộng đồng nói riêng, xác định rõ những mũi nhọn, lựa chọn hướng đi, các khu vực trọng điểm, cùng với đó là các chế độ, chính sách hỗ trợ thực hiện.

Việc Bắc Kạn tổ chức các đoàn công tác học tập tỉnh bạn và đang xây dựng nghị quyết riêng về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2022 - 2030 cho thấy sự quan tâm, quyết tâm của tỉnh đối với vấn đề này. Theo đó, sẽ có những chính sách cụ thể, mạnh mẽ đóng vai trò là “bệ đỡ” để các huyện, thành phố khai thác tiềm năng, lợi thế phục vụ phát triển du lịch cộng đồng. Cùng với đó, vốn đầu tư của Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ góp thêm lực đẩy cho du lịch cộng đồng của Bắc Kạn.

Xác định rõ cơ chế, chính sách và nguồn lực đi cùng thì khâu tổ chức thực hiện cũng đóng vai trò quan trọng quyết định. Kinh nghiệm từ tỉnh bạn chỉ rõ, muốn phát triển du lịch cộng đồng phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chuyên môn với các địa phương trong xây dựng đề án, kế hoạch một cách bài bản, khoa học, phù hợp với từng giai đoạn, trong đó chú trọng đến việc khảo sát, đánh giá những địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng đưa vào quy hoạch, bảo tồn về kiến trúc, cảnh quan, văn hóa, xây dựng đa dạng các sản phẩm du lịch, quảng bá du lịch.

Đối với du lịch cộng đồng, người dân đóng vai trò là chủ thể tổ chức, quản lý, thực hiện và thụ hưởng. Do vậy, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên, tạo liên kết chặt chẽ các nhóm hộ trong thôn với nhau, tránh tình trạnh mạnh ai nấy làm. Việc thành lập Tổ du lịch cộng đồng ở mỗi thôn sẽ giúp bảo đảm trật tự, điều hòa nguồn lợi về du lịch, kết nối tour, tuyến với các công ty du lịch. Một lưu ý khác là cần gắn phát triển du lịch cộng đồng với xây dựng nông thôn mới tại mỗi địa phương.

Không chỉ vậy, nhiều vấn đề về cách thức, kỹ năng tổ chức quản lý mô hình du lịch cộng đồng của các tỉnh bạn cũng đáng để cho địa phương học hỏi, áp dụng. Tiêu biểu như cách quản lý điều hành thuyền du lịch của tỉnh Hòa Bình do một công ty điều hành nên khá quy củ và rất ý thức. Ngoài ra, có thể thiết kế và cho phép thí điểm một số thuyền lớn hơn, trang bị âm thanh để giao lưu, tổ chức sự kiện và có hướng dẫn viên đi cùng. Thiết kế điểm dừng chân check-in cho du khách, đa dạng các loại hàng hóa dịch vụ mua sắm tại các bến (hàng thủ công mỹ nghệ, trang phục dân tộc, lô gô, hàng lưu niệm…)...

Đoàn lắng nghe cách thức thu hút du khách đến với các điểm du lịch cộng đồng tại huyện Mộc Châu
 (Sơn La)

Là Trưởng thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu (Ba Bể) làm dịch vụ Homestay nhiều năm nhưng khi đến với bản Lác (Hòa Bình), ông Hoàng Văn Chuyền vẫn cảm thấy nhiều bất ngờ. Không chỉ là sự khác biệt về văn hóa dân tộc, vùng miền, về ẩm thực mà về lượng du khách đến đây rất đông, về cách thức quản lý, tổ chức du lịch của chính quyền địa phương, của Tổ du lịch cộng đồng hay việc sử dụng xe điện để vận chuyển khách đều được ông Chuyền tỉ mỉ quan sát, ghi lại.

"Trong suốt những ngày tham gia Đoàn công tác, tôi luôn để mắt đến việc sử dụng vật liệu tự nhiên để bày trí trong mỗi Homestay. Chỉ là những cành cây, khúc gỗ hay những nông cụ sản xuất qua xử lý và nghệ thuật sắp đặt trở thành những vật dụng bắt mắt trong phòng ngủ, phòng khách, lối đi lại. Điều này rất đáng để học tập, vì những vật liệu này dễ tìm, chi phí rẻ, lại thân thiện với môi trường và phù hợp với phong cách nhà nghỉ Homestay” - Bí thư Chi bộ Bó Lù, xã Nam Mẫu (Ba Bể) Nguyễn Văn Thắm cho biết.

Trao đổi với lãnh đạo tỉnh bạn hay tham quan thực địa tại các điểm du lịch cộng đồng, Đoàn đều tìm hiểu kỹ về cơ chế, chính sách hỗ trợ, cách thức tổ chức và quản lý du lịch tại cộng đồng, những sản phẩm du lịch hấp dẫn, cách kết hợp giữa xây dựng nông thôn mới với làm du lịch cộng đồng. Đây cũng là căn cứ để lãnh đạo, chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các ngành chuyên môn tham mưu đề xuất các chính sách, xây dựng những mô hình phù hợp với du lịch cộng đồng của Bắc Kạn.

Để phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững có hai yếu tố quan trọng cần bảo vệ là bản sắc văn hóa cộng đồng và cảnh quan thiên nhiên. Trong bối cảnh giao lưu, giao thoa văn hóa diễn ra mạnh mẽ thì những giá trị văn hóa cốt lõi của đồng bào các dân tộc thiểu số dễ bị mai một và cần được bảo vệ. Đối với du lịch cộng đồng, du khách không chỉ nghỉ ngơi, khám phá, trải nghiệm riêng tại một Homestay cố định mà là cộng đồng dân cư, vì thế, cảnh quan của mỗi thôn, bản phải sạch đẹp và giữ được nguyên trạng hoang sơ, mộc mạc. Làm được điều này, kết hợp với tạo nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, quảng bá tốt sẽ là “chìa khóa” dẫn dắt và níu chân du khách./.

Thu Trang