PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

30/09/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Kịp thời phòng trừ sâu bệnh hại trên cây lúa
Vụ mùa 2022, toàn tỉnh thực hiện được 13.991 ha lúa, đạt 99% KH, gồm 2.166 ha lúa trà sớm và 11.825 ha trà chính vụ. Hiện nay, đối với lúa trà sớm đã thu hoạch 573 ha; trà chính vụ đang giai đoạn ôm đòng - chắc xanh, chín đỏ đuôi, người dân cần kịp thời phòng trừ sâu bệnh hại để đảm bảo năng suất, sản lượng theo kế hoạch.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện nay, sâu đục thân hại lúa rải rác tại các huyện Chợ Mới, Pác Nặm, Bạch Thông và thành phố Bắc Kạn, tỷ lệ cá biệt 5% bông tại các xã Bình Văn, Yên Hân, Yên Cư, huyện Chợ Mới, tổng diện tích nhiễm 1 ha (nhiễm mới). Bệnh đạo ôn cổ bông gây hại cục bộ trên trà lúa mùa sớm tại các xã Hòa Mục, Thanh Vận, Nông Hạ, Cao Kỳ, huyện Chợ Mới với tỷ lệ phổ biến 1% bông, cao 3% bông; tổng diện tích nhiễm nhẹ 1 ha. Bệnh khô vằn gây hại rải rác tại các huyện, thành phố với tỷ lệ phổ biến 2 - 3% dảnh, cá biệt 10 - 15% dảnh; tổng diện tích nhiễm 4,58 ha (nhiễm mới 1,58 ha), nông dân đã phun trừ toàn bộ diện tích nhiễm. Ngoài ra, bọ xít dài, bọ rầy, sâu cuốn lá nhỏ ... gây hại nhẹ, rải rác.

Để đảm bảo năng suất, sản lượng lúa mùa, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã hướng dẫn người dân tranh thủ thời tiết thuận lợi khẩn trương thu hoạch đối với trà lúa mùa sớm; đối với trà chính vụ, giữ mực nước trong ruộng từ 3 - 4 cm đến khi lúa chín đỏ đuôi và chú ý phòng trừ bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, sâu cuốn lá nhỏ, bọ rầy...  

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, bệnh khô vằn thường phát sinh trên những diện tích lúa nếp, lúa lai; những diện tích cấy dầy, bón thừa đạm. Bệnh hại nặng giai đoạn làm đòng, trỗ bông làm hạt lép, lửng, hại nặng thì bị nghẹn đòng, giảm năng suất. Những ruộng bị hại nặng phun trừ bằng một trong những loại thuốc như: KAMYCIN JAPANE 20SL, TP - Zep 18 EC, Anvil 5SC, Amistar top 325SC, Validacin 5L ... Khi phun phải rẽ hàng lúa tạo thành băng, hạ thấp vòi phun để thuốc tiếp xúc trực tiếp với vết bệnh.

Để phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông, người dân cần chú ý theo dõi tình hình phát sinh, phát triển của bệnh để phòng trừ kịp thời. Cần phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông trên những diện tích đã bị bệnh đạo ôn lá, phun khi lúa trỗ lác đác, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát triển thì phun lần hai khi lúa vừa trỗ xong sử dụng một trong những loại một trong những loại thuốc như: Filia® 525SE, Trizole 400SC/75WG, Fuji-one 40EC ...

Đối với sâu cuốn lá nhỏ, người dân cần tăng cường điều tra, phát hiện sớm và phun trừ khi sâu tuổi nhỏ để bảo vệ lá đòng. Khi mật độ sâu > 10 con/m2 tiến hành phun trừ bằng một trong các loại thuốc TASIEU 1.9EC, Bitadin WP, Patox 95SP, Gà Nòi 95SP, Voliam Targo 063SC..../.

Hương Dịu