PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

09/12/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Kỳ họp thứ 11: Phiên họp chiều 9/12, HĐND tỉnh thảo luận và thông qua 6 nghị quyết
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 11, chiều ngày 9/12, HĐND tỉnh tiến hành chia tổ thảo luận, thảo luận chung tại hội trường về những vấn đề liên quan đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và quyết nghị thông qua một số nghị quyết quan trọng.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Quang cảnh phiên thảo luận chung tại hội trường

Trên tinh thần gợi ý của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại phiên họp bổi sáng, buổi chiều, HĐND tỉnh đã tiến hành chia tổ để thảo luận và thống nhất thảo luận tại hội trường. Các ý kiến thảo luận đã bám sát tờ trình của UBND tỉnh, báo cáo tóm tắt tổng hợp các ý kiến, trên cơ sở đó, đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung phân tích, đánh giá sâu sắc tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2022, đồng thời làm rõ các nội dung về quan điểm, mục tiêu phát triển và các giải pháp đột phá phát triển năm 2023.

Tháo gỡ điểm nghẽn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Trong phiên thảo luận tổ, các đại biểu đã có nhiều ý kiến liên quan đến tháo gỡ điểm nghẽn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đa số các ý kiến cho rằng, thực hiện nhiệm vụ năm 2023, tỉnh Bắc Kạn có những thời cơ, thuận lợi mới nhưng cũng đan xen với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là bất ổn của kinh tế vĩ mô toàn cầu liên quan lạm phát, giá cả tăng cao, thắt chặt tín dụng, an ninh năng lượng, an ninh lương thực...; biến động chính trị - an ninh thế giới; tác động cực đoan của biến đổi khí hậu, diễn biến phức tạp của dịch bệnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống Nhân dân. Vì vậy, để đạt được con số tăng trưởng kinh tế trên 7%, các đại biểu thảo luận kỹ về vai trò đóng góp của 3 khu vực kinh tế: Dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, nông - lâm - thủy sản đối với tăng trưởng kinh tế.

Đại biểu Triệu Thị Thúy - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thảo luận
về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2023

Các đại biểu đều cho rằng, đối với tỉnh Bắc Kạn, để phát triển kinh tế năm 2023, tỉnh tiếp tục rà soát chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường; phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi, khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ. Phát triển lâm nghiệp đa chức năng, trồng rừng gỗ lớn, gỗ quý và lâm sản ngoài gỗ; nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ bản các cụm công nghiệp. Bám sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp để kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp đỡ doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Tăng cường thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ phát triển hợp tác xã…

Nhiều đại biểu cũng đề nghị, tỉnh cần khẩn trương giao kế hoạch vốn đầu tư năm 2023; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thu và chống thất thu ngân sách nhà nước. Thực hiện hiệu quả các Chương trình MTQG. Tiếp tục kết nối thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xuất khẩu các sản phẩm của tỉnh. Đổi mới các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch…

Ngoài ra, các đại biểu cho rằng chỉ tiêu giao tỷ lệ hộ nghèo 4 - 5% là cao, đề nghị xem xét điều chỉnh chỉ tiêu giao hộ nghèo năm 2023 ở mức 3,5% trên địa bàn các huyện nghèo. Các chỉ tiêu xã nông thôn mới, trường chuẩn quốc gia, trạm y tế... nếu không đưa vào cộng dồn thì năm 2023, UBND tỉnh cần có giải pháp, ưu tiên nguồn lực để các xã đạt nông thôn mới, trường chuẩn, trạm chuẩn theo đúng kế hoạch đề ra. Số lượng sản phẩm OCOP nhiều nhưng sản lượng thì ít, không đủ cung ứng khi khách hàng có nhu cầu lớn; nhiều sản phẩm OCOP không duy trì được, đề nghị UBND tỉnh quan tâm có giải pháp duy trì các sản phẩm OCOP đã được công nhận, có chính cần tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc trưng đủ khả năng cạnh tranh với các sản phẩm…

Quản lý ngân sách chặt chẽ, hiệu quả

Thảo luận tại Kỳ họp, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian thảo luận về hồ sơ dự thảo nghị quyết dự toán ngân sách địa phương và phương án phân bổ dự toán ngân sách cấp tỉnh năm 2023; xây dựng kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm giai đoạn 2023 - 2025.

Đại biểu Cù Ngọc Cường - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Bắc Kạn thảo luận
về Nghị quyết dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2023

Đa số đại biểu cho rằng, dự toán thu ngân sách trên địa bàn năm 2023 dự kiến 955.000 triệu đồng, tăng 133.000 triệu đồng so với dự toán Trung ương giao; trong đó, thu nội địa 930.000 triệu đồng, tăng 130.000 triệu đồng so với dự toán Trung ương giao; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 25.000 triệu đồng, tăng 3.000 triệu đồng so với dự toán Trung ương giao; so với ước thực hiện năm 2022 có 5 khoản thu giảm, 3 khoản thu không giao dự toán, 10 khoản thu tăng so với kế hoạch; dự báo, kinh tế năm 2023 tiếp tục phục hồi và phát triển nên việc xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn như trên cơ bản phù hợp với thực tiễn.

Để công tác quản lý ngân sách được chặt chẽ, hiệu quả, các đại biểu đề xuất, tỉnh quan tâm chỉ đạo ngành Thuế rà soát các khoản thuế, phí nợ đọng để có biện pháp quản lý thu nộp đầy đủ vào ngân sách nhà nước; tiếp tục kiểm tra, phát hiện các hành vi kê khai, tính thuế không trung thực để có biện pháp thu thuế phù hợp. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chi thường xuyên, thực hiện cam kết chi theo dự toán được giao để hạn chế tối đa việc bổ sung kinh phí, chuyển trả ngân sách cấp trên và chuyển nguồn sang năm sau.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, tỉnh cần tăng cường đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương thu hồi dứt điểm kinh phí do thanh toán vượt giá trị quyết toán được duyệt; nghiêm túc thực hiện kết luận của Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước đã được chỉ ra; thu hồi dứt điểm các khoản ngân sách tỉnh cho vay. Chỉ đạo các đơn vị, địa phương sớm phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản và các Chương trình MTQG năm 2023; có giải pháp giải ngân nguồn vốn thực hiện các Chương trình MTQG kéo dài năm 2021, 2022 sang năm 2023 ngay từ đầu năm.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình làm rõ nội dung phân bổ ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ
chuyển đổi số trong năm 2023

Đối với các tờ trình dự thảo nghị quyết khác, các đại biểu cơ bản nhất trí. Những ý kiến đề nghị làm rõ một số nội dung trong các dự thảo nghị quyết của các đại biểu cũng đã được Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành liên quan giải trình, làm rõ.

Sau phiên thảo luận, Chủ tọa Kỳ họp đã điều hành thông qua 6 nghị quyết với sự thống nhất của 100% đại biểu HĐND tỉnh dự họp, thể hiện rõ trách nhiệm trước Đảng bộ, chính quyền, cử tri và Nhân dân toàn tỉnh. Trong đó có nhiều nội dung quan trọng, cần thiết không chỉ bảo đảm cho sự ổn định, đổi mới phát triển của tỉnh trong năm 2023 mà còn của cả giai đoạn 2021 - 2025 thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh.

Các đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết tại Kỳ họp

Cụ thể, HĐND tỉnh đã quyết nghị thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương năm 2021 tỉnh Bắc Kạn; Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2023; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND và Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 27/4/2022 của HĐND tỉnh; Nghị quyết dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2023; Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn ngân sách địa phương (lần 5); Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công năm 2023 - nguồn vốn ngân sách địa phương và nguồn vốn thực hiện các Chương trình MTQG./.

Thu Cúc