PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

07/09/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Làm giàu trên đỉnh Mu Muộn
Khởi nghiệp ở vùng quê mới khi 25 tuổi, giờ đây gia đình chị Vũ Thị Thơm đã có một mô hình kinh tế VACR cho thu nhập cao trên đỉnh đồi Mu Muộn thuộc thôn Nà Cọ, xã Đồng Thắng, huyện Chợ Đồn.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Sinh ra tại tỉnh Thái Nguyên, năm 2001, vợ chồng chị Thơm tha hương, đưa con cái lên Chợ Đồn mưu sinh. Không có nghề nghiệp, anh chị mua thực phẩm, vật dụng sinh hoạt từ chợ huyện mang bán tại khắp các chợ phiên. Thế nhưng, việc buôn bán không suôn sẻ được mãi, năm 2003, còn chút ít vốn liếng, chị Thơm vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua đất rừng trên đỉnh núi Mu Muộn với dự định làm trang trại chăn nuôi. Chị chia sẻ: Công việc vất vả mà thu nhập lại thấp nên hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn, không cam chịu cái nghèo, chị quyết làm giàu trên mảnh đất Đồng Thắng. Lúc đầu, hai vợ chồng bàn bạc vay vốn về mua 06 ha đất rừng tại khu đồi Mu Muộn của thôn Nà Cọ, gia đình chị khởi nghiệp từ đó, rồi bắt đầu làm nhà cửa, trồng cây lâm nghiệp và đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn rừng lai.

Sau khi tham khảo nhiều mô hình chăn nuôi lợn rừng nhiều nơi, gia đình chị Thơm tìm đến một trang trại nuôi lợn rừng ở tỉnh Quảng Trị để mua con giống. Vạn sự khởi đầu nan, lợn giống mua về chưa thích nghi được với điều kiện ở đây nên thiệt hại không ít. Càng dần, chị tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng quy trình chọn giống, chăn nuôi lợn rừng lai, từ đó đã lựa chọn được giống chuẩn, đặc biệt thích nghi với môi trường nơi đây.


Mô hình nuôi lợn rừng lai của gia đình chị Vũ Thị Thơm

Thời điểm ấy, gia đình chị nuôi 03 lợn nái và 01 lợn đực giống. Ban đầu với số giống ít ỏi, rồi anh chị tiếp tục nhân đàn, mỗi năm đàn lợn sản sinh ra 48 con lợn con, xuất bán ra thị trường cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng mỗi năm. Trong quá trình chăn nuôi, hai vợ chồng tự nghiên cứu để tìm ra cách phòng và chữa các loại bệnh của lợn rừng nên ít xảy ra bệnh dịch tại đàn lợn của gia đình. Nhận thấy việc nuôi lợn rừng lai có nhiều thuận lợi, lợn rừng lai tăng trưởng nhanh, ít bệnh tật, cho thu nhập cao và tiêu thụ thuận lợi; nguồn thức ăn lại sẵn có ở địa phương như cỏ voi, ngô sắn, chuối…, gia đình đã đầu tư mua máy nghiền thức ăn để thuận tiện cho việc chăn nuôi, giảm bớt sức lao động. Thấy được hiệu quả cao từ mô hình này, gia đình chị mạnh dạn vay vốn để mua thêm đất và xây dựng thêm chuồng trại.

Do chủ động được kỹ thuật nên việc chăn nuôi suôn sẻ. Gia đình chị Thơm lại bắt tay vào việc nuôi dúi, nhím, gà thả đồi... Tận dụng nguồn nước từ khe núi, anh chị đào ao nuôi cá với diện tích 3.500 m2. Qua các năm, chị tiếp tục mua thêm hơn 10 ha đất để trồng rừng quế, hồi, xoan và các loại cây ăn quả như cam, quýt...

Năm 2012, gia đình chị thuê máy xúc, máy ủi về làm đường lên núi. Con đường bê tông dài hơn 1 km, đủ rộng cho ô tô chạy thẳng từ đỉnh núi xuống tỉnh lộ 257. Đường điện cũng được dẫn về tận nhà. Gia đình chị mua xe ô tô để chở cám và vật liệu phục vụ sản xuất. Hiện tại, gia đình chị Thơm có 13 ha đất rừng liền kề nhau để phát triển mô hình kinh tế trồng trọt, chăn nuôi. Anh chị còn mở thêm 40 ô chuồng và khu vực chăn thả cho lợn với tổng diện tích hơn 2.000 m2 đất. Tổng số vốn đầu tư hơn 01 tỷ đồng. Sau khi mở rộng chuồng trại, hiện tại, tổng số lợn giống của gia đình 30 con. Thời điểm đàn đông nhất lên tới 300 đến 400 con lợn, cho thu nhập hơn 02 tỷ đồng mỗi năm.

Điện, đường hiện diện khiến ngọn núi hoang sơ ngày nào giờ nhộn nhịp, tràn đầy sức sống mới. Con đường gia đình chị Thơm mở ra đã giúp hơn 10 hộ dân sống ngay dưới trang trại được đi lại thuận tiện, góp phần nâng cao giá trị thu nhập từ rừng. Gia đình chị cũng tạo điều kiện cho 7 lao động làm việc thường xuyên với thu nhập từ 5 triệu đồng/người/tháng. Thời điểm mùa vụ như cắt cỏ, trồng rừng, thu hoạch, trang trại phải thuê đến 20 lao động làm việc.

Cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm là đức tính quý ở tấm gương nông dân Vũ Thị Thơm. Chị là một trong 77 cá nhân điển hình tiên tiến tiêu biểu, xuất sắc được tuyên dương tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Bắc Kạn lần thứ V tới đây. Bằng sức lao động và tinh thần tự lực vươn lên, chị Thơm xứng đáng là tấm gương sáng, là động lực để cổ vũ các hộ nông dân khác không ngừng nỗ lực phấn đấu, xây dựng một cuộc sống mới từ đôi bàn tay và ý chí vươn lên làm giàu./.

Hương Lan