PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

28/03/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Mở đường để phát triển lâm nghiệp bền vững
Bắc Kạn là địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ che phủ rừng với trên 73%, diện tích rừng trồng sản xuất lớn với hơn 101.247 ha. Việc mở những con đường lâm nghiệp đã giúp cho người trồng rừng trên địa bàn nâng cao giá trị kinh tế, phát triển mạnh mẽ phong trào trồng rừng.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Đường lâm nghiệp tại phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn

Theo tính toán của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn, để đáp ứng cho hơn 100.000 ha rừng trồng sản xuất cần đầu tư xây dựng khoảng 1.655 km đường lâm nghiệp. Những năm qua, Bắc Kạn đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư các tuyến đường lâm nghiệp. Nhiều tuyến đường vào các thôn, bản vùng sâu, vùng xa được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 30a, 3PAD, nguồn vốn kết dư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… Tính đến thời điểm 2021, toàn tỉnh mới đầu tư xây dựng mới hơn 300 km đường lâm nghiệp, phục vụ hơn 15.000 ha rừng trồng sản xuất.

Do nhu cầu lớn, nhiều hộ, nhóm hộ trồng rừng đã sáng tạo, tự bỏ một khoản đầu tư tự mở đường lâm nghiệp để phục vụ nhu cầu sản xuất. mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc đầu tư này mang tính manh mún, nhỏ lẻ, không đồng bộ, thiếu quy hoạch bài bản.

Từ thực tiễn này, Bắc Kạn đã quy hoạch hệ thống đường lâm nghiệp. Theo đó, đến 2030, tỉnh phấn đấu xây dựng 1.208 km đường lâm nghiệp ở tất cả các huyện, thành phố; tổng vốn đầu tư hơn 600 tỷ đồng. Quy hoạch đường lâm nghiệp sẽ tạo sự gắn kết, liên hoàn, thông suốt từ mạng lưới giao thông quốc gia đến đường tỉnh, đường huyện, đường xã, giữa các vùng; kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh. Đồng thời, phục vụ việc vận chuyển vật tư nông nghiệp và các loại nông sản, kết hợp giao thông nông thôn góp phần xây dựng nông thôn mới.

Để phát huy hiệu quả rừng trồng, ngày 10/12/2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 54/NQ-HĐND về chủ trương đầu tư Dự án đường lâm nghiệp tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2021 - 2025. Dự án có quy mô đầu tư xây dựng 183 tuyến đường lâm nghiệp với tổng chiều dài 445 km, trên địa bàn 73 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thành phố của tỉnh Bắc Kạn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2024 xây dựng hơn 374 km; giai đoạn 2023 - 2025 tiếp tục thực hiện xây dựng hơn 70 km còn lại.

Trên cơ sở thiết kế bản vẽ thi công, dự toán các hạng mục được phê duyệt, Chủ đầu tư (Ban Quản lý Dự an đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn) đã khẩn trương triển khai công tác đấu thầu và khởi công xây dựng công trình. Đến thời điểm hiện tại, Dự án đang triển khai thi công 8/8 gói thầu trên toàn bộ các huyện, thành phố của tỉnh. Tổng khối lượng thi công ước đạt 87% giá trị hợp đồng.

Điều đặc biệt của dự án này là việc người dân tham gia đối ứng bằng việc hiến đất mở đường. Dự án đi qua rừng của hộ nào thì hộ đó tham gia hiến một phần đất, người ít, người nhiều, nhưng đều vì lợi ích chung của cả thôn, xã. Các địa phương đã tích cực vào cuộc vận động người dân hiểu rõ và ủng hộ chủ trương này.

Huyện Chợ Đồn có 15 xã được hưởng lợi từ Dự án, gồm 33 địa điểm xây dựng với tổng chiều dài hơn 78 km. Huyện đã ban hành văn bản, chỉ đạo các phòng chuyên môn, xã tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, cây cối, hoa màu trong chỉ giới xây dựng để thực hiện Dự án. Các địa phương đã triển khai mục đích của Dự án đến các thôn, tổ và người dân cùng chung tay thực hiện hiệu quả.

Ông Nông Thế Thắng, Bí thư Chi bộ thôn Bản Chói, xã Đồng Thắng cho biết, thôn được đầu tư tuyến đường lâm nghiệp vào khu kinh tế thôn Cốc Quang, Pác Giả, Bản Chói. Nhận thấy lợi ích của tuyến đường sẽ phát triển kinh tế của hộ gia đình nên khi được chính quyền tuyên truyền, vận động, người dân đã tình nguyện hiến đất để mở đường. Tuyến đường hoàn thành trong năm 2022 đã giúp hàng chục hộ dân có điều kiện mở rộng sản xuất, vận chuyển gỗ rừng trồng.


Đường lâm nghiệp vào thôn Bản Chói, xã Đồng Thắng, huyện Chợ Đồn

Từ nguồn vốn được giao, năm 2022, phường Huyền Tụng (thành phố Bắc Kạn) được đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng để mở tuyến đường lâm nghiệp vào khu sản xuất Khuổi Hẻo - Khuổi Páp. Nhiều năm qua, người dân khai thác gỗ rừng trồng thường đi qua con đường mòn, không thuận tiện. Được đầu tư con đường mới, rộng hơn, người dân vui mừng phấn khởi. Việc đi lại, vận chuyển nông - lâm sản, giao thương hàng hóa từ khu sản xuất của người dân với bên ngoài đã thuận tiện hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Xác định được tầm quan trọng, ý nghĩa của dự án này với đồng bào vùng cao và sự phát triển ngành lâm nghiệp, Bắc Kạn đã đưa Dự án đường lâm nghiệp, giai đoạn 2021 - 2025 vào diện các dự án trọng điểm. Tỉnh đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để người dân sớm được hưởng lợi.

Là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất cả nước, trong những năm gần đây, ngành kinh tế từ lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, kéo theo thực trạng nhu cầu đầu tư đường lâm nghiệp rất lớn. Quy hoạch đường lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 41/2015/NQ-HĐND phê duyệt đã từ lâu, do vậy, một số nội dung đã không còn phù hợp với điều kiện hiện nay, cần có sự điều chỉnh, bổ sung để tạo điều kiện thực hiện các dự án về lâm nghiệp hiện tại cũng như tạo tiền đề để triển khai các dự án khác trong tương lai khi có nguồn vốn đầu tư. Theo kết quả tổng hợp, các địa phương đề xuất bổ sung 196 tuyến đường với tổng chiều dài 497,47 km. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh nội dung điều chỉnh, bổ sung danh mục quy hoạch các tuyến đường lâm nghiệp tại Nghị quyết số 41/2015/NQ-HĐND.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là việc bố trí được nguồn vốn để thực hiện đầy đủ các tuyến đã quy hoạch. Vì vậy, bên cạnh cân đối vốn, những năm tới, Bắc Kạn tiếp tục lồng ghép nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia và kêu gọi xã hội hóa, nhất là từ các doanh nghiệp chế biến gỗ để hoàn thành sớm mạng lưới đường lâm nghiệp trên địa bàn, giúp kinh tế rừng của tỉnh phát triển bền vững./.

Hương Lan