PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

12/10/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý khoáng sản
Tỉnh Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2025, thu ngân sách từ hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đạt trên 200 tỷ đồng/năm; thu hút khoảng 2.500 lao động.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Sản xuất tại Nhà máy luyện chì có công suất 5.000 tấn/năm của Công ty TNHH Hoàng Nam Bắc Kạn

Nhiều chuyển biến tích cực nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra

Theo đánh giá của UBND tỉnh, giai đoạn 2017 - 2020, công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác quy hoạch khoáng sản của tỉnh được bổ sung kịp thời, đúng luật định. Công tác tham mưu cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản và công tác cấp phép khai thác khoáng sản được thực hiện theo quy hoạch, trình tự và thủ tục đảm bảo theo đúng quy định của Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Cùng với đó, việc giám sát giám sát khối lượng khoáng sản vận chuyển của các doanh nghiệp thông qua hệ thống trạm cân điện tử và camera bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Thực hiện ấn định thuế khoáng sản hằng năm, số thu từ khoáng sản đã tăng tỷ trọng từ 11% đến 16% trên tổng số thu, góp phần quan trọng vào hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước hằng năm.

Việc thu hút đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản được tỉnh chú trọng. Từ năm 2017 - 2020, UBND tỉnh đã ban hành quyết định chủ trương đầu tư cho 20 dự án đầu tư khai thác và chế biến khoáng sản với tổng số vốn đăng ký trên 354,86 tỷ đồng; quyết định cắt giảm thời gian thực hiện đối với thủ tục đề nghị phê duyệt trữ lượng khoáng sản từ 180 ngày xuống còn 150 ngày; thủ tục đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản từ 90 ngày còn 50 ngày.

Tuy nhiên, công tác quản lý khoáng sản giai đoạn 2017 - 2020 còn nhiều hạn chế, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Từ năm 2017 - 2020, tổng số thu nộp ngân sách từ hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh mới đạt 490,023 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 1.900 - 2.000 lao động trong khi mục tiêu đề ra đến năm 2020, thu ngân sách từ hoạt động khoáng sản đạt trên 200 tỷ đồng/năm. Công tác quản lý sản lượng khai thác, gắn với chế biến, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản chưa được giám sát chặt chẽ, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách; đóng góp từ hoạt động khai thác khoáng sản chưa tương xứng với tiềm năng khoáng sản của tỉnh. Việc đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sâu trên địa bàn còn những hạn chế như chậm tiến độ, nhà máy có quy mô quá lớn, nguồn nguyên liệu chưa đáp ứng, dẫn tới hiệu quả đầu tư còn thấp.

Nâng cao hiệu quản công tác quản lý khoáng sản

Nhằm quản lý tốt hơn trong lĩnh vực khoáng sản, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Đề án nâng cao hiệu quản quản lý quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ, chống thất thu ngân sách từ hoạt động khoáng sản và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu của Đề án là nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản nhằm đảm bảo sản lượng khoáng sản khai thác, vận chuyển, chế biến tiêu thụ trên địa bàn được quản lý chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật, không để thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách. Đánh giá tiềm năng khoáng sản trên địa bàn tỉnh phục vụ cho công tác quản lý, quy hoạch, cấp phép, nhất là quặng chì kẽm phải được thăm dò, đánh giá đầy đủ trữ lượng để huy động tối đa, phục vụ cho các nhà máy chế biến sâu tại tỉnh.

Thông qua Đề án, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đảm bảo môi trường tại các khu vực có hoạt động khoáng sản. Khuyến khích các nhà đầu tư có năng lực đầu tư vào đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò, khai thác, chế biến sâu trên địa bàn tỉnh nhằm gia tăng giá trị khoáng sản. Thực hiện tốt công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo đúng quy định pháp luật, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Phấn đấu ít nhất có 6 nhà máy chế biến sâu sản xuất ra sản phẩm và hoạt động ổn định. Phấn đấu đến năm 2025, thu ngân sách từ hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản đạt trên 200 tỷ đồng/năm; thu hút khoảng 2.500 lao động.

Các công ty khoáng sản hoạt động có hiệu quả sẽ góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương
(Ảnh: Công nhân lao động tại Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn)

Tỉnh Bắc Kạn đã đề ra 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện tốt trên các lĩnh vực trong thời gian tới. Trong đó tập trung vào các nội dung như: Quy hoạch khoáng sản; cấp phép khai thác khoáng sản; quản lý sản lượng khai thác của các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản; bảo vệ môi trường; quản lý thuế đối với hoạt động khoáng sản; thu hút đầu tư; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; chế biến sâu khoáng sản; nâng cao năng lực và trách nhiệm quản lý chuyên ngành về khoáng sản từ cấp tỉnh đến cấp xã...

Đối với công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, các ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành công tác quản lý bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định. Thường xuyên kiểm tra công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại các khu vực có tiềm năng về khoáng sản nhưng chưa cấp phép hoặc các khu vực tiềm ẩn xảy ra khai thác khoáng sản trái phép, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản đến cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn và các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tại các thôn, bản nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, ý thức về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

Thực hiện tốt công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, các ngành chức năng tiếp tục tăng cường phối hợp trong việc quản lý hoạt động khoáng sản, bảo vệ khoáng sản; xét xử nghiêm minh các vụ vi phạm về khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản trái phép nhằm nâng cao tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tin tưởng rằng, công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới tiếp tục có nhiều chuyển biến, đạt được mục tiêu đã đề ra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.

Hương Dịu