PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

04/10/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Nâng cao ý thức phòng, chống ngộ độc thực phẩm
Mặc dù đã được các ngành chức năng tuyên truyền, khuyến cáo, song tình trạng ngộ độc thực phẩm, trong đó ngộ độc thực phẩm do thực phẩm có sẵn độc tố tự nhiên trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra, gây ra những cái chết thương tâm cũng như để lại nhiều hệ lụy cho xã hội.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Theo thống kê của ngành chức năng, chỉ tính riêng trong 5 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tổng số 18 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó ngộ độc thực phẩm do thực phẩm có sẵn độc tố tự nhiên 9 vụ, với tổng số 37 người mắc; đi viện có 26 ca, tử vong 3 ca; bên cạnh đó còn xảy ra 9 vụ ngộ độc do vi sinh và chưa rõ nguyên nhân với tổng số 171 ca mắc, đi viện 135 ca. 

Nguyên nhân chủ yếu là do người dân có thói quen hái và sử dụng các loại rau, quả rừng, nấm hoang dại,… làm thức ăn; số vụ ngộ độc do độc tố tự nhiên chiếm tỷ lệ thấp nhưng số lượng người tử vong lại chiếm tỷ lệ cao. 

Nhằm nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm, giảm thiểu các vụ ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên sẵn có trong thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người dân, thời gian qua, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm với nhiều hình thức, đặc biệt chú trọng các hình thức tiếp cận đến được gần người dân vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số. Cùng với đó là tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các lớp tuyên truyền trực tiếp, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm cho cán bộ làm công tác dân tộc, Trưởng thôn, Trưởng Ban công tác Mặt trận, Bí thư, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Nội dung tuyên truyền, phổ biến kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm được truyền tải một cách sinh động, dễ hiểu, gần gũi với cuộc sống hằng ngày của người dân như các mối nguy cơ ô nhiễm vào thực phẩm; biểu hiện, cách xử trí và phòng chống ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là phòng chống ngộ độc do nấm độc và những thực phẩm có chứa sẵn độc tố tự nhiên tại gia đình; thực hành tốt vệ sinh, an toàn thực phẩm; hướng dẫn cách lựa chọn một số thực phẩm thông thường. 

Ngành Y tế tuyên truyền, phổ biến về đảm bảo ATTP tại xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể

Bên cạnh đó, Sở Y tế tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, phòng chống ngộ độc thực phẩm do nấm độc cho các đối tượng thuộc hệ thống y tế, y tế thôn bản, cộng tác viên y tế tại tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; thành lập đội truyền thông cơ động, tổ chức tuyên truyền, phổ biến các kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ vùng cao, các trường dân tộc nội trú, bếp ăn tập thể khu công nghiệp…, góp phần nâng cao nhận thức và tạo chuyển biến căn bản trong mỗi cá nhân, từng gia đình, từng cộng đồng dân cư và toàn xã hội về chế biến, sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm an toàn. 

Sở Y tế đã thực hiện cấp phát 1.500 tờ gấp “Thận trọng với nấm độc chết người”, 200 poster “Hãy coi 6 chừng nấm độc” cùng nhiều ấn phẩm truyền thông khác tại các buổi truyền thông về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, vào những đợt cao điểm như Tết Nguyên đán, Tết Trung thu…, Sở đã tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn người dân về cách sử dụng, chế biến thực phẩm an toàn, đồng thời khuyến cáo người dân không sử dụng những thực phẩm không rõ nguồn gốc, không rõ tính an toàn. 

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên trong thời gian tới, cùng với công tác quản lý, chỉ đạo, ngành chức năng và các cấp chính quyền địa phương cần tăng cường giám sát, triển khai các giải pháp kiểm soát an toàn thực phẩm trong thu hái, đánh bắt, tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp, sử dụng các loại cây, củ quả rừng tự nhiên..., phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên trong động vật, thực vật theo đặc điểm vùng miền, đặc biệt đối với các đối tượng nguy cơ cao. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên cho cộng đồng. Hướng dẫn các biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương, tập trung vào các địa phương đã xảy ra các vụ ngộ độc và các nơi đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Sử dụng các vật liệu truyền thông bằng cả tiếng Kinh và tiếng dân tộc. Các tuyến y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có. 

Để chủ động phòng ngừa ngộc độc thực phẩm, mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái, tích cực nghiên cứu để bổ sung kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các động, thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ, côn trùng lạ... Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng ngộ độc như: Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và nôn, đau bụng, đi ngoài nhiều lần... cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời./.

Bích Huệ