PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

22/07/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Ngăn chặn hiệu quả hoạt động “tín dụng đen”
Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Công an tỉnh tiến hành khám xét địa điểm thuê nhà của các đối tượng cho vay nặng lãi.
(Ảnh sưu tầm)

Bám sát nội dung Kế hoạch số 14/KH-UBND của UBND tỉnh về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện, đồng thời thực hiện lồng ghép hoạt động phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” trong triển khai Chương trình phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy và phòng, chống mua bán người hằng năm.

Nhằm nâng cao nhận thức và ý thức đề cao cảnh giác của các tầng lớp Nhân dân về tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, Công an tỉnh đã xây dựng, đăng tải 11 tin, bài, 4 phóng sự trên Cổng Thông tin điện tử Công an tỉnh, Báo, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, kênh truyền hình Công an nhân dân về phương thức thủ đoạn của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” và cách phòng tránh. Các vụ việc liên quan đến “tín dụng đen” bị triệt phá trên địa bàn cũng được kịp thời thông báo, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để các đối tượng bị hại biết, đến trình báo cơ quan Công an phục vụ cho quá trình điều tra. Ngoài ra, Công an các cấp đã tổ chức tuyên truyền pháp luật, lồng ghép với các nội dung liên quan đến hoạt động “Tín dụng đen” được 17 buổi, thu hút 429 lượt người tham gia.

Cùng góp phần ngăn chặn hiệu quả hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Bắc Kạn đã tăng cường tuyên truyền, đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ; có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, góp phần hạn chế “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh, đồng thời có biện pháp ngăn chặn, xử lý các cán bộ ngân hàng có hành vi tiếp tay cho các cá nhân, tổ chức hoạt động “tín dụng đen” thông qua công tác cho vay.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tuyên truyền trên website và hệ thống loa truyền thanh cấp huyện, cấp xã về phương thức, thủ đoạn và tác hại của “tín dụng đen”; phối hợp bóc gỡ, xóa bỏ tờ rơi, biển quảng cáo dán, treo trên tường, cột điện, cây xanh… về tài chính cho vay, cầm đồ tại nơi công cộng làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông.

Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Kạn thường xuyên đăng phát các bài viết, tin tức cảnh báo về thủ đoạn của tội phạm “Tín dụng đen” như duy trì chuyên mục “Câu chuyện pháp luật”, “Tìm hiểu pháp luật” với nội dung phản ánh những biểu hiện, hình thức của hoạt động “Tín dụng đen” trên địa bàn... để người dân nâng cao cảnh giác.

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các ngành, đoàn thể thực hiện 485 buổi tuyên truyền, thu hút 17.786 lượt người tham gia; tổ chức 38 buổi với 160 lượt đoàn viên thanh niên tham gia bóc gỡ, thu gom, tiêu hủy 748 tờ rơi, quảng cáo cho vay và các loại quảng cáo khác liên quan đến “Tín dụng đen” được dán, rải tại các nơi công cộng.

Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” đã được các ngành chức năng quan tâm thực hiện. Đoàn kiểm tra liên ngành UBND các huyện, thành phố đã tiến hành kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh hoạt động của 95/98 cơ sở (03 cơ sở chưa kiểm tra do ngừng hoạt động); yêu cầu 01 cơ sở tháo dỡ biển quảng cáo cho vay, hỗ trợ tài chính; thu hồi giấy phép kinh doanh của 05 cơ sở.

Trong công tác điều tra, truy tố, xử lý, lực lượng Công an các cấp đã chủ động phát hiện, tiếp nhận, điều tra 07 vụ, 10 đối tượng có liên quan đến hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; khởi tố 04 vụ, 08 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; kết luận điều tra, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố 01 vụ, 06 bị can…  Viện Kiểm sát nhân các cấp thực hiện tốt việc kiểm sát hoạt động tiếp nhận, giải quyết 03 tin báo về tội phạm và hoạt động điều tra đối với 04 vụ án, 06 bị can liên quan đến “tín dụng đen”. Tòa án nhân dân các cấp thụ lý 04 vụ/15 bị cáo về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự…

Theo đánh giá của ngành chức năng, sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh đã không còn diễn biến phức tạp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn 98 cơ sở cầm đồ, hỗ trợ tài chính (giảm 74 cơ sở so với kỳ báo cáo trước). Đạt được kết quả đó là do có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh và các sở, ngành, địa phương. Công tác tuyên truyền được thực hiện rộng khắp, đúng trọng tâm, đúng thời điểm, góp phần nâng cao nhận thức và cảnh giác cho Nhân dân về hoạt động “tín dụng đen”. Ban Chỉ đạo 138 tỉnh trong quá trình kiểm tra công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật tại các địa phương đã chú trọng kiểm tra các nội dung liên quan đến phòng, ngừa hoạt động “tín dụng đen”, đã huy động được sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở có biểu hiện hoạt động kinh doanh cho vay trái phép. Đặc biệt, lực lượng Công an đã tích cực triển khai lực lượng, chủ động khám phá các vụ cho vay lãi nặng trên địa bàn.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của ngành chức năng, trong quá trình phát hiện, xử lý các vụ việc liên quan đến “tín dụng đen” còn gặp không ít khó khăn do quá trình cho vay diễn ra trong thời gian dài; các tài liệu về việc vay và cho vay không cụ thể... Nhiều bị hai lo sợ bị trả thù nên không dám trình báo cơ quan Công an hoặc không dám khai báo khi các đối tượng bị bắt giữ, gây khó khăn cho công tác điều tra, mở rộng. Trình độ nhận thức của người dân không đồng đều, dẫn đến việc vẫn có người dân tìm đến “tín dụng đen” để giải quyết khó khăn trước mắt hoặc chưa tích cực tham gia vào công tác đấu tranh tố giác tội phạm ở địa phương, nhất là tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”; một số quy định của pháp luật xử lý hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, đầy đủ...

Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả nội dung Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh trong thời gian tới, các ngành, địa phương cần thường xuyên tổ chức tuyên truyền để Nhân dân nâng cao nhận thức, nhận biết và tự phòng, tránh các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, chú trọng kiểm tra đối với doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ.

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân đảm bảo công tác điều tra, giải quyết đúng người, đúng tội, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm; chú trọng mở rộng điều tra, củng cố hồ sơ, tài liệu, chứng cứ để xử lý nghiêm hành vi cho vay lãi nặng; xem xét, đưa ra xét xử lưu động một số vụ án để răn đe, phòng ngừa chung. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng cần thường xuyên tập hợp những khó khăn, vướng mắc trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, đặc biệt trong công tác điều tra, truy tố, xét xử để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền có giải pháp khắc phục, sửa đổi những sơ hở, thiếu sót mà các đối tượng có thể lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội…/.

Bích Huệ