PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

28/03/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Ngân Sơn tích cực chuyển đổi số
Thời gian qua, huyện Ngân Sơn đã tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ chương trình chuyển đổi số (CĐS) và Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ CĐS Quốc gia, giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Bí thư Huyện đoàn Ngân Sơn Đồng Khánh Hòa (bên trái) hướng dẫn cán bộ đoàn đăng ký tài khoản và đăng tải nội dung lên Cổng Thông tin Ngân hàng ý tưởng sáng tạo Thanh niên Việt Nam (Ảnh sưu tầm)

Để thực hiện nhiệm vụ CĐS, huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân về việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), CĐS vào các hoạt động. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; chia sẻ, phổ biến các tấm gương thành công về CĐS. Xây dựng chuyên mục về CĐS trên Cổng Thông tin điện tử của huyện để kịp thời thông tin về các văn bản chỉ đạo, kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ CĐS tại địa phương; kịp thời phản ánh những hoạt động CĐS và những thuận lợi, khó khăn trong quá trình CĐS.

Huyện đã thành lập 10 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và thành lập thí điểm 10 Tổ cấp thôn. Thành viên các Tổ công nghệ số cộng đồng đã được tập huấn sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, mua bán trên sàn thương mại điện tử Voso, Portmart. Bên cạnh đó, huyện thường xuyên tuyên truyền và hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức tạo tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia; tuyên truyền, phổ biến để đội ngũ cán bộ, công chức và Nhân dân nhận thức đầy đủ vai trò và tầm quan trọng của công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng, các nguy cơ mất an toàn thông tin trong việc sử dụng máy tính, hệ thống mạng và khai thác thông tin trên môi trường mạng, đồng thời trang bị một số kỹ năng cơ bản sử dụng thiết bị và dịch vụ CNTT an toàn.

Hệ thống phần mềm một cửa, một cửa điện tử liên thông và dịch vụ công trực tuyến mức độ cao đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong đăng ký dịch vụ công trực tuyến, tra cứu thông tin, nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến… Các phần mềm chuyên ngành như phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; phần mềm quản lý tài chính, kế toán; quản lý đất đai, môi trường, giáo dục, y tế được triển khai, sử dụng hiệu quả.

Tính đến ngày 10/02/2023, toàn huyện đã thu nhận 24.738 hồ sơ căn cước công dân, đã truyền dữ liệu về Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) được 24897/24897 hồ sơ, đạt 100%. Tổng số thẻ đã tiếp nhận từ Cục C06 là 24.293 thẻ căn cước công dân, đã trả cho công dân được 24.227/24293 thẻ, đạt 99,72%. Hiện còn tồn 66 thẻ chưa trả, nguyên nhân do công dân đã nhận được thông tin nhưng chưa đến lấy. Thực hiện cấp tài khoản định danh điện tử, đến nay, toàn huyện đã tiếp nhận 4.087 hồ sơ.

Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã chủ động ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh như xây dựng các trang thông tin điện tử, sử dụng thư điện tử và sử dụng phần mềm xác lập quy trình sản xuất, quản lý khách hàng, quản lý nguyên liệu, quản lý tài chính kế toán và ứng dụng rộng rãi các hình thức thanh toán điện tử. Nhiều hợp tác xã đã mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa; biết cách sử dụng các sàn thương mại điện tử phổ biến như vnpostmark, voso.vn hoặc các trang web để quảng bá và bán các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương. Nhiều người dân đã biết cách tiếp cận các nền tảng trực tuyến để mua bán, trao đổi hàng hóa.

Trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, các số liệu như nhà hàng ăn uống, cơ sở lưu trú, danh lam thắng cảnh, món ăn truyền thống được cập nhật lên Cổng Du lịch thông minh của tỉnh nên khách du lịch có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin. Lĩnh vực y tế, hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe toàn dân được duy trì triển khai. Các trường học trên địa bàn huyện đã sử dụng hiệu quả hệ thống phần mềm, nhờ vậy giúp giảm thiểu được hệ thống hồ sơ, sổ sách giấy.

Vừa qua, Tổ công tác triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn 2030” (Đề án 06) tổ chức ra mắt mô hình điểm thực hiện Đề án tại xã Bằng Vân. Mô hình sẽ thực hiện cải cách hành chính để phục vụ 5 nhóm tiện ích, đó là: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp. Các thành viên tham gia mô hình đã phối hợp tuyên truyền, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm 100% người dân tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Hiện nay, huyện Ngân Sơn đang tiếp tục triển khai, thực hiện các nhiệm vụ về CĐS; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị về kỹ năng ứng dụng CNTT; tiếp tục tổ chức tập huấn kỹ năng về CĐS cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn, phục vụ nhiệm vụ triển khai các hoạt động, chương trình CĐS…/.

Ngọc Tú