PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

16/01/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Ngành Du lịch bứt phá nhờ đa dạng sản phẩm
Năm qua, ngành Du lịch Bắc Kạn đã có sự bứt phá mạnh mẽ nhờ tập trung đa dạng các sản phẩm du lịch, từng bước tạo nét khác biệt, riêng có với những giá trị cảnh quan và nét văn hóa độc đáo, đặc trưng của vùng đất và con người nơi đây.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Du khách thưởng thức ẩm thực tại Quỳnh Mai Homestay

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với quảng bá du lịch đang là hướng đi mang lại hiệu quả tích cực, vừa góp phần nâng cao thu nhập cho người dân vừa thúc đẩy du lịch phát triển. Để tạo sự độc đáo, thu hút du khách, chị Đàm Quỳnh Mai - một chủ homestay tại thôn Bó Lù, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể đã quyết định xây dựng mô hình dịch vụ du lịch theo Chương trình OCOP. Thực hiện mô hình, chị Mai đã được cơ quan chuyên môn hướng dẫn thủ tục hồ sơ; hỗ trợ sửa chữa, tu bổ cơ sở vật chất và xây dựng phương án kinh doanh đáp ứng các tiêu chí gắn với lợi ích của người dân và có sự tham gia của cộng đồng. Cách làm mới, bài bản cùng thương hiệu OCOP uy tín đã giúp cho homestay của gia đình chị Mai luôn kín lịch đón khách.

Chị Đàm Quỳnh Mai chia sẻ: “Cơ sở của tôi rất may mắn, đó là khi thiết kế và lên kế hoạch kinh doanh đã dựa vào nguyên liệu địa phương sẵn có, thân thiện với môi trường, đây là những tiêu chí quan trọng để công nhận OCOP. Bên chúng tôi có nhiều dịch vụ, trong đó trước mắt tập trung vào dịch vụ phòng nghỉ và ăn uống, khi du khách đến thấy phòng sạch sẽ, thức ăn ngon sẽ là ấn tượng tốt đẹp đầu tiên. Sau đó, chúng tôi cố gắng tổ chức các tour trải nghiệm đặc sắc, hấp dẫn, những điểm đến nổi bật nhất của du lịch Ba Bể”.

“Hiện Ba Bể mới có 2 mô hình đạt tiêu chuẩn OCOP trong lĩnh vực du lịch và đây cũng là một cách làm mới, phù hợp với thực tế địa phương cũng như nhu cầu du khách” - chị Đàm Quỳnh Mai cho biết.

Nằm ở vùng lõi Vườn Quốc gia Ba Bể, hồ Ba Bể có diện tích mặt nước hơn 500 ha, nơi đây vẫn giữ được nét hoang sơ với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Những kỳ quan như động Puông, động Hua Mạ, thác Đầu Đẳng, những rừng nghiến cổ thụ… luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách. Khu vực hồ Ba Bể cũng là nơi sinh từ ngàn đời của cộng đồng các dân tộc Tày, Mông, Dao với những nét văn hóa độc đáo về trang phục, ẩm thực, nhà ở và văn hóa nghệ thuật...

Du khách đến với Ba Bể sau hành trình khám phá thiên nhiên luôn muốn được hòa mình cùng cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây qua những mô hình du lịch cộng đồng homestay, farmstay; cùng người dân chế biến món ăn truyền thống như nướng cá, quay lợn, nướng cơm lam, giã bánh dầy, nặn bánh trời hay đi đánh cá trên thuyền độc mộc với người dân bản địa, tham gia các buổi giao lưu, biểu diễn hát then, đàn tính, nhảy sạp, múa bát...

Ông Hoàng Ngọc Thấm, Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch Ba Bể cho biết, với Khu du lịch Ba Bể, phát huy bản sắc văn hóa rất tốt, ở đây hiện có tới 12 Câu lạc bộ hát then, đàn tính, sli lượn. Đây chỉ là một trong nhiều câu chuyện văn hóa để gắn với phát triển du lịch, nâng cao thu nhập đời sống cho người dân. Rõ ràng yếu tố con người, đặc biệt là người dân bản địa sẽ là chủ thể, họ là người lưu giữ, truyền dạy và phát huy nét văn hóa đặc sắc nhất, bởi chỉ người dân vùng ấy họ mới am hiểu.

Người dân xã Quảng Khê, huyện Ba Bể chuẩn bị bè mảng phục vụ du khách trên sông Chợ Lèng dịp lễ hội

Khai thác tốt tiềm năng du lịch Ba Bể, tỉnh đang từng bước hoàn thiện hệ thống đường đi bộ, biển chỉ dẫn, hệ thống chiếu sáng đảo Bà Góa, động Hua Mạ... Tại các thôn bản, Tổ du lịch cộng đồng cũng được thành lập với nhiệm vụ thống nhất các hoạt động đón tiếp du khách, tổ chức các tour, tuyến tham quan, dịch vụ ăn nghỉ; tham gia điều phối lưu trú và đặc biệt là giám sát, đảm bảo chất lượng các dịch vụ du lịch. Tháng 11 vừa qua, huyện Ba Bể đã tổ chức thành công Lễ hội “Sắc thu hồ Ba Bể” với nhiều hoạt động văn hóa - thể thao độc đáo như bay dù lượn, săn mây tại đỉnh Đồn Đèn, xã Khang Ninh, tuyến du lịch bè mảng, nghe hát then trên sông Quảng Khê, chợ đêm Pác Ngòi, đua thuyền Kayar… Các sản phẩm mới này sẽ được bà con thực hiện xuyên suốt và sẽ là những sản phẩm mới trong phát triển du lịch của địa phương.

Anh Bùi Văn Khơi, khách du lịch đến từ Hải Phòng chia sẻ: “Tôi đã đi ngắm mây ở Na Hang (Tuyên Quang); Sa Pa (Lào Cai), đây là lần đầu tiên tôi đến với Ba Bể (Bắc Kạn). Khi “săn mây” ở Đồn Đèn, tôi thấy mây rất đẹp và khác biệt với những khoảng rộng mênh mông. Mây ở nhiều nơi khác, thường có những mô núi nhấp nhô, còn ở đây như một biển mây rộng. Theo tôi thấy, cảnh mây như thế này rất độc đáo, tuy nhiên nếu có sự đầu tư địa điểm “săn mây” với các góc nhìn khác nhau và thêm tiểu cảnh trang trí sẽ thu hút mọi người đến xem nhiều hơn”.

Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Bể Lưu Quốc Trung, địa phương đang tích cực chuẩn bị cho các hoạt động của Lễ hội xuân truyền thống (9 - 10 tháng Giêng). Việc tổ chức các sự kiện, các ý tưởng là tiền đề, là cơ sở để khơi dậy các sản phẩm du lịch, những sản phẩm du lịch mới để thu hút thêm sự hiếu kỳ của du khách. Đặc biệt là khai thác sự khác biệt trong bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc của huyện, của tỉnh so với các địa phương bạn để thu hút thêm du khách đến với Ba Bể.

Khai thác nét đặc sắc trong văn hóa của cộng đồng dân cư bản địa kết hợp cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ đã từng bước tạo ra nét đặc trưng, riêng có cho du lịch Ba Bể. Khi tuyến giao thông từ thành phố Bắc Kạn đến hồ Ba Bể và từ Ba Bể đến Na Hang (Tuyên Quang) được hoàn thành sẽ tạo thêm cơ sở để du lịch Ba Bể trở thành một trong những mũi nhọn kinh tế của tỉnh trong thời gian tới.

Năm 2022, Bắc Kạn đón 461.000 lượt khách, đạt 73% kế hoạch, trong đó khách quốc tế là 5.420 lượt và khách trong nước 455.580 lượt, tổng doanh thu từ du lịch đạt 321 tỷ đồng. Sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch Bắc Kạn cũng gặp không ít khó khăn trong việc thu hút du khách. Giống như nhiều tỉnh vùng Đông - Tây Bắc có tiềm năng thiên nhiên, văn hóa tương đồng, Bắc Kạn đang cố gắng tìm ra lối đi riêng để tạo nên bản sắc trong các sản phẩm du lịch.

Thu Trang