PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

15/10/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Ngày 16/10 - Ngày truyền thống ngành Kiểm tra Đảng
Ban Kiểm tra Trung ương đầu tiên của Đảng được thành lập theo Quyết nghị số 29-QN/TW, ngày 16-10-1948 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng (khóa I), do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh (tức Thận) ký. Ngày đó trở thành ngày truyền thống của ngành Kiểm tra Đảng.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng ta đã nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát đối với việc bảo đảm cho mục tiêu, lý tưởng, cương lĩnh, chiến lược, đường lối, chính sách, các chỉ thị, nghị quyết được nghiêm chỉnh thực hiện, đồng thời tăng cường việc giữ gìn kỷ luật, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Từ khi thành lập đến năm 1948, công tác kiểm tra của Đảng đã được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm theo dõi, trực tiếp chỉ đạo, chưa phân công cán bộ theo dõi và thành lập bộ máy kiểm tra chuyên trách. Nhiệm vụ này do các cấp ủy và tổ chức đảng thực hiện, đã góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng qua các thời kỳ.

Cuối năm 1948, do yêu cầu nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, quy mô và tổ chức hoạt động của Đảng, Cơ quan Kiểm tra chuyên trách của Đảng chính thức được thành lập, từng bước phát triển, ngày càng được kiện toàn và lớn mạnh. Ban Kiểm tra Trung ương đầu tiên của Đảng được thành lập theo Quyết nghị số 29-QN/TW, ngày 16-10-1948 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng (khóa I), do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh (tức Thận) ký. Ngày đó, trở thành ngày truyền thống của ngành Kiểm tra Đảng. Ban Kiểm tra Trung ương đầu tiên gồm 3 đồng chí: Trần Đăng Ninh, Nguyễn Thanh Bình, Hà Xuân Mỹ (Hà Minh Quốc) do đồng chí Trần Đăng Ninh làm Trưởng ban, dưới Ban Kiểm tra là các phái viên có nhiệm vụ “đi xuống các khu xem xét chủ trương của Đảng có được thi hành và có sát, đúng không, đồng thời xem xét sự thi hành kỷ luật trong Đảng để tiếp thu kinh nghiệm giúp Trung ương bổ khuyết cho chính sách của Đảng”.

Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng (1951 - 1960), Điều lệ Đảng quy định: Ban Chấp hành Trung ương, các xứ ủy, khu ủy (hoặc liên khu), thành ủy, tỉnh ủy phải cử ra một số ủy viên lập thành ban kiểm tra của cấp mình. Tháng 3 năm 1951, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) cử ra Ban Kiểm tra Trung ương gồm ba đồng chí: Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Chánh, do đồng chí Hồ Tùng Mậu làm Trưởng ban. Trung ương có Nghị quyết: “Ban Kiểm tra Trung ương sẽ kiêm Ban Thanh tra của Chính phủ, có trách nhiệm kiểm tra cả trong quân đội”; đồng chí Hồ Tùng Mậu, Trưởng Ban Kiểm tra Đảng kiêm Tổng Thanh tra Chính phủ. Đến ngày 25-4-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 263/SL cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương kiêm chức Tổng Thanh tra Chính phủ. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ X (tháng 3-1957) quyết nghị kiện toàn Ban Kiểm tra Trung ương Đảng, gồm các đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, do đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Trưởng ban. Tháng 4-1957, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 16/CTTW quy định: “Về nội dung công tác ban kiểm tra của Đảng ở các cấp hiện nay chỉ chuyên trách kiểm tra việc giữ gìn kỷ luật ở các cấp và xét đơn khiếu nại của các đảng viên về các vụ thi hành kỷ luật ở cấp dưới. Còn vấn đề kiểm tra việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, của Chính phủ do Ban Thanh tra của chính quyền ở các cấp giúp cấp ủy và Ủy ban Hành chính tiến hành”. Từ đó đến nay, Ban Kiểm tra của Đảng và Ban Thanh tra của Chính quyền được tách riêng.

Cùng với sự ra đời và kiện toàn Ban Kiểm tra, sau này là Ủy ban Kiểm tra (UBKT) các cấp, đội ngũ cán bộ kiểm tra ngày càng phát triển. Nhiệm vụ, quyền hạn của UBKT các cấp do Điều lệ Đảng quy định, từ một số nhiệm vụ ban đầu, chủ yếu là phục vụ cấp ủy, dần dần, Điều lệ Đảng giao cho UBKT các cấp nhiều nhiệm vụ cụ thể, tăng thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với đảng viên cho UBKT từ cấp quận, huyện tương đương trở lên, từ Đại hội X của Đảng đã bổ sung nhiệm vụ giám sát cho cấp ủy và UBKT các cấp.

73 năm qua, ngành Kiểm tra Đảng luôn luôn nhận thức sâu sắc rằng, công tác kiểm tra, giám sát phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, thường xuyên lấy đó là mục tiêu để xây dựng phương hướng, chương trình hành động của mình. Mặc dù có nhiều khó khăn về lực lượng, năng lực, đội ngũ cũng như điều kiện hoạt động nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra của các cấp ủy đảng, ngành Kiểm tra đã từng bước trưởng thành.

Trong mọi thời kỳ cách mạng, kể cả những thời điểm thử thách cam go, quyết liệt nhất, đội ngũ các thế hệ cán bộ kiểm tra của Đảng luôn tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết, chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, chấp hành nghiêm đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, liên tục bền bỉ phấn đấu để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá: “Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được tăng cường, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên. Hoạt động kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp được đẩy mạnh, đạt kết quả khá toàn diện, nhất là ở cấp Trung ương; hoạt động của cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra các cấp được tăng cường, ngày càng siết chặt kỷ luật, kỷ cương”.

Năm 2021, cả nước kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống ngành Kiểm tra Đảng trong bối cảnh đang ra sức phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đây là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên của ngành Kiểm tra Đảng tự hào và ôn lại truyền thống vẻ vang, ra sức phấn đấu, rèn luyện để góp phần xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh./.

Hương Dịu (tổng hợp)