PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

05/04/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Người dân Dương Phong đồng thuận xây dựng nông thôn mới
Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi về Dương Phong (Bạch Thông) cũng là thời điểm cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các dân tộc nơi đây đang chuẩn bị cho Lễ công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Sự đổi thay hiện hữu từ những con đường khang trang sạch đẹp, nhiều công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng. Có được diện mạo đó phải kể đến sự đồng thuận của người dân, điển hình là phong trào hiến đất làm các công trình công cộng.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Trạm y tế xã mới được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân

Cách đây gần 10 năm, xã Dương Phong mới đạt 4/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ cao, thu nhập bình quân chỉ đạt 14 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế của xã chủ yếu là nông lâm nghiệp quy mô nhỏ lẻ, kết cấu hạ tầng còn thiếu và chưa đồng đều; việc áp dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất, phát triển kinh tế của Nhân dân còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ xã chưa có kinh nghiệm thực tiễn trong xây dựng nông thôn mới... Chính vì thế, quá trình triển khai các tiêu chí xây dựng nông thôn mới còn lúng túng, hiệu quả chưa cao.

Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ cấp thiết, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, từ đó, các hộ dân đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, thu gom xử lý rác thải, chỉnh trang nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi. Ngoài ra, một số hộ còn tự nguyện đóng góp ngày công lao động, hiến đất để xây dựng các công trình đường giao thông, sân thể thao… Điển hình như ở thôn Khuổi Cò, có hộ ông Bàn Văn Cao hiến 405 m2 đất; ông Triệu Văn Nguyên hiến 161 m2 đất; thôn Tổng Ngay có hộ ông Đinh Văn Huynh hiến 200 m2, hộ ông Chu Thế Mẫn hiến 90 m2 đất; hộ ông Lường Văn Nghè ở thôn Tông Mú hiến 60 m2

Bí thư Đảng ủy xã Dương Phong Ma Văn Thời chia sẻ: “Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, nhất là thực hiện lộ trình về đích trong năm 2020, cấp ủy, chính quyền ít nhiều có sự lo lắng nhưng luôn đặt quyết tâm chính trị cao nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Để phát huy được sức mạnh nội lực, chúng tôi tập trung tuyên truyền nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân toàn xã. Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, từ năm 2010 đến năm 2020, tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới ở Dương Phong là gần 6,7 tỷ đồng, trong đó nguồn đóng góp của Nhân dân là 1,32 tỷ đồng”.

Xã Dương Phong thực hiện dự án cải tạo cam, quýt theo hướng ViepGAP gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm

Xác định mục tiêu của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, xã Dương Phong đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại. Phát huy lợi thế về đất đai, trong 10 năm qua, xã đã mở rộng diện tích trồng cây cam, quýt lên đến hơn 600 ha; các dự án liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất được triển khai thực hiện giúp nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 của xã đạt hơn 36 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 7,25%. Xã Dương Phong được tỉnh công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời cũng là động lực to lớn để cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương nỗ lực phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2023.

Từ trụ sở xã Dương Phong, chúng tôi ngược lên thôn vùng cao Bản Mún 1, nơi sinh sống của 59 hộ dân đồng bào dân tộc Dao. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của các hộ dân nơi đây khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Theo dự kiến thôn Bản Mún 1 và Bản Mún 2 sẽ sáp nhập nên năm 2020, nhà văn hóa thôn được đầu tư xây dựng với quy mô 100 chỗ ngồi, giá trị gần 400 triệu đồng từ nguồn vốn cấp trên và sự đóng góp của bà con hai thôn. Trưởng thôn Bản Mún 1 Đặng Thị Lan cho biết, sau nhiều năm phấn đấu, đến nay, diện mạo Bản Mún 1 có nhiều thay đổi, toàn thôn chỉ còn 7 hộ nghèo, đời sống của người dân được nâng lên. Bà con trong thôn tin tưởng một lòng đi theo Đảng, đoàn kết xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Không chỉ tại Bản Mún 1, không khí tươi vui, phấn khởi lan tỏa khắp các thôn, bản ở Dương Phong vì xã đã cán đích xây dựng nông thôn mới. Chị Đặng Thị Hằng, người dân thôn Tổng Mú hồ hởi: “Vui và tự hào lắm vì xã mình đã là xã nông thôn mới. Hy vọng rằng, cuộc sống của bà con sẽ ngày càng phát triển hơn, diện mạo của xã tiếp tục thay đổi”.

Khi lòng dân đồng thuận thì không còn việc gì khó. Điều này đã được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Dương Phong minh chứng qua việc huy động sức dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Và cũng chính điều này sẽ giúp cho lộ trình xây dựng nông thôn mới của huyện tiếp tục gặp hái nhiều thành công./.

Thu Trang