PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

18/02/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Nhân lên phong trào trồng rừng
Những năm gần đây, phong trào trồng rừng của tỉnh đã phát triển mạnh mẽ. Kinh tế rừng được xác định là một trong những ngành mũi nhọn trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ được tổ chức vào dịp đầu Xuân mở đầu cho phong trào trồng rừng
hằng năm (Ảnh: Hưởng ứng Tết trồng cây năm 2020 tại Đại đội Trinh sát, Thiết giáp, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh)

Là tỉnh miền núi có thế mạnh về rừng, Bắc Kạn có diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp 417.539 ha, chiếm 86% tổng diện tích tự nhiên. Diện tích đất lâm nghiệp có rừng 372.715 ha, trong đó rừng tự nhiên 273.376 ha, rừng trồng 99.339 ha.

Tỉnh luôn xác định trồng cây gây rừng là việc làm quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, ngoài ra còn bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Vì vậy, chỉ tiêu trồng rừng hằng năm luôn được đưa vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để làm giàu thêm các diện tích rừng hiện nay, nhất là trong điều kiện khí hậu đang diễn biến ngày một phức tạp, cực đoan, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân và là hướng giảm nghèo cho bà con nông dân.

Hằng năm, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, hoàn thành các chỉ tiêu về trồng, quản lý, bảo vệ rừng, trong đó, tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế đồi rừng theo hướng đa chức năng, trọng tâm là phát triển cây gỗ lớn, cây dược liệu và cây ăn quả đặc sản dưới tán rừng. Tỉnh cũng khuyến cáo các tổ chức, cá nhân trồng rừng gỗ lớn theo hướng thâm canh, chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Mỗi năm, toàn tỉnh trồng được khoảng 7.000 ha rừng, góp phần duy trì vị trí dẫn đầu cả nước về tỷ lệ che phủ rừng. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ lệ che phủ rừng hiện nay của tỉnh là 73,4%.

Trồng rừng sản xuất đã trở thành phong trào phát triển rộng trên địa bàn tỉnh những năm gần đây. Nhiều hộ gia đình đã chủ động chuyển từ sản xuất nương rẫy trên đất lâm nghiệp sang trồng rừng. Dọc theo các tuyến đường ở khắp các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, đâu đâu cũng có thể bắt gặp màu xanh trải dài của rừng keo, rừng mỡ đang sinh trưởng và phát triển tốt. Anh Nguyễn Văn Hòa, một trong những hộ có diện tích rừng trồng nhiều ở thôn Nà Khoang, thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn chia sẻ, trước đây, diện tích đất đồi của gia đình chủ yếu trồng ngô, trồng sắn, nhưng được vài năm thì đất hết màu mỡ, gia đình cũng không chăm sóc được nên năng suất thấp. Nhận thấy nhiều nơi trồng rừng mang lại lợi ích kinh tế lớn, anh quyết định chuyển sang trồng cây keo lai. Đến nay, gia đình anh đã có 08 ha rừng từ hơn một năm đến ba năm tuổi. Anh Hòa nhận định, với đồi rừng phát triển tốt như hiện nay thì chỉ vài năm tới là gia đình anh sẽ có khoản thu nhập khá từ rừng.

Nhiều hộ gia đình đã làm giàu từ chính việc phát triển rừng, như chị Phạm Thị Thu tại thôn Nà Tấc, xã Phong Huân, huyện Chợ Đồn. Đến nay, gia đình chị đã có 19 ha rừng, trong đó cây mỡ có 09 ha đã đến tuổi khai thác, 02 ha cây quế, 08 ha rừng vầu và 05 ha lá dong trồng xen canh. Hằng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Chị Thu chia sẻ, trồng rừng là đầu tư lâu dài nên gia đình chị trồng xen lá dong, cây vầu để lấy ngắn nuôi dài. Gia đình còn giúp tạo việc làm mùa vụ cho 7 - 12 chị em, với mức thu nhập từ 180 - 200 nghìn đồng/người/ngày.

Là một trong những địa phương thực hiện tốt phong trào trồng rừng, huyện Chợ Mới hằng năm đều trồng đạt và vượt kế hoạch với khoảng 1.500 ha. Có gần 85% diện tích tự nhiên là rừng, huyện có lợi thế để phát triển trồng cây lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, phong trào trồng rừng ngày càng phát triển mạnh mẽ, người dân địa phương còn mở nhiều con đường phục vụ sản xuất và khai thác lâm nghiệp. Huyện cũng có nhiều cơ sở chế biến gỗ lớn nhỏ hoạt động rộng khắp, bao tiêu sản phẩm gỗ, góp phần nâng cao giá trị kinh tế rừng cho người dân địa phương.

Có thể khẳng định rằng, phong trào trồng rừng những năm qua trên địa bàn tỉnh đã được phát triển rộng khắp, người dân có nguồn thu nhập đáng kể từ rừng. Với tiềm năng sẵn có, cùng với phong trào trồng rừng đã được nhân rộng trong Nhân dân, tỉnh đã đặt mục tiêu cao hơn trong công tác trồng rừng những năm tới. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và hưởng ứng Chương trình cả nước chung sức, đồng lòng góp sức trồng mới 01 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Kạn đề ra mục tiêu phấn đấu mỗi năm trồng được 3.500 ha rừng các loại, riêng năm 2021, phấn đấu trồng rừng đạt 3.570 ha.

Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác trồng rừng tập trung, rừng phân tán đảm bảo về chất lượng, hiệu quả. Tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp, hộ nông dân đầu tư phát triển rừng sản xuất, trồng rừng phòng hộ kết hợp với kinh tế, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, huy động các thành phần kinh tế tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Song song với đó là hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi chặt chẽ các dự án nông lâm nghiệp nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án thực hiện đúng tiến độ, đồng thời phát hiện sớm và xử lý các sai phạm; triển khai thực hiện định giá rừng, khung giá rừng; xây dựng phương án quản lý rừng; tổ chức giao rừng, cho thuê rừng, trong đó tập trung tổ chức giao những diện tích do UBND xã quản lý.

Nhằm tạo động lực cho phát triển lâm nghiệp trong cơ cấu ngành, tỉnh cũng xác định một trong 4 Chương trình trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 là phát triển nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung với sản lượng lớn, tạo ra sản phẩm sạch và an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường; tăng cường liên kết sản xuất, nâng cao chuỗi giá trị để tăng thu nhập cho dân cư khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Người dân huyện Chợ Mới chuẩn bị cây giống trồng rừng

Những ngày đầu năm mới này, phong trào trồng rừng lại được nhân lên rộng khắp khi các địa phương thực hiện Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ. Do dịch bệnh Covid-19 nên tỉnh không tổ chức Lễ phát động, song người dân đã sẵn sàng các điều kiện để bắt đầu một vụ trồng rừng mới hứa hẹn thành công trong năm 2021./.

Hương Lan