PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

15/01/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn còn nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống bệnh Lao
Trong những năm qua, công tác phòng, chống bệnh Lao trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng kể, đóng góp vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Mặc dù vậy, đến nay, hoạt động này đang gặp nhiều khó khăn và cần có những giải pháp cụ thể để khắc phục.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức tuyên truyền cổ động nhân ngày Thế giới phòng, chống bệnh Lao 24/3

Để phòng, chống bệnh Lao, thời gian qua, ngành Y tế Bắc Kạn đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao hiểu biết của người dân về căn bệnh này để bản thân họ chủ động hơn trong việc phát hiện, phòng, chống cho chính mình, hạn chế lây nhiễm cho những người xung quanh và cộng đồng xã hội. Qua đó, người dân được tiếp cận dễ dàng hơn các dịch vụ dự phòng, khám phát hiện và điều trị.

Ngành Y tế cũng nỗ lực đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị cho người bệnh. Nhờ đó, đến nay, tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã triển khai phương pháp xét nghiệm Gene - Xpert để chẩn đoán nhanh bệnh Lao và Lao kháng thuốc. Tỷ lệ người bệnh được chữa khỏi tăng dần trong những năm gần đây, cụ thể: Năm 2018 đạt 86%, năm 2019 đạt 92,4%, năm 2020 đạt 94,7%.

Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tới thăm hỏi, động viên bệnh nhân Lao
tại Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Y tế, đến nay, Bắc Kạn là một trong 15 tỉnh trong cả nước chưa có Bệnh viện chuyên khoa Lao và cơ sở điều trị nội trú Lao kháng thuốc. Hoạt động khám và điều trị cho bệnh nhân Lao chủ yếu được thực hiện tại Khoa Lao và Bệnh phổi của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Khoa được trang bị 20 giường bệnh, với 02 bác sĩ chuyên ngành Lao và 04 điều dưỡng.

Nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động phòng, chống Lao còn thiếu ở các tuyến. Một số cán bộ chưa được đào tạo cơ bản về lĩnh vực này, mặt khác phải kiêm nhiệm nhiều chương trình, vì vậy, việc triển khai các hoạt động truyền thông, tập huấn, giám sát chưa được thường xuyên. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc ở tuyến huyện và tuyến xã còn thiếu, chưa đáp ứng được cho hoạt động khám, chẩn đoán và điều trị bệnh Lao ở cơ sở.

Đối với công tác phòng, chống Lao, việc phát hiện nguồn lây trong cộng đồng là rất quan trọng. Trong những năm gần đây, ở tỉnh ta, trung bình mỗi năm phát hiện mới khoảng từ 130 - 200 bệnh nhân Lao. Năm 2020, phát hiện mới 139 bệnh nhân, đạt 103%. Mặc dù vậy, các số liệu trên đây vẫn chưa phản ánh chính xác tỷ lệ mắc Lao trên địa bàn tỉnh do còn nhiều đối tượng nguy cơ cao chưa được tư vấn và xét nghiệm sàng lọc, đặc biệt là những người nhiễm HIV/AIDS. Nhiều người bệnh lựa chọn dịch vụ chăm sóc sức khỏe do các cơ sở y tế tư nhân cung cấp, dẫn tới việc quản lý, điều trị vì thế gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, việc điều trị bệnh Lao tại các cơ sở y tế cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là với trường hợp phát hiện bệnh muộn. Việc phát hiện muộn không chỉ gây khó khăn cho công tác điều trị mà còn khiến nguy cơ lây lan tăng cao. Ngoài ra, những bệnh nhân không tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ sẽ dẫn tới tình trạng Lao kháng thuốc. Khi đó, vi khuẩn Lao kháng lại các thuốc chống Lao cũng khiến việc điều trị trở nên rất khó khăn.

Lao là căn bệnh dễ lây nên một số người vẫn còn có tâm lý kỳ thị, phân biệt đối xử với người bệnh. Định kiến xã hội với người bệnh Lao tuy không còn nặng nề như trước đây nhưng vẫn còn tồn tại trong bộ phận dân cư. Điều đó cũng tạo nên những rào cản nhất định đối với công tác này.

Để nâng cao hơn nữa công tác phòng chống, phát hiện và điều trị bệnh Lao trên địa bàn tỉnh, ngành Y tế rất cần có sự chung tay phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân để khắc phục những khó khăn nêu trên. Đặc biệt là công tác phối hợp trong truyền thông thay đổi nhận thức, thái độ hành vi của người dân chủ động phòng, chống cho chính mình và những người xung quanh; phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời; cùng thực hiện mục tiêu chấm dứt bệnh Lao tại Việt Nam vào năm 2030./.

Ngọc Tú