PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

09/08/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh và nỗi đau da cam
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ không chỉ dùng các loại vũ khí gây thương vong mà còn sử dụng chất độc da cam/dioxin gây hậu quả nghiêm trọng, hủy hoại môi trường sống, hệ sinh thái và sức khỏe của con người Việt Nam. Trước thực trạng đó, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã nỗ lực khắc phục hậu quả của chiến tranh hóa học, xoa dịu nỗi đau da cam.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Ngày 10/8/1961, Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam. Chỉ trong 10 năm (1961 - 1971), quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin xuống 26.000 thôn, bản, với diện tích 3,06 triệu ha; có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần...

Việc sử dụng chất độc da cam không chỉ hủy hoại môi trường sống, hệ sinh thái mà còn để lại hệ lụy hết sức đau lòng đối với sức khỏe con người Việt Nam. Nhiều nạn nhân phải chết do chất độc, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Theo thống kê, ở Việt Nam, chất độc da cam đã làm cho hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân. Theo khảo sát tại một số địa phương cho thấy, hậu quả chất độc da cam đã di truyền sang thế hệ thứ tư. Hàng chục nghìn trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật.

Trước những hậu quả nặng nề do thảm họa da cam, thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta xác định công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là vấn đề cấp bách, lâu dài. Ngày 25/6/2004, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tổ chức Hội nghị Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Hội nghị thống nhất lấy ngày 10/8 hằng năm là Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Hằng năm, Nhà nước ta đã dành khoản ngân sách hơn 10 nghìn tỷ đồng để trợ cấp hằng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam.

Về môi trường, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo hoạt động khoa học và hợp tác nghiên cứu tẩy độc khắc phục ô nhiễm dioixn ở các điểm nóng như sân bay Đà Nẵng, sân bay Phù Cát (Bình Định), sân bay Biên Hòa (Đồng Nai). Cơ quan phát triển Hoa Kỳ USAID đã cùng Bộ Quốc phòng Việt Nam khởi động Dự án tẩy độc sân bay Đà Nẵng trị giá 43 triệu USD và sân bay Biên Hòa trị giá 390 triệu USD.

Về chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam, kể từ năm 1998 đến nay, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh ưu đãi người có công, trong đó quy định người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con, cháu họ được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước. Hàng loạt chính sách của Nhà nước được ban hành thể hiện sự quan tâm hơn nữa đến người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Ngày 14/5/2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Chỉ thị nêu rõ “Công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là vấn đề cấp bách và lâu dài, là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị”.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Bắc Kạn là hậu phương vững chắc, góp phần cùng cả nước hoàn thành sứ mệnh đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước. Sau cuộc chiến, nhiều người đã anh dũng hy sinh, hàng nghìn người trở về quê hương nhưng trên mình mang đầy thương tích của chiến tranh, họ là thương binh, bệnh binh, là nạn nhân chất độc da cam. Khi trở về, nhiều nạn nhân còn phải đối mặt với nhiều khó khăn cả về kinh tế, tinh thần và mắc nhiều loại bệnh tật.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng thăm hỏi, tặng quà gia đình ông Triệu Thiêm Mạc, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học tại thôn Nà Ca, xã Văn Vũ, huyện Na Rì (Ảnh: Sưu tầm)

Theo thống kê, tỉnh Bắc Kạn hiện có 1.264 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang được hưởng chính sách. Thời gian qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin của tỉnh đã thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương đến hội viên. Hội tổ chức tốt công tác kiểm tra giám sát, thống kê các đối tượng là thân nhân của các nạn nhân và những người tham gia hoạt động kháng chiến ở vùng đế quốc Mỹ phun rải chất độc hóa học nhưng chưa được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước. Ngoài ra, công tác vận động nguồn lực, chăm sóc giúp đỡ nạn nhân được chú trọng. Công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội, đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam có nhiều chuyển biến và đạt được nhiều kết quả tích cực. Cùng với những hoạt động đó, những năm qua, tỉnh tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, động viên, tặng quà người nhiễm chất độc da cam. 

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo mà trước hết là hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người có công với đất nước, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nêu cao truyền thống “Thương người như thể thương thân” của dân tộc, thể hiện lương tâm và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam yêu nước./.

Ngọc Tú