PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

29/12/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Pác Nặm: Phát triển du lịch dần trở thành ngành kinh tế quan trọng
Để phát triển du lịch dần trở thành ngành kinh tế quan trọng, huyện Pác Nặm xác định thời gian tới, cần tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông để phục vụ du lịch cũng như nâng tầm các sản phẩm du lịch.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Ảnh: Ruộng bậc thang tại xã Công Bằng, huyện Pác Nặm

Tiềm năng du lịch

Trên địa bàn huyện, những năm trở lại đây, Hội Mù Là, xã Cổ Linh đã trở thành địa điểm du lịch văn hóa hấp dẫn, thu hút hàng ngàn người dân và du khách từ các địa phương đến tham dự. Lễ hội được tổ chức ở đỉnh đèo thôn Lủng Phặc, xã Cổ Linh vào ngày 13, 14 tháng Giêng hằng năm đã trở thành nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Mông sinh sống trên các sườn núi tại khu vực giáp ranh giữa huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn và huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang mỗi khi Tết đến, xuân về. Đến với Hội Mù Là, du khách có dịp được hòa mình vào các trò chơi dân gian và các hoạt động văn hóa, văn nghệ như: Chọi dê, chọi bò, tung còn; được nghe, xem các làn điệu dân ca, dân vũ và thưởng thức các món ẩm thực độc đáo được làm bởi chính bàn tay người dân địa phương.

Cũng với du lịch lễ hội, Pác Nặm cũng được thiên nhiên ưu đãi với cảnh đẹp độc đáo như hang Dơi, xã Nhạn Môn; thác Khuổi Khoang, xã Giáo Hiệu, suối Thuổm Nàng, ruộng bậc thang, xã Công Bằng... có tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm. Pác Nặm còn là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc thiểu số với những sắc thái văn hóa truyền thống đặc sắc, giàu sức hấp dẫn có thể phát triển du lịch cộng đồng như: Tại các bản dân tộc Tày, Mông, Dao, Sán Chỉ ở thôn Cọn Luông, Thôm Mèo (Xuân La); Nà Lẩy, Khâu Đấng (Bộc Bố); Lủng Phặc (Cổ Linh)…, du khách có thể hòa mình vào thiên nhiên, cùng trải nghiệm hoạt động lao động sản xuất, tìm hiểu nghề truyền thống và những nét văn hóa truyền thống bản địa.

Ảnh: Những ngôi nhà sàn truyền thống thôn Khâu Đấng, xã Bộc Bố

Ngoài ra, huyện đang tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương thành sản phẩm hàng hóa vừa kết hợp phát triển du lịch. Hiện Pác Nặm đã trồng được 356 ha cây ăn quả mận, hồng, lê; xây dựng được 05 sản phẩm OCOP-BK xếp hạng 3 sao, gồm: Bún khô, thịt trâu khô gác bếp, lạp sườn, xúc xích, thịt lợn treo gác bếp…

Hướng đi và giải pháp phát triển

Nhằm phát huy hiệu quả các tiềm năng phong phú về du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đồng thời hoàn thành chương trình trọng tâm nhiệm kỳ 2020-2025 đã được Đại hội Đảng bộ huyện Pác Nặm lần thứ IV thông qua, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển du lịch huyện Pác Nặm giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo đó, từ nay đến năm 2025, huyện Pác Nặm sẽ tập trung xây dựng và nâng tầm các sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo, hấp dẫn, nhằm thu hút du khách đến với Pác Nặm, như: Du lịch văn hóa vùng cao, du lịch lễ hội, du lịch cộng đồng; du lịch sinh thái và du lịch sinh thái nông nghiệp, tìm hiểu tập quán canh tác vùng cao; du lịch ẩm thực; du lịch thể thao và thể thao mạo hiểm; các sản phẩm du lịch bổ trợ... Đặc biệt, tập trung đầu tư khu vực tổ chức Lễ hội Mù Là của huyện trở thành điểm nhấn về du lịch của huyện.

Ảnh: Đường lên địa điểm tổ chức Hội Mù Là, xã Cổ Linh đã được mở rộng và bê tông hóa

Để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến với Pác Nặm, huyện xác định phải tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch. Cụ thể, Pác Nặm ưu tiên nguồn lực từ ngân sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối các khu, điểm du lịch chính của huyện đáp ứng điều kiện của các khu, điểm du lịch. Tập trung đầu tư vào các lĩnh vực, các chương trình dự án đầu tư quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan môi trường, sản phẩm du lịch nhằm phát huy các giá trị văn hoá, cảnh quan tự nhiên của huyện, tạo điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm kêu gọi nhà đầu tư phát triển sản phẩm du lịch như: Phát triển các điểm dừng chân, điểm ngắm cảnh, check-in tại khu vực đèo Yêu, xã Xuân La, Nghiên Loan,…; phát triển hạ tầng công cộng, cơ sở vật chất kỹ thuật cho các bản du lịch cộng đồng tại xã Bộc Bố, xã An Thắng, xã Cổ Linh, đảm bảo sự thoải mái và phần nào tiện nghi cho khách du lịch; đầu tư hệ thống đường tiếp cận các điểm thăm quan Di tích lịch sử Búp Nhùng (Cao Tân), hang Dơi (Nhạn Môn), thác Khuổi Khoang (Giáo Hiệu), suối Thuổm Nàng (Công Bằng)…

Cùng với đó, Pác Nặm tăng cường, thúc đẩy các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm phát triển du lịch và quản lý hoạt động du lịch với các huyện trong tỉnh Bắc Kạn và với các địa phương khác của các tỉnh trong Tiểu vùng Đông Bắc như Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn. Phối hợp với huyện Ba Bể, huyện Na Hang (Tuyên Quang), Bắc Mê (Hà Giang), Nguyên Bình (Cao Bằng) tổ chức các chương trình khảo sát khu điểm du lịch cho các doanh nghiệp lữ hành và báo chí để quảng bá về tiềm năng, hình ảnh du lịch Pác Nặm, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành xây dựng các chương trình du lịch liên huyện, liên tỉnh hoặc liên vùng hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Hợp tác, liên kết đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của du lịch Pác Nặm trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên internet, mạng xã hội để dần khẳng định hình ảnh và thương hiệu điểm đến Pác Nặm trong tổng thể hình ảnh điểm đến du lịch Bắc Kạn và Tiểu vùng Đông Bắc nói chung./.

Mục tiêu đến năm 2025 của huyện Pác Nặm:

Đón khoảng 6.700 lượt khách trong đó có khoảng 400 lượt khách quốc tế;

Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 24.360 triệu đồng;

Có từ 20 - 30 nhà cung cấp dịch vụ homestay và khoảng 300 buồng lưu trú trên địa bàn;

Có khoảng 400 lao động trực tiếp và khoảng 800 lao động gián tiếp làm du lịch;

Hệ thống được toàn bộ các di sản văn hóa phi vật thể gồm: Các lễ hội, phong tục, nghề, nghệ thuật truyền thống, làn điệu dân gian, dân vũ và thực hiện bảo tồn những di sản phi vật thể có nguy cơ thất truyền, mai một trên cơ sở gắn với phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng...

Thu Cúc