PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

28/03/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Phát triển sản phẩm OCOP du lịch
Phát triển các sản phẩm OCOP du lịch đang là hướng đi được tỉnh Bắc Kạn khuyến khích phát triển và bước đầu đã mang lại kết quả khả quan. Những mô hình này không những nâng cao giá trị kinh tế cho người dân mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Homestay Quỳnh Mai, thôn Bó Lù, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể

Homestay Quỳnh Mai, thôn Bó Lù, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể là một trong hai mô hình đạt chứng nhận OCOP 3 sao dành cho những sản phẩm lĩnh vực du lịch, dịch vụ năm 2021. Trước khi có dịch Covid-19, Homestay Quỳnh Mai luôn là địa điểm thu hút khách du lịch bởi mô hình được thiết kế xây dựng dựa trên nguyên liệu sẵn có, thân thiện với môi trường, giữ được nét văn hóa truyền thống của địa phương. Mô hình không chỉ cung cấp chỗ nghỉ thân thiện, có khuôn viên rộng, có nhà hàng phục vụ khách mà còn phục vụ nhu cầu khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể và thưởng thức ẩm thực của đồng bào dân tộc trong vùng.

Tại khu vực quanh vùng hồ Ba Bể, ngoài 2 mô hình du lịch Homestay Quỳnh Mai và Du lịch cộng đồng Ba Bể - Ba Bể Green Homestay đã đạt chứng nhận OCOP 3 năm 2021, hiện còn rất nhiều mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái ở bản Pác Ngòi, bản Bó Lù, Cốc Tộc… có thể phát triển trở thành sản phẩm OCOP. Bởi những mô hình này đều đảm bảo được chỗ nghỉ ngơi, ăn uống; phục vụ tham quan ngắm cảnh; tham gia trải nghiệm những hoạt động thường ngày của người bản xứ; tổ chức được những buổi diễn văn nghệ mang đậm nét văn hóa truyền thống địa phương; những tour đi bộ, đi xe đạp, chèo thuyền kayak trên hồ Ba Bể…

 
Du khách trải nghiệm cuộc sống của người dân xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể

Gần đây, trên địa bàn tỉnh, một số địa phương đang hướng đến phát triển du lịch dựa trên những lợi thế, tiềm năng tại chỗ về cảnh quan thiên nhiên hoặc những vùng có đặc sản địa phương để thu hút du khách như: Mô hình du lịch sinh thái tại hồ Bản Chang, huyện Ngân Sơn; du lịch cộng đồng thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể; du lịch trải nghiệm vườn dâu tây tại xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn... Những mô hình kể trên đều có tiềm năng để phát triển thành sản phẩm OCOP.

Du khách trải nghiệm vườn dâu tây tại xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn

Tuy nhiên, việc xây dựng một sản phẩm du lịch OCOP theo đánh giá của một số địa phương còn nhiều khó khăn. Nhiều người dân đến nay chưa hiểu khái niệm về sản phẩm du lịch OCOP. Các tiêu chí để đánh giá cụ thể đối với sản phẩm du lịch OCOP vẫn chưa được người dân cũng như tổ chức hoạt động về du lịch tiếp cận. Đến thời điểm hiện tại, Bắc Kạn mới chỉ có 2 sản phẩm OCOP du lịch.

Để xây dựng những câu chuyện về các sản phẩm du lịch địa phương thì người nông dân hoặc chính quyền địa phương là nơi nắm rõ nhất nội dung này. Bởi họ mới là người trực tiếp tạo ra sản phẩm, hiểu được câu chuyện về từng sản phẩm nông sản để giới thiệu đến du khách. Với vai trò là cơ quan quản lý các hoạt động về lĩnh vực du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã được giao nhiệm vụ hỗ trợ chủ thể kinh tế, nhóm cộng đồng nghiên cứu phát triển, quảng bá các sản phẩm dịch vụ du lịch gắn với du lịch nông thôn trên cơ sở phát huy thế mạnh về danh lam thắng cảnh, truyền thống văn hóa của các vùng; xây dựng câu chuyện cho sản phẩm OCOP phục vụ công tác phân phối, tiếp thị sản phẩm…

Thực tế cho thấy, khi du lịch phát triển thì sẽ là kênh phân phối, bán các sản phẩm OCOP của địa phương thuận lợi hơn. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng như những cảnh quan thiên nhiên tại nông thôn được duy trì và ngày càng được quản lý tốt hơn. Vì vậy, để phát huy tối đa tiềm năng du lịch sẵn có, trong Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, phát triển dịch vụ du lịch là một trong những nhóm sản phẩm OCOP mà Bắc Kạn muốn hướng tới. Hiện tỉnh đang ưu tiên phát triển du lịch nông thôn, điểm du lịch, trong đó tập trung các loại hình: Du lịch sinh thái, trải nghiệm; du lịch cộng đồng (Vườn Quốc gia Ba Bể, hồ Ba Bể; ATK Chợ Đồn; Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ; Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc; bản Pác Ngòi; động Puông và động Hua Mạ)…/.

Thu Cúc