PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

27/09/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Phục tráng giống bí thơm Ba Bể đảm bảo năng suất cao, chất lượng tốt
Bí thơm Ba Bể được phục tráng lại nguồn giống đã dần bị thoái hóa, góp phần thúc đẩy phát triển vùng sản xuất bí thơm Ba Bể tại địa phương, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Bí thơm ở huyện Ba Bể là giống cây trồng bản địa, có đặc điểm quý là tất cả thân, lá, hoa, quả đều có mùi thơm. Thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch chỉ khoảng 120 ngày, năng suất đạt trên 20 - 40 tấn/ha. Với giá trị sản xuất rất cao, bí thơm đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực giúp người dân huyện Ba Bể nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, thời gian trước, giống bí thơm bản địa đã bị thoái hóa, phân ly, lẫn tạp giống, sâu bệnh hại nhiều, mẫu mã quả không đồng đều, các biện pháp kỹ thuật chủ yếu áp dụng theo kinh nghiệm của người dân dẫn đến năng suất, chất lượng quả giảm. Đặc biệt, thị trường tiêu thụ không ổn định do diện tích trồng tăng đột biến, trọng lượng quả tăng nhưng chất lượng quả giảm gây khó khăn cho đầu ra của sản phẩm.

Trong định hướng phát triển và chuyển dịch cơ cấu cây trồng của huyện Ba Bể đã xác định, cây bí thơm là cây hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Để phát huy các lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và kinh nghiệm sản xuất của người dân nơi đây cần có các biện pháp nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm bí thơm ra thị trường; cần phục tráng lại nguồn giống đã dần bị thoái hóa, ứng dụng khoa học tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm, quảng bá giới thiệu sản phẩm ra thị trường.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã đồng ý cho thực hiện Đề tài khoa học “Phục tráng giống bí thơm Ba Bể đảm bảo năng suất cao, chất lượng tốt”, trong đó giao Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Ba Bể triển khai Đề tài. Đề tài được thực hiện trong thời gian từ tháng 7/2019 - 6/2022 nhằm mục tiêu phục tráng được giống bí thơm Ba Bể; xây dựng mô hình sản xuất giống bí thơm Ba Bể; chuyển giao được kỹ thuật sản xuất giống bí thơm Ba Bể cho địa phương, giúp quản lý tốt giống bí thơm Ba Bể phục vụ cho sản xuất bí hàng hóa.

Sau khi điều tra, đánh giá tình hình sản xuất, khả năng phân bố giống bí thơm Ba Bể và thu thập nguồn vật liệu phục tráng, Đề tài đã thực hiện phục tráng giống bí thơm 4 vụ liên tiếp trong 2 năm 2020 và 2021. Kết quả nghiên cứu đã phục tráng được giống bí thơm Ba Bể mang các đặc trưng quan trọng đúng giống của giống bí thơm địa phương như vỏ quả trơn nhẵn có nhiều phấn trắng, trọng lượng quả trung bình 1,6 - 2 kg/quả, thịt quả dày, có mùi thơm.

Mô hình sản xuất giống bí do HTX Yến Dương thực hiện

Sau phục tráng thành công, Đề tài xây dựng mô hình sản xuất giống bí thơm với quy mô 1 ha, thực hiện trong vụ xuân 2022 tại 2 xã Yến Dương và Địa Linh, huyện Ba Bể. Trong đó, tại xã Yến Dương, mô hình thực hiện ở khu Nà Nghiêu, thôn Khuổi Luồm với viện tích 4.00 m2 do Hợp tác xã Yến Dương thực hiện; tại xã Địa Linh, mô hình thực hiện ở khu Pù Mòn, thôn Nà Đúc với diện tích 5.600 m2 do 6 hộ dân thực hiện. Địa điểm xây dựng mô hình ở cả 2 xã đều nằm biệt lập với khu vực sản xuất bí thơm chính của thôn; mô hình áp dụng quy trình canh tác VIETGAP của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Các hộ được chọn tham gia sản xuất giống bí phải đảm bảo các yêu cầu về nhân lực và điều kiện thâm canh bí thơm; đáp ứng đầy đủ công lao động theo yêu cầu, có diện tích đất trồng bí nằm trong khu vực mô hình, có kinh nghiệm trồng bí thơm. Các hộ tham gia mô hình phải có tính tự nguyện, hợp tác cao, đồng thời cam kết thực hiện đúng quy trình kỹ thuật được hướng dẫn; tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chủ trì và chính quyền địa phương đi kiểm tra, đánh giá và nghiệm thu mô hình; được ký cam kết, công khai trong nhóm và có sự giám sát của trưởng nhóm, cán bộ khuyến nông xã.

Sau khi mô hình sản xuất giống được triển khai thành công, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với đơn vị chủ trì Đề tài, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Bể thu mua và bàn giao khối lượng 5.000 kg giống bí thơm thuộc Đề tài cho 2 xã, trong đó xã Yến Dương 1.500 kg, xã Địa Linh 3.500 kg để bảo quản, chuẩn bị phục vụ sản xuất đại trà.

Giống bí thơm Ba Bể được phục tráng thành công có ý nghĩa rất lớn, là cơ sở để mở rộng diện tích sản xuất giống bí thơm chất lượng cao, góp phần thúc đẩy phát triển vùng sản xuất bí thơm Ba Bể tại địa phương, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Sau khi phục tráng được giống và xây dựng thành công mô hình sản xuất giống, UBND huyện đã chỉ đạo sản xuất bí thơm bằng giống phục tráng đại trà bắt đầu từ vụ xuân năm 2023./.

Hương Dịu