PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

14/03/2018
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Sắc màu văn hóa đặc sắc của lễ hội vùng cao tỉnh Bắc Kạn
Khác với các lễ hội ở vùng đồng bằng, lễ hội xuân vùng Đông Bắc nói chung và tỉnh Bắc Kạn nói riêng mang đậm bản sắc, gắn với những triết lý nhân sinh từ ngàn đời của các dân tộc vùng cao. Lên Bắc Kạn những ngày đầu xuân, không khí rạo rực và tưng bừng của lễ hội xuân khiến lòng người phấn chấn, thêm yêu mến con người, vùng đất nơi đây…

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Khác với các lễ hội ở vùng đồng bằng, lễ hội xuân vùng Đông Bắc nói chung và tỉnh Bắc Kạn nói riêng mang đậm bản sắc, gắn với những triết lý nhân sinh từ ngàn đời của các dân tộc vùng cao. Lên Bắc Kạn những ngày đầu xuân, không khí rạo rực và tưng bừng của lễ hội xuân khiến lòng người phấn chấn, thêm yêu mến con người, vùng đất nơi đây…

Hội Lồng tồng được tổ chức vào đầu xuân, năm mới

Trên những triền núi cao, những bản làng, ven những con suối, các dân tộc như Tày, Nùng, Dao, Mông… luôn gắn bó với núi rừng, với thiên nhiên để tạo dựng cuộc sống. Mỗi khi xuân về, đồng bào tổ chức lễ hội xuân của dân tộc mình để cảm tạ các vị thần linh cai quản núi rừng, sông suối, ruộng đồng và cầu mong các vị sẽ ban cho con người một năm mới no ấm, thóc lúa đầy bồ, trâu ngựa đầy chuồng, con người khỏe mạnh, cỏ cây tươi tốt, mưa thuận gió hòa.

Trong lễ hội Lồng tồng luôn có phần lễ cầu cho mùa màng bội thu, người người no ấm, hạnh phúc

Lễ hội xuân ở vùng cao Bắc Kạn mang đậm bản sắc dân tộc. Đầu tiên phải kể đến lễ hội Lồng tồng nghĩa là xuống đồng của dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh. Đây là lễ hội mang tính chất nghi lễ nông nghiệp cổ xưa, mở đầu cho một mùa sản xuất mới; trong lễ hội có lễ tạ Thành Hoàng, Thần Nông, cầu cho mùa màng bội thu, gia súc phát triển, con người khỏe mạnh, bản làng yên vui, mọi người, mọi nhà ấm no, hạnh phúc…

Trò chơi đánh đu tại phần hội Lồng tồng

Sau một năm lao động vất vả, lễ hội mở ra mang lại những giờ phút nghỉ ngơi, thanh thản, mọi người có điều kiện gặp gỡ thăm hỏi, chúc tụng nhau, đồng thời cũng là dịp giao lưu tình cảm giữa các cô gái, chàng trai bằng những lời hát then sli, lượn…

Lễ hội thường được tổ chức sau dịp Tết, vào khoảng thời gian từ ngày 4 đến ngày 25 tháng Giêng, tùy theo phong tục của từng địa phương mà tổ chức khác ngày nhau và thời gian thường kéo dài trong 3 ngày. Lễ hội Lồng tồng rất phong phú cả về phần lễ và phần hội, có thể xem như một “Bảo tàng sống”, nói lên hoạt động phong phú, sinh động đời sống tâm linh của tộc người.

Các mâm lễ được người dân địa phương chuẩn bị dâng lên tạ ơn trời đất

Trước hết người dân trong bản chuẩn bị mâm lễ gồm những sản vật do bà con làm ra như gà luộc, thịt lợn, xôi ngũ sắc, rượu, bánh dày, bánh chưng, chè lam… tượng trưng cho trời, đất, muông thú để dâng lên Thành hoàng làng, thần núi, thần suối sau một năm làm ăn.

Đi cà kheo thu hút rất đông người tham gia, theo dõi

Sau phần lễ là đến phần hội gồm các trò: Múa Sư tử, múa nộc niệc, tung còn, kéo co, đấu gậy, cờ tướng, bắn nỏ, đi cà kheo... Trong các trò vui chơi của người Tày, Nùng, trò hát then, Sli, lượn thu hút nhiều khách thập phương hơn cả. Các trò này được kéo dài từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc lễ hội với nội dung chủ yếu là hát giao duyên, hát chúc tụng, hát mừng xuân mới, đặc biệt các đôi trai gái thanh niên tìm hiểu nhau sau này trở thành vợ chồng...

Thi làm bánh giày tại lễ hội Lồng tồng

Tiếp đến là lễ hội của của đồng bào Mông, trong đó đặc sắc nhất là Hội Mù Là tại xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm, được tổ chức với mục đích tạ ơn trời đất và cầu cho mùa màng bội thu, thường được tổ chức trên mỏm đồi cao, trung tâm của bản Mông với sự tham gia của đông đảo người dân trong các bản. Đây cũng là dịp để trai gái Mông gặp gỡ, làm quen và kết duyên.

Trò ném còn luôn có trong các lễ hội của người Mông

Đầu tiên, nghi lễ cúng cầu mùa được tiến hành để xua đuổi những điều không may mắn trong năm cũ, cầu mong mưa thuận gió hòa, nhà nhà yên vui, no ấm. Tiếp theo đó phần hội diễn ra nhiều trò chơi dân gian như: Múa khèn, hát giao duyên, ném pao, đấu bò, đánh cù (con quay)…

Đánh cù (con quay) thể hiện sức mạnh và sự khéo léo của những chàng trai người Mông

Múa khèn

Các cô gái dân tộc Mông trong những trang phục sặc sỡ sắc màu ngày xuân xuống Hội

Lễ hội mùa xuân ở vùng cao Bắc Kạn không chỉ mang giá trị văn hóa tâm linh mà còn là dịp để đồng bào gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa mang bản sắc của dân tộc mình, giáo dục thế hệ trẻ biết yêu quý những gì cha ông để lại, gắng sức xây dựng một cuộc sống ấm no và hạnh phúc./.

Thu Cúc