PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

09/09/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm phát triển kinh tế hiệu quả
Tỉnh Bắc Kạn đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững, nhằm phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bảo vệ môi trường, góp phần giảm nghèo và tái cơ cấu kinh tế.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

 Nhà máy sản xuất gạch Tuynel (xã Quân Hà) sản xuất gạch nung công nghệ lò tuynel 

Sản xuất và tiêu dùng bền vững đang là xu thế tất yếu hiện nay. Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 nhằm mục tiêu: Thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Cụ thể hóa Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ (Chương trình), tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh Bắc Kạn đã đề ra mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021 - 2025: Đến năm 2025, tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện nhỏ, năng lượng mặt trời…) đạt khoảng 35 MW chiếm  40% công suất toàn tỉnh, sản lượng điện đạt khoảng 115 triệu KWh; 70% các khu, cụm công nghiệp, làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững; xây dựng, áp dụng 1- 2 mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, phổ biến, nhân rộng các mô hình về sản xuất sạch hơn, các mô hình về sản xuất và tiêu dùng bền vững; 85% các siêu thị, trung tâm thương mại phân phối, sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần cho sản phẩm bao bì từ vật liệu nhựa dùng một lần, khó phân hủy; khuyến khích phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường, được dán nhãn sinh thái...

Để thực hiện có hiệu quả Chương trình, tỉnh Bắc Kạn đã xác định thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, gồm: (1) Quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên; phát triển các nguồn cung năng lượng sơ cấp theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hoá, bảo đảm tính hiệu quả, tin cậy và bền vững; (2) Thúc đẩy sản xuất sạch hơn, nâng cao nhận thức về sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường; (3) Phát triển hệ thống phân phối bền vững, xuất nhập khẩu bền vững; (4) Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phát triển thị trường, tăng cường giáo dục và thực hành lối sống bền vững; (5) Phát triển khoa học công nghệ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Trong công tác thông tin tuyên truyền, từ tháng 6/2021, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện với đa dạng các hình thức phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đối tượng, địa phương. Nội dung tập trung tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về sản xuất và tiêu dùng bền vững; thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng mô hình, liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm; hướng dẫn người dân thực hành tốt về mua sắm xanh, thực hành lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên và bảo vệ môi trường…

Bí xanh thơm của HTX Yến Dương, huyện Ba Bể được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ 

Thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, tỉnh Bắc Kạn hỗ trợ triển khai và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển mạng lưới liên kết bền vững giữa sản xuất tiểu thủ công nghiệp và sản xuất công nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực nhằm thực hiện các yêu cầu, quy định kỹ thuật về môi trường và phát triển bền vững của các bên liên quan trong chuỗi. Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo các ngành chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ triển khai và nhân rộng các mô hình về chuỗi cung ứng sản phẩm bền vững, chuỗi cung ứng gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm; các mô hình nông nghiệp hữu cơ, mô hình nuôi trồng bền vững. Tỉnh cũng đã và đang đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thông qua các đề tài/dự án khoa học công nghệ.

Thực tế hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đã xóa bỏ hoàn toàn các lò gạch nung thủ công, thay vào đó là phát triển các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, gạch không nung. Xác định sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, Bắc Kạn đã và đang tập trung hỗ trợ các hợp tác xã (HTX) tham gia mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ năm 2018 - 2020, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 158 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ 6 HTX tham gia xây dựng mô hình HTX kiểu mới sản xuất gắn với chuỗi giá trị… Theo Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2035”, tỉnh Bắc Kạn đã đưa ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, có 40% các sản phẩm nông lâm nghiệp chủ lực (gỗ, dược liệu, cam, quýt, hồng không hạt, trâu, bò, lợn, miến dong, chè) có truy suất nguồn gốc và đạt các tiêu chuẩn hữu cơ hoặc VietGap, tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững hoặc FSC; 30% sản phẩm miến dong đạt tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ... Đến nay, toàn tỉnh đã có 131 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên; có 46 ha cam, quýt đạt tiêu chuẩn VietGAP; 224 ha cây chè đạt tiêu chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm, VietGap…

Với sự đồng thuận và vào cuộc của các cấp, các ngành trong sản xuất và tiêu dùng bền vững, tỉnh Bắc Kạn sẽ quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên, nhiên liệu; tạo việc làm ổn định, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất  lượng cuộc sống của người dân./.

Hương Dịu