PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

01/07/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tăng cường công tác phòng ngừa, xử lý tình trạng bạo lực học đường
UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 4157/UBND-NCPC chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương tăng cường công tác phòng ngừa, xử lý tình trạng bạo lực học đường.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Từ tháng 3/2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ bạo lực học đường tại thành phố Bắc Kạn và các huyện Chợ Đồn, Chợ Mới. Nguyên nhân chủ yếu là do mâu thuẫn cá nhân trong học tập, sinh hoạt… Đáng chú ý, một số vụ được chụp ảnh hoặc quay video và đăng tải trên các trang mạng xã hội gây ảnh hưởng tâm lý đối với các bậc phụ huynh, học sinh. Đây là vấn đề đáng lo ngại và gây bức xúc trong dư luận, nếu không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển nhân cách, năng lực của học sinh, ảnh hưởng xấu đối với môi trường giáo dục, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật, xâm hại sức khỏe, tính mạng của học sinh.

Để tăng cường công tác phòng ngừa, xử lý kịp thời các hành vi bạo lực học đường, UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền tại các trường học trên địa bàn về hậu quả của các hành vi bạo lực học đường; thủ đoạn của các loại tội phạm liên quan đến học đường; phát động gia đình, nhà trường, xã hội và Nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật nói chung và liên quan đến bạo lực học đường nói riêng. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn khu vực trường học. Chỉ đạo Công an các cấp kịp thời tiếp nhận, giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến bạo lực học đường; tăng cường công tác nắm tình hình trên không gian mạng, kịp thời phát hiện, trao đổi, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý các hành vi bạo lực học đường.

Sở Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường lồng ghép trong chương trình chính khoá đối với một số môn học ở trường và lồng ghép trong các hoạt động giáo dục ngoại khoá, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh gắn với việc triển khai Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030” trong ngành Giáo dục và Đào tạo. Tăng cường công tác quản lý, giáo dục học sinh tại các trường học trên địa bàn; chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với cha mẹ học sinh và chính quyền, các đoàn thể ở địa phương trong công tác phòng, chống các hành vi bạo lực học đường, kịp thời phát hiện các vụ bạo lực học đường để phối hợp với lực lượng chức năng và gia đình học sinh giải quyết. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng xử lý tình huống cho cán bộ, giáo viên về nội dung, biện pháp giáo dục, tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường. Hướng dẫn, trang bị cho học sinh các kỹ năng sử dụng mạng Internet an toàn, lành mạnh, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, nâng cao chất lượng, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em, đặc biệt là phòng, chống xâm hại trẻ em. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các giải pháp nhằm đảm bảo môi trường thân thiện, không bạo lực trong trường học. Phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục, tư vấn, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, trường học về phòng ngừa bạo lực học đường có sự tham gia của cộng đồng, các thành viên gia đình, giáo viên và học sinh.

Sở Tư pháp chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước kịp thời thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý cho những học sinh thuộc diện được trợ giúp pháp lý và có nhu cầu trợ giúp pháp lý; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra đối với các hoạt động trợ giúp pháp lý cho học sinh trên địa bàn tỉnh.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí địa phương triển khai hiệu quả các biện pháp tuyên truyền về xây dựng văn hóa học đường; tổ chức xây dựng các chuyên mục, chuyên đề về các nội dung của công tác giáo dục văn hóa học đường; tăng cường lan tỏa tấm gương người tốt, việc tốt của học sinh tại các trường học. Kiểm soát chặt chẽ các ấn phẩm văn hóa có yếu tố bạo lực để kịp thời ngăn chặn thông tin xấu độc trên không gian mạng làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường văn hóa học đường.

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch hướng dẫn các địa phương sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa ở cơ sở, có cơ chế để học sinh tại các trường học được hưởng chế độ ưu tiên khi vui chơi, tham quan tại các công trình văn hóa, sử dụng khu vực thể thao, sân chơi, bãi tập công cộng. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng nội dung, chương trình, hướng dẫn các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao vui tươi, lành mạnh cho học sinh và bảo đảm các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc. Tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục việc thực hiện nếp sống văn hóa trong gia đình, nêu cao trách nhiệm của cha mẹ, ông bà trong giáo dục đạo đức, lối sống cho con cháu; triển khai có hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập tại thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” và Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng”.

Sở Y tế kịp thời chăm sóc, hướng dẫn chăm sóc y tế; ưu tiên khám, chữa bệnh đối với học sinh là nạn nhân của bạo lực học đường.

Sở Tài chính phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu bố trí kinh phí trong dự toán chi thường xuyên hằng năm cho công tác xây dựng văn hóa học đường nói chung và bạo lực học đường nói riêng.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, chính sách liên quan đến phòng, chống bạo lực học đường, nâng cao nhận thức về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và thực hiện quyền ở địa phương đối với học sinh. Vận động Nhân dân tham gia phát hiện, tố giác hành vi bạo lực học đường ở địa bàn dân cư; chủ động, tích cực tham gia giám sát việc thực hiện các quyền lợi và nghĩa vụ trong công tác chăm sóc và giáo dục học sinh ở cộng đồng.

Tỉnh đoàn chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, chính quyền địa phương các cấp trong việc vận động, giáo dục đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia công tác bảo vệ học sinh; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và xã hội bổ ích cho học sinh trong trường học và trên địa bàn dân cư, góp phần phòng ngừa bạo lực và các vi phạm pháp luật ở lứa tuổi thanh, thiếu niên.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời phát hiện, phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp đối với các vụ việc vi phạm pháp quyền, lợi ích hợp pháp của học sinh, đặc biệt là đối với các vụ việc nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận. Các cấp Hội phụ nữ nâng cao trách nhiệm quan tâm, chăm sóc, bảo vệ đối với học sinh là nữ giới; tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền về phòng, chống bạo lực học đường tại các cơ sở Hội.

UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND cấp xã triển khai, thực hiện nghiêm túc các văn bản liên quan đến phòng, chống bạo lực học đường; nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền các cấp đối với công tác bảo vệ và chăm sóc những học sinh bị bạo lực; xây dựng kế hoạch thực hiện nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu mức thấp nhất tình trạng bạo lực học đường trên địa bàn. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục, gia đình, học sinh về mối nguy hiểm và hậu quả của bạo lực học đường. Triển khai việc bảo đảm quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường theo phân cấp quản lý. Chỉ đạo lực lượng Công an cùng cấp tăng cường công tác nắm tình hình, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn khu vực cơ sở giáo dục; tiếp nhận, điều tra và xử lý các vụ bạo lực học đường xảy ra trên địa bàn. Tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường./.

Bích Huệ