PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

12/09/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Kết nối các điểm du lịch về nguồn
Vùng An toàn khu (ATK) trải dài ở 3 tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn gắn với nhiều sự kiện lịch sử, hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo Ðảng, Nhà nước trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Ðây không chỉ là “địa chỉ đỏ” về nguồn mà còn sở hữu tiềm năng du lịch lịch sử.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Vùng ATK Việt Bắc với nhiều địa danh nổi tiếng đã ghi vào lịch sử đó là 3 khu di tích quốc gia đặc biệt, gồm: ATK Tân Trào (Tuyên Quang), ATK Ðịnh Hóa (Thái Nguyên) và ATK Chợ Ðồn (Bắc Kạn). Những địa danh này là nơi ở, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Ðảng, Chính phủ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Tại đây, Trung ương Ðảng, Bác Hồ đã đưa ra nhiều quyết sách liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc, đỉnh cao là chiến thắng Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Tuy nhiên so với Ðịnh Hóa, Tân Trào, thì ATK Chợ Ðồn được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt muộn hơn nên quá trình đầu tư tôn tạo, tu bổ ở đây cũng diễn ra chậm hơn. Ðiểm nghẽn lớn nhất khiến du khách ngại đến đây là giao thông cách trở, đường hư hỏng nặng.

Từ năm 2020, tỉnh Bắc Kạn đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 3C, tuyến đường độc đạo đi xuyên qua ATK Chợ Ðồn. Có đường thông thoáng đã góp phần thu hút lượng khách đến tham quan tăng hơn. Hiện nay, tỉnh đang tích cực hoàn thiện xây dựng Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Ðồn để trình Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch sẽ là căn cứ để triển khai đầu tư tu bổ, tôn tạo bài bản, phát huy giá trị của các di tích trong khu ATK. Ngoài ra, tỉnh cũng nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ nhiều tỉnh, thành phố, bộ, ngành, nhất là từ Thành phố Hồ Chí Minh.

Nghi thức công bố sản phẩm mới du lịch trong liên kết vùng 6 tỉnh Việt Bắc tại Chương trình du lịch "Qua những
miền di sản Việt Bắc" năm 2022 (Ảnh tư liệu)

Song song với đó, thời gian qua, 3 tỉnh đã tập trung kết nối các tua, tuyến du lịch trên hành trình “Qua những miền di sản Việt Bắc”. Ðây là hoạt động được tổ chức luân phiên tại 6 tỉnh Việt Bắc gồm Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang và Thái Nguyên. Chương trình là dịp để các tỉnh vùng Việt Bắc quảng bá về vùng đất và con người, tiềm năng cũng như các sản phẩm du lịch đến với các nhà đầu tư, du khách thập phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng cho biết, nếu từng tỉnh tự xây dựng sản phẩm, tự quảng bá, tự tìm kiếm và phát triển du lịch thì rất khó. Vì thế, việc liên kết vẫn hết sức quan trọng. Muốn phát triển du lịch phải phát triển hạ tầng giao thông, việc này cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành. Bên cạnh đó, cần có các quy hoạch, thậm chí quy hoạch liên vùng để có các điểm dừng chân phù hợp. Việc xây dựng tour, tuyến gắn với thực tiễn, đa dạng với sự phối hợp của các tỉnh trong vùng và các công ty lữ hành. Ví dụ hình thành các tuyến Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên - Tuyên Quang với tour hành trình theo chân Bác, các tour về nguồn độc đáo sẽ hấp dẫn du khách trong nước, quốc tế. Bên cạnh đó, các tỉnh kết nối ngay với App du lịch thông minh của Tổng cục Du lịch và xây dựng App chung của 6 tỉnh thì khách du lịch sẽ tiếp cận điểm đến, tìm kiếm thông tin dễ hơn, đồng thời sẽ có nhiều nhà đầu tư tìm đến các tỉnh Việt Bắc và có các dự án tâm huyết, phát triển xanh, bền vững ở đây.

Ðể tăng cường liên kết, nhất là liên kết khai thác, phát triển du lịch, 3 tỉnh đang tập trung triển khai Quy hoạch xây dựng vùng chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang - Bắc Kạn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2016. Theo đó, phạm vi vùng chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh này có quy mô diện tích khoảng 5.692 km2, là cơ sở đầu tư liên kết cùng phát triển. Trong đó, 3 tỉnh tập trung đẩy mạnh hoạt động kết nối để hình thành các sản phẩm du lịch liên kết đặc trưng, mang đến những trải nghiệm đa dạng cho du khách về truyền thống cách mạng, nghiên cứu, trải nghiệm, tham quan, nghỉ dưỡng, sinh thái, văn hóa tín ngưỡng.

Ðể đón tiếp, thu hút du khách, Ban Quản lý Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Ðịnh Hóa đã triển khai việc khai thác, sưu tầm tài liệu, hiện vật kháng chiến và hiện vật dân tộc tại huyện Chợ Ðồn (Bắc Kạn); tổ chức các hoạt động “Trải nghiệm về nguồn ATK Ðịnh Hóa - Thủ đô gió ngàn”; phối hợp với tỉnh Tuyên Quang tổ chức chương trình trải nghiệm khám phá, trải nghiệm Núi Hồng; khai trương sản phẩm du lịch bơi mảng tại hồ Nà Nưa; xây dựng tua du lịch kết nối khách du lịch đến với 3 tỉnh. Bên vùng phụ cận ATK, 3 tỉnh cũng tập trung phát triển các điểm đến du lịch sinh thái để tạo sự đa dạng trong du lịch về nguồn. Vùng phụ cận đã hình thành một số khu, điểm du lịch thu hút khách.

Ðể kết nối, trước mắt tỉnh Thái Nguyên đã mạnh dạn nâng cấp, cải tạo đường kết nối từ Ðịnh Hóa đến Chợ Mới và Chợ Ðồn. Trong khi đó, địa phương khó khăn như Bắc Kạn cũng đã quyết tâm kiến nghị và được đầu tư cao tốc hoàn thiện kết nối với Thái Nguyên, tạo hành lang du lịch liên kết vùng. Ðặc biệt từ năm 2022, Bắc Kạn phối hợp với Tuyên Quang mở đường giao thông kết nối du lịch từ Ba Bể đi Na Hang. Việc kết nối được định hướng sẽ mở rộng ra cả vùng miền núi phía Bắc và kết nối với vùng Hà Nội.

Nhìn nhận một cách toàn diện về những khó khăn, thách thức, xác định rõ điểm nghẽn cần khơi thông, tin tưởng rằng các tỉnh sẽ có những bước đi vững chắc trong việc xây dựng sản phẩm, phát triển liên kết du lịch vùng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của các tỉnh trong vùng Chiến khu Việt Bắc./.

Thu Trang