PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

08/01/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tăng cường kiểm soát kê đơn và bán thuốc kê đơn trên địa bàn tỉnh
Thực hiện Đề án Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, ngành Y tế Bắc Kạn đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, giảm tình trạng kháng kháng sinh, lạm dụng thuốc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Ảnh. Khám bệnh cho người dân tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh ta, việc mua, bán thuốc, trong đó có thuốc kháng sinh không có đơn vẫn diễn ra phổ biến. Việc làm này dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, tăng chi phí cho người bệnh, đặc biệt dẫn tới tình trạng kháng thuốc, gây khó khăn trong vấn đề điều trị lâu dài. Trước thực trạng đó, ngành Y tế đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm kiểm soát chặt chẽ việc kê đơn và bán thuốc kê đơn trên địa bàn tỉnh. 

Từ năm 2019, ngành Y tế đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về một số nội dung: Sử dụng thuốc an toàn, hợp lý; các nguy cơ khi sử dụng kháng sinh không hợp lý; hậu quả việc lạm dụng kháng sinh... Về hình thức, Ngành triển khai truyền thông gián tiếp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và đăng trên Bản tin “Y tế Bắc Kạn”, đồng thời, xây dựng và in ấn 123 áp phích tuyên truyền về "Lạm dụng kháng sinh và hậu quả" cung cấp cho các đơn vị. Nhờ đó, cộng đồng được nâng cao kiến thức, kỹ năng trong sử dụng thuốc nói chung và thuốc kháng sinh nói riêng để bảo vệ sức khỏe.

Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, Ngành đã triển khai tập huấn phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, hướng dẫn sử dụng kháng sinh cho 120 bác sĩ trực tiếp kê đơn thuốc và 315 dược sĩ phụ trách chuyên môn và người bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý kinh doanh thuốc; tổ chức nhiều hội nghị tập huấn sử dụng phần mềm quản lý cho các nhà thuốc, quầy thuốc. Đến nay, 100% cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh được cấp mã liên thông phần mềm quản lý nhà thuốc với hệ thống Cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia.

Sau hơn một năm triển khai Đề án, thực trạng kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn tại các nhà thuốc đã có những chuyển biến tích cực. Có 93,2% người bán thuốc đã chủ động tư vấn khách hàng đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và có đơn thuốc điều trị phù hợp, nhất là đối với các loại thuốc kháng sinh. Các cơ sở khám, chữa bệnh đã chủ động hoàn thiện hệ thống kê đơn điện tử. Việc kê đơn thuốc của bác sĩ phù hợp với chẩn đoán, tuân thủ hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế. Người mua thuốc được nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi về các vấn đề có liên quan đến kháng sinh. Vì vậy, 80% người dân đã chủ động đi khám bác sĩ sau khi được người bán thuốc tư vấn, thuyết phục.

Mặc dù trên địa bàn tỉnh, đôi khi vẫn còn nhiều đơn thuốc thiếu thông tin, cách ghi tên thuốc chưa đúng quy định, đặc biệt vẫn còn tình trạng kê thực phẩm chức năng trong đơn thuốc... song có thể thấy rằng, sau khi triển khai các giải pháp tăng cường kiểm soát kê đơn và bán thuốc kê đơn, nhận thức của cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên đáng kể. Người kê đơn và người bán thuốc cũng nhận thức được rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình. Nhờ đó, làm giảm tình trạng lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho Nhân dân./.

Ngọc Tú