PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

19/05/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tháng 5 về ATK Chợ Đồn
Giữa những ngày tháng 5, chúng tôi có dịp về ATK Chợ Đồn - mảnh đất giàu truyền thống cách mạng đang phát triển mạnh mẽ. Căn cứ cách mạng một thời nay dần trở thành một vùng nông thôn mới đầy khởi sắc.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Cứ mỗi độ tháng 5 về, mỗi người dân Việt Nam đều nhớ đến ngày sinh nhật Bác với tấm lòng trân trọng, thành kính và biết ơn sâu sắc. Người đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, hy sinh tất cả vì nước, vì dân, với mục tiêu cao cả là đất nước được độc lập, tự do, đời sống Nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng của mình, Bác đã đi khắp 5 Châu, 4 Biển. Bắc Kạn vinh dự và tự hào khi được Bác Hồ nhiều lần đến thăm. Càng vinh dự hơn khi mảnh đất ATK Chợ Đồn được Đảng và Bác Hồ chọn làm căn cứ địa cách mạng tuyệt mật để hoạt động trong kháng chiến chống Pháp.

Ghi nhận sự đóng góp của mảnh đất và con người trong những năm tháng lịch sử đó, năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định công nhận xã An toàn khu, vùng An toàn khu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Theo đó, công nhận 7 xã gồm: Xã Bản Thi, xã Bình Trung, xã Nghĩa Tá, xã Lương Bằng, xã Bằng Lãng, xã Yên Thượng, xã Yên Thịnh thuộc huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn là các xã An toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đồng thời, công nhận huyện Chợ Đồn là vùng An toàn khu của Trung ương đặt ở tỉnh Bắc Kạn.

Huyện Chợ Đồn là vùng An toàn khu của Trung ương đặt ở tỉnh Bắc Kạn

Đến thị trấn Bằng Lũng những ngày này, ta đều bắt gặp khắp các ngả đường cờ hoa rực rỡ khi Chợ Đồn đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Nổi bật giữa màu xanh ngút ngàn của rừng cây là biểu tượng ATK Chợ Đồn.

Từ thị trấn Bằng Lũng theo đường Tỉnh lộ 254 (nay là Quốc lộ 3C), chúng tôi đến Lương Bằng - nơi được Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ chọn để đặt đại bản doanh cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954). Con đường bê tông nhỏ đưa chúng tôi vào Di tích Nà Pậu, nơi Bác Hồ đã sống và làm việc đầu năm 1951. Chiếc lán nhỏ lợp cọ năm xưa Bác đã ngồi làm việc vẫn in hình bóng Người. Tại đây, Bác đã viết nhiều bức thư và điện mừng gửi các cơ quan, đoàn thể trong và ngoài nước.

Ngoài đồi Nà Pậu, xã Lương Bằng còn có đồi Khau Mạ là nơi ở và làm việc của đồng chí Phạm Văn Đồng và Văn phòng Chính phủ năm 1950 - 1951. Nhiều cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ thời điểm đó đã đóng tại Lương Bằng như Đài Phát thanh đóng tại Bó Lọn (Nà Đang - thôn Búc Duộng); Đại sứ quán Trung Quốc đóng ở Nà Khoác. Lương Bằng còn là nơi đặt trụ sở của Văn phòng báo Miên - Lào, Cơ quan biên tập và nhà in báo Sự Thật ở Bản Diếu và Bản Mòn năm 1950 - 1951; Kho bạc Trung ương, nơi ở và làm việc của Bác Hồ, Văn phòng Chính phủ năm 1946, xưởng chế tạo vũ khí ở Bó Lọn…

Phát huy truyền thống cách mạng, Nhân dân các dân tộc xã Lương Bằng những năm qua luôn ra sức thi đua phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện.

Điểm dừng chân tiếp theo trong hành trình về với ATK Chợ Đồn, chúng tôi đến xã Nghĩa Tá - nơi ghi dấu những sự kiện đặc biệt quan trọng trong quá trình lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Những tên núi, tên bản làng ở Nghĩa Tá đã đi vào trang sử vẻ vang của dân tộc như: Đồi Pù Cọ tại thôn Bản Bẳng - đây là nơi ghi dấu sự kiện 2 đoàn quân Nam tiến và Bắc tiến gặp nhau, khai thông con đường “Nam tiến”, nối liền các cơ sở hoạt động cách mạng của ta từ miền núi đến miền xuôi. Địa danh Khuổi Linh tại thôn Nà Đeng đã trở thành niềm tự hào của mỗi người dân Nghĩa Tá, bởi nơi đây vinh dự được che trở, đùm bọc, giúp đỡ và chứng kiến những hoạt động cách mạng của đồng chí Trường Chinh (1950 - 1951). Địa danh thôn Nà Kiến là nơi bế giảng khóa 2, 3 Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn vào tháng 10/1947. Nơi ở làm việc của cơ quan Báo Sự thật từ năm 1948 đến năm 1953 tại Khuổi Đăm, thôn Nà Khằn. Bác Hồ đã dừng chân nghỉ ba ngày tại Nà Pay, thôn Nà Kiến khi từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào vào tháng 5/1945...

Nghĩa Tá hôm nay đang trên đà phát triển, các tuyến đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, bà con Nhân dân tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế, chăn nuôi, trồng trọt… Vừa qua, xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là vinh dự và tự hào của mảnh đất, con người nơi vùng quê cách mạng, là điều kiện để địa phương phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tiếp theo.

Khép lại hành trình tháng 5, chúng tôi đến Bản Ca, thuộc xã Bình Trung. Ngược dòng lịch sử, năm 1947, bà con thôn Bản Ca vui mừng được đón Bác Hồ đến ở và làm việc. Ban đầu, Bác chọn dựng lán ở đầu suối Bản Ca, sau một thời gian, Bác cho dựng lán nứa trên đồi Khau Phay. Địa điểm này rất gần với dân cư Bản Ca. Tại đây, Bác đã ra nhiều sắc lệnh, thư từ, lời kêu gọi đồng bào cả nước hướng vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Di tích Bản Ca thuộc xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn - Nơi Bác Hồ đã ở và làm việc năm 1947

Trong kháng chiến, Bình Trung tự hào là căn cứ địa để các đồng chí lãnh đạo Đảng, các cơ quan đóng trên địa bàn hoạt động an toàn. Ngoài Bản Ca còn có Khe Khuổi Tói (Bản Nà Quân) là nơi ở và làm việc của Bác Hồ trong những năm 1948 - 1953. Đồi cọ Nà Phầy - nơi ở và làm việc của đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những năm 1948 - 1953. Bản Pèo, Khuổi Chang, nơi Bác Hồ đã ở và làm việc từ ngày 12/5 đến ngày 01/6/1949…

Bản Ca nay đã đổi thay nhiều, với lợi thế về lâm nghiệp, thu nhập từ khai thác rừng trồng và lâm sản phụ đã giúp nhiều hộ ở Bản Ca làm giàu hiệu quả… Bản Ca hôm nay đã khoác trên mình tấm áo mới, cùng với màu xanh ngút ngàn của rừng trồng là những ngôi nhà mới thấp thoáng hiện ra, đường làng được bê tông hóa giúp cho việc đi lại được thuận tiện, cuộc sống của người dân ngày càng thêm no ấm.

Kết thúc hành trình về với ATK Chợ Đồn, chúng tôi không khỏi tự hào, xúc động khi được tìm hiểu thêm về mảnh đất, con người vùng quê cách mạng, về nơi vị lãnh tụ kính yêu đã ở và làm việc một thời kháng chiến chống Pháp. Hiện nay, tỉnh và huyện Chợ Đồn đang từng bước đầu tư tôn tạo các hạng mục và đầu tư hạ tầng xứng tầm để phục vụ du lịch. ATK Chợ Đồn có khả năng kết nối tour, tuyến du lịch từ ATK Định Hóa thuộc tỉnh Thái Nguyên, ATK Tân Trào thuộc tỉnh Tuyên Quang và khu du lịch Ba Bể tương đối thuận lợi. Quần thể di tích này được xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt từ năm 2016 đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng, góp phần khơi dậy niềm tự hào của dân tộc, là điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình khám phá văn hóa lịch sử của mỗi du khách./.

Hương Lan