PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

31/05/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử tại Bắc Kạn phấn đấu đạt 35% vào năm 2025
Đây là một trong những mục tiêu của Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn UBND tỉnh vừa ban hành trong tháng 4/2022.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tạo thuận tiện cho người dân trên địa bàn tỉnh (Ảnh minh họa)

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn, năm 2021, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh có sự phát triển, cơ sở hạ tầng cho thanh toán tiếp tục được mở rộng. Tại thời điểm 31/12/2021, trên địa bàn tỉnh có 33 ATM (tăng 6,5% so với cuối 2020), 75 POS (giảm 7,4% so với cuối năm 2020), gần 140.000 thẻ thanh toán, hơn 125.000 tài khoản ngân hàng. Các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trực tuyến, phương thức thanh toán điện tử được thực hiện qua thông qua nhiều kênh thanh toán, như: Internet, điện thoại di động thông minh, ATM, POS tăng nhanh. Trong năm, đã có hơn 2,5 triệu giao dịch với giá trị hơn 18.966 tỷ đồng được thực hiện qua kênh ATM, POS, internet và điện thoại di động thông minh.

Cùng với mở rộng mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, điểm giao dịch, các phương tiện, dịch vụ thanh toán của các đơn vị được vận hành thông suốt, ổn định, khả năng xử lý các giao dịch thanh toán với tốc độ cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu giao dịch thanh toán, chuyển tiền bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện, chính xác, an toàn và bảo mật cao.

Để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong giai đoạn tiếp theo, trong Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2025, từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 35%; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 1.500 điểm.

Đối với dịch vụ công: Từ 90 - 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 100% các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh triển khai thanh toán học phí trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; 60% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, số người hưởng trợ cấp thất nghiệp khu vực thành phố, thị trấn được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 80% khách hàng thanh toán tiền điện, khách hàng thanh toán tiền nước bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt...

Theo đó, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai kịp thời các cơ chế chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh; ứng dụng các dịch vụ thanh toán hiện đại, thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0. Phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên nền tảng số hoá, đảm bảo an toàn, bảo mật, mang lại sự thuận tiện cho người sử dụng. Phát triển thanh toán điện tử trong thương mại điện tử. Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tăng cường triển khai thu, chi ngân sách nhà nước bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tăng cường kết nối giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán với Hệ thống một cửa của tỉnh nhằm đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện thanh toán điện tử đối với các khoản phí, lệ phí, thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, viện phí.

Các đơn vị cung ứng dịch vụ công (bao gồm các cơ sở y tế, giáo dục) xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu để kết nối, chia sẻ thông tin với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán để phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy mạnh triển khai kết nối và cung cấp dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh. Khuyến khích các trường học, bệnh viện, công ty điện, nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện,... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đang tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp để hoàn thiện hạ tầng, cơ sở dữ liệu, thúc đẩy thanh toán điện tử trong các chương trình trợ cấp an sinh xã hội, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.

Với vai trò là cơ quan đầu mối, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành, các cơ quan có liên quan tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ. Chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc các Chi nhánh tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh việc triển khai, ứng dụng công nghệ thanh toán hiện đại với chi phí hợp lý, tốc độ thanh toán nhanh, đơn giản, tiện dụng và chất lượng cao. Lựa chọn mô hình phù hợp, từng bước cân đối phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán qua ngân hàng giữa thành thị và nông thôn, tạo nền tảng vững chắc để xã hội hóa giao dịch, thanh toán và thương mại điện tử.../.

Hương Lan