PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

04/06/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Thế giới tuần qua: Mỹ tránh được nguy cơ vỡ nợ
Trong bức tranh thế giới toàn cảnh tuần qua (29/5 – 4/6), việc Thượng viện Mỹ thông qua dự luật đình chỉ chính sách áp dụng trần nợ công, qua đó tránh được thảm họa vỡ nợ đầu tiên trong lịch sử nước này, được xem là sự kiện nổi bật nhất.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Trong bức tranh thế giới toàn cảnh tuần qua (29/5 – 4/6), việc Thượng viện Mỹ thông qua dự luật đình chỉ chính sách áp dụng trần nợ công, qua đó tránh được thảm họa vỡ nợ đầu tiên trong lịch sử nước này, được xem là sự kiện nổi bật nhất.

Mỹ tránh được nguy cơ vỡ nợ

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy trả lời báo chí sau khi Hạ viện thông qua dự luật về trần nợ công. (Ảnh: AFP) 

Tối 1/6, với 63 phiếu thuận và 36 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật đình chỉ chính sách áp dụng trần nợ công, qua đó tránh được thảm họa vỡ nợ đầu tiên trong lịch sử nước này.

Trong một thông báo, Tổng thống Joe Biden đánh giá cao hành động kịp thời của Quốc hội, nhấn mạnh: “Thỏa thuận lưỡng đảng này là chiến thắng lớn cho nền kinh tế và người dân”. Ông J.Biden cũng tuyên bố sẽ ký ban hành luật sớm nhất có thể. 

Dự luật về trần nợ sẽ được ký ban hành luật vào thời điểm không lâu trước thời hạn chót ngày 5/6 như cảnh báo của Bộ Tài chính Mỹ để các bên đạt được thỏa thuận đình chỉ áp mức trần nợ 31.400 tỷ USD trước khi ngân sách liên bang cạn kiệt.

Trước đó, với 314 phiếu thuận và 117 phiếu chống, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật nói trên và chuyển lên Thượng viện xem xét. Tổng thống J.Biden đã hối thúc Thượng viện nhanh chóng thông qua dự luật để ông có thể ký ban hành luật.

Ngày 27/5 vừa qua, sau nhiều tuần đàm phán, Tổng thống J.Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã đạt được thỏa thuận. Theo nội dung thỏa thuận, hai bên nhất trí đình chỉ áp mức trần nợ 31.400 tỷ USD trong hai năm, đến ngày 1/1/2025; giới hạn chi tiêu ngân sách năm tài chính 2024 và 2025, theo đó, trong năm tài chính 2024, cấp 886 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng và 704 tỷ USD cho các hạng mục không thuộc lĩnh vực quốc phòng. Như vậy, chi tiêu ngoài lĩnh vực quốc phòng nói chung không thay đổi trong tài khóa 2024. Hai bên nhất trí tăng 1% chi tiêu ngoài lĩnh vực quốc phòng trong tài khóa 2025. Ngoài ra, hai bên nhất trí thu hồi quỹ COVID-19 chưa sử dụng; đẩy nhanh quá trình cấp phép cho một số dự án năng lượng và tăng thêm điều kiện đối với các chương trình dành cho người nghèo.

Hội đồng Bảo an LHQ gia hạn lệnh trừng phạt đối với Nam Sudan

Người tị nạn xếp hàng chờ nhận lương thực cứu trợ tại Gumuruk, Nam Sudan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), ngày 30/5, đã thông qua nghị quyết gia hạn thêm một năm, đến ngày 31/5/2024, các biện pháp cấm vận vũ khí, cũng như các lệnh trừng phạt cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với các cá nhân, thực thể của Nam Sudan.

Nghị quyết 2683 được thông qua cũng quyết định gia hạn nhiệm vụ của Hội đồng chuyên gia hỗ trợ công việc của Ủy ban trừng phạt Nam Sudan, đến ngày 1/7/2024.

Nghị quyết này yêu cầu Tổng thư ký LHQ, với sự tham vấn chặt chẽ của Phái bộ Gìn giữ hòa bình của LHQ tại Nam Sudan (UNMISS) và Hội đồng chuyên gia, đánh giá tiến độ đạt được các nội dung chính được nêu trong Nghị quyết 2577 đã thông qua vào năm 2021. Thời hạn chót của việc đánh giá này là ngày 15/4/2024. 

Nghị quyết 2683 cũng yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền của Nam Sudan, vào cùng ngày, báo cáo cho Ủy ban Xử phạt về tiến độ đạt được trong vấn đề này. 

Tổng thống Ukraine ra "tối hậu thư" với NATO

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. (Ảnh: AFP)

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có động thái được xem là ra "tối hậu thư" đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong việc kết nạp Kiev làm thành viên mới của liên minh quân sự này. Theo đó, Tổng thống Zelensky sẽ không tham dự hội nghị NATO được tổ chức tại Vilnius (Litva) vào tháng 7 tới, nếu NATO không đưa ra lộ trình cụ thể để giúp Ukraine trở thành thành viên chính thức của khối.

Trước đó, phát biểu với những người đồng cấp NATO, Ngoại trưởng Ukraine, ông Dmytro Kuleba đã kêu gọi khối này đảm bảo an ninh cho Ukraine trên con đường gia nhập liên minh. Theo quan chức Kiev, hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7 tới cần tăng mối quan hệ thể chế giữa Ukraine và tổ chức quân sự này.

Đến nay, NATO chưa chấp thuận đề nghị của Ukraine là sớm gia nhập liên minh quân sự này do một số quốc gia thành viên cảnh giác với những động thái mà họ lo ngại có nguy cơ đưa NATO tới gần hơn một cuộc xung đột với Nga.

Ukraine dự kiến đưa ra một "thông điệp rõ ràng" tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở thủ đô Vilnius, rằng Kiev sẽ gia nhập liên minh quân sự này sau khi cuộc xung đột với Nga kết thúc. Ukraine thừa nhận sẽ không gia nhập NATO khi đang xảy ra xung đột trên lãnh thổ nước này, nhưng muốn liên minh quân sự có hành động vượt ra ngoài cam kết từng đưa ra năm 2008 rằng sẽ kết nạp Kiev vào một thời điểm nào đó.

Nga sẽ tham gia Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở cấp độ phù hợp

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: AFP)

Ngày 30/5, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi lớn (BRICS) ở cấp độ phù hợp.

Trả lời câu hỏi liệu Tổng thống Vladimir Putin có tham gia Hội nghị thượng đỉnh BRICS sẽ diễn ra tại Nam Phi vào cuối tháng 8 hay không, ông Dmitry Peskov cho biết: "Nga sẽ cử đại diện tham gia Hội nghị thượng đỉnh này ở mức độ phù hợp".

Tuần trước, ông Peskov từng tuyên bố chưa có quyết định về việc Tổng thống Putin sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS theo hình thức nào.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS, gồm các quốc gia: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, dự kiến sẽ diễn ra tại Johannesburg, Nam Phi, từ ngày 22 - 24/8 tới đây. 

Cựu Tổng thống Brazil Fernando Collor de Mello bị phạt tù do tham nhũng

Cựu Tổng thống Brazil Fernando Collor de Mello. (Ảnh: Reuters)

Ngày 31/5, Tòa án tối cao Brazil đã tuyên án cựu Tổng thống nước này, ông Fernando Collor de Mello, 8 năm 10 tháng tù giam vì tội tham nhũng và rửa tiền.

Tại phiên tòa, thẩm phán chính của vụ án, ông Edson Fachin cho rằng các tình tiết trong vụ việc là “cực kỳ nghiêm trọng”, thể hiện hành vi lạm dụng chức vụ công vì lợi ích cá nhân. Thẩm phán Fachin cho biết ông Collor đã lợi dụng ảnh hưởng chính trị để thúc đẩy việc bổ nhiệm Ban Giám đốc công ty con của Petrobas là Distribuidora và tạo cơ sở để thiết lập các hợp đồng. Trong khi đó, việc rửa tiền được thực hiện thông qua hơn 40 khoản tiền gửi vào tài khoản mang tên Collor và trong 65 tài khoản của các công ty do ông sở hữu.

Ông Collor có quyền kháng cáo bản án trên. Các luật sư biện hộ của cựu Tổng thống này khẳng định ông Collor “không phạm bất kỳ tội danh nào” và bày tỏ tin tưởng rằng ông sẽ được minh oan.

Trước đó, văn phòng công tố Brazil cáo buộc ông Collor, 73 tuổi, đã nhận khoảng 30 triệu Reais (6 triệu USD) tiền hối lộ từ Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras. Trong phán quyết vào giữa tháng 5, Tòa án tối cao Brazil đã chính thức kết tội ông Collor nhận hối lộ 20 triệu Reais (4 triệu USD) từ Petrobras, khi còn là thượng nghị sĩ trong giai đoạn 2010 - 2014, để thu xếp hợp đồng giữa một công ty xây dựng với công ty con của Petrobra. 

Ông Collor đắc cử Tổng thống Brazil vào năm 1989 và đảm nhiệm cương vị này trong giai đoạn 1990 - 1992. Trong thời gian nắm quyền, hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình yêu cầu ông từ chức. Sau các cáo buộc tham nhũng, Quốc hội đã tiến hành thủ tục luận tội, khiến ông Collor quyết định từ chức.

Hơn 170 nước thảo luận giải pháp cho khủng hoảng rác thải nhựa

Một mô hình từ rác thải nhựa đặt tại Trụ sở Chương trình Môi trường Liên hợp quốc. (Ảnh: Reuters)

Ngày 29/5, tại Paris (Pháp), các quốc gia trên thế giới đã bắt đầu Phiên đàm phán thứ hai của Ủy ban đàm phán liên chính phủ về Thỏa thuận quốc tế nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa.

Đại diện của 175 quốc gia với những tham vọng khác nhau đã nhóm họp tại trụ sở của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) với mục đích đạt được bước tiến hướng tới một thỏa thuận lịch sử về chấm dứt ô nhiễm rác thải nhựa vào năm tới.

Phát biểu trước các đại biểu, người đứng đầu Chương trình Môi trường Liên hợp quốc Inger Andersen nhấn mạnh thói quen vứt bỏ đồ nhựa đang gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bóp nghẹt hệ sinh thái của Trái đất, làm gia tăng biến đổi khí hậu, gây hại cho sức khỏe của con người và những người dễ bị tổn thương nhất chính là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trong thông điệp bằng video được gửi đến cuộc họp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các quốc gia tham gia đàm phán chấm dứt mô hình sản xuất "toàn cầu hóa và không bền vững", theo đó, các nước giàu xuất khẩu rác thải nhựa sang các nước nghèo hơn. Ông nhấn mạnh ô nhiễm nhựa là "một quả bom hẹn giờ và đồng thời cũng là một tai họa hiện nay", lưu ý các vật liệu dựa trên nhiên liệu hóa thạch có nguy cơ ảnh hưởng đến mục tiêu giảm thiểu sự ấm lên toàn cầu cũng như đối với đa dạng sinh học và sức khỏe con người.

Trước đó, hồi tháng 2 năm ngoái, các quốc gia đã nhất trí trên nguyên tắc về sự cần thiết phải xây dựng một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý của Liên hợp quốc để chấm dứt ô nhiễm nhựa trên toàn thế giới, đặt ra thời hạn đầy tham vọng là năm 2024 đạt được thỏa thuận. Các hành động chính sách sẽ được tranh luận trong các cuộc đàm phán bao gồm lệnh cấm toàn cầu đối với các mặt hàng nhựa sử dụng một lần và giới hạn sản xuất sản phẩm nhựa mới./.

Theo dangcongsan.vn