PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

24/02/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Nỗ lực triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số
Năm 2023, tỉnh Bắc Kạn đề ra mục tiêu tăng chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh từ 2 bậc trở lên. Để đạt được mục tiêu này, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo các sở, ngành chức năng, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số song song trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Thời gian qua, để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số đã được thành lập từ cấp tỉnh đến cấp xã và tại nhiều cơ quan, đơn vị; 108/108 thôn/tổ đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng. Hệ thống các văn bản về chuyển đổi số được ban hành đồng bộ, xuyên suốt, từ chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nghị quyết của HĐND tỉnh đến các đề án, chương trình, kế hoạch… của UBND các cấp.

Mặc dù nguồn ngân sách hạn hẹp song tỉnh đã quan tâm bố trí nguồn lực thực hiện dần từng bước các nhiệm vụ về chuyển đổi số trên cơ sở lựa chọn các danh mục, dự án sắp xếp theo thứ tự ưu tiên để đảm bảo phát huy hiệu quả tối đa nguồn vốn. Năm 2021, UBND tỉnh đã cấp bổ sung gần 18 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh điều hành cho Sở Thông tin và Truyền thông để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trong cán bộ, Nhân dân về chuyển đổi số, đồng thời ưu tiên dành nguồn kinh phí nhất định để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số.

Với nhiều nỗ lực, chỉ số xếp hạng DTI của tỉnh đã tăng đáng kể, hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đứng thứ 51 trên toàn quốc về chỉ số xếp hạng chuyển đổi số; đứng thứ 55 toàn quốc về chính quyền số; đứng thứ 39 toàn quốc về kinh tế số; đứng thứ 42 toàn quốc về xã hội số. Tỷ lệ thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 100%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 55%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 30%. Mạng lưới viễn thông kết nối thông suốt 3 cấp phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, địa phương, đáp ứng cơ bản nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của người dân, doanh nghiệp; 100% các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có mạng Internet và hệ thống mạng nội bộ (LAN); tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đã đạt 100%; tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh đạt 70%; tỷ lệ thôn/bản được phủ sóng internet cáp quang băng rộng đạt 96%; tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 100%...

Tuy nhiên, so với các tỉnh/thành phố khác trong cả nước, điểm xếp hạng các chỉ số thành phần về thể chế số, an toàn thông tin mạng và nhóm chỉ số hoạt động của chính quyền số, xã hội số còn thấp, cụ thể như nhóm chỉ số thành phần về hoạt động của chính quyền số xếp hạng 62/63; thể chế số xếp hạng 57/63; an toàn thông tin mạng xếp hạng 54/63; hoạt động xã hội số xếp hạng 50/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Nguyên nhân là do tỉnh chưa có Kho dữ liệu dùng chung, chưa xây dựng Cổng dữ liệu mở của tỉnh; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính chưa đáp ứng yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật theo quy định; chưa có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung; chưa triển khai nền tảng số quản trị tổng thể, thống nhất toàn tỉnh phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước; kinh phí dành cho hoạt động chuyển đổi số hằng năm còn thấp; công tác đảm bảo an toàn thông tin cho chuyển đổi số chưa đáp ứng yêu cầu...


Ứng dụng CNTT phục vụ du lịch thông minh là 1 trong những nhiệm vụ ưu tiên cần thực hiện năm 2023
(Ảnh: Lễ khai trương Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh Bắc Kạn năm 2021)

Trong năm 2023, UBND tỉnh định hướng triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số song song trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, trong đó xác định người dân và doanh nghiệp là trọng tâm, cụ thể:

Phấn đấu tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt từ 70% trở lên; tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ công trức tuyến đạt trên 30%; tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt trên 100%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; tạo lập kho quản lý dữ liệu dùng chung của tỉnh; xây dựng và hoàn thiện các dữ liệu ngành, lĩnh vực. Tăng chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh từ 2 bậc trở lên.

Để thực hiện các mục tiêu này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, tổng hợp đề xuất, báo cáo các danh mục dự án, nhiệm vụ ưu tiên chuyển đổi số trong năm 2023 nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số của tỉnh trên cả 3 trụ cột (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số); phát triển hạ tầng số, dữ liệu số và đảm bảo an toàn thông tin mạng của tỉnh..., qua đó góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, chỉ số hài lòng của người dân, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức tại Bộ phận một cửa các cấp nâng cao trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến, thực hiện thanh toán trực tuyến đối với các thủ tục hành chính có quy định phí, lệ phí.

UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức chuyển đổi số cho lực lượng đoàn viên thanh niên trong trường học; hướng dẫn các sở, ban, ngành thực hiện rà soát, tái cấu trúc, đơn giản hoá thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong cung cấp và xử lý dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời yêu cầu Sở khẩn trương tham mưu các giải pháp để đẩy mạnh việc phát sinh hồ sơ thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và thực hiện thanh toán phí, lệ phí trực tuyến trên địa bàn tỉnh; khẩn trương nghiên cứu, tham mưu ban hành chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến; phối hợp với Tỉnh đoàn xây dựng kế hoạch hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, giao dịch không dùng tiền mặt, tham gia sàn thương mại điện tử…/.

Bích Huệ