PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

05/05/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Thực trạng và giải pháp cho công tác đào tạo nghề ở Bắc Kạn
Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có những chuyển biến tích cực với nhiều mô hình và hình thức dạy nghề đa dạng, góp phần nâng cao nhận thức và trình độ tay nghề cho người lao động, đáp ứng yêu cầu việc làm.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, dịch bệnh Covid-19 phức tạp và xu thế dịch chuyển nhân lực trên thị trường lao động quốc tế, trước yêu cầu nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới, trước hết là năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp được tỉnh xác định là một trọng tâm trong khâu đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực đã nêu trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng và cần tiếp tục đổi mới theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt, hiện đại, chú trọng cả quy mô, cơ cấu và chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và nâng cấp kỹ năng nghề nghiệp suốt đời của người lao động.

Trường Cao đẳng Bắc Kạn là một trong những cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt đào tạo một số nghề
ở trình độ từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng thuộc các lĩnh vực công - nông nghiệp trọng điểm 

Từ yêu cầu đặt ra, để đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đủ năng lực trên địa bàn tỉnh đăng ký tham gia đào tạo các ngành nghề mà doanh nghiệp cần, qua đó giúp doanh nghiệp lựa chọn được nguồn nhân lực ngay từ đầu vào và kiểm soát chương trình, nội dung đào tạo đảm bảo chất lượng theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp.

Các nhà trường, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã xây dựng kế hoạch công tác tuyền truyền, tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh, trong đó tập trung vào đối tượng học sinh các trường trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT). Các hoạt động truyền thông, tư vấn định hướng nghề nghiệp qua nhiều hình thức khác nhau như tư vấn trực tiếp học sinh, qua phụ huynh học sinh, phát thông báo tuyển sinh trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh... Mỗi năm, tỉnh đã tuyên truyền, tư vấn việc làm cho 3.000 học sinh tại các trường THPT, THCS trên địa bàn và trên 500 lượt phụ huynh, giáo viên các trường THPT, THCS được nghe tư vấn.

Cùng với việc đổi mới phương thức truyền thông giáo dục nghề nghiệp, đa dạng hóa hình thức tư vấn, tuyển sinh thu hút học nghề, tỉnh quan tâm đẩy mạnh đào tạo gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, bước đầu thay đổi được nhận thức về học nghề, từ đó tăng số lượng học viên học nghề, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực có tay nghề, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo được 31.051 người đạt 103,5% kế hoạch; trong đó, trình độ cao đẳng 468 người, trình độ trung cấp 2.242 người, hệ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 28.625 người, tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng có việc làm ngay sau khi ra trường đạt trên 85%, trong đó nhiều nghề đạt 100%.

Tiếp tục đẩy mạnh nhiều giải pháp

Mặc dù công tác đào tạo nghề của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, song so với yêu cầu thực tế hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Cơ cấu ngành đào tạo chưa thật sự phù hợp với thị trường lao động, chương trình đào tạo, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn nên nhiều lao động được đào tạo nghề vẫn khó tìm được việc làm; nhiều lao động phải làm việc không phù hợp với chuyên môn, ngành nghề được đào tạo, tỷ lệ thiếu việc làm và thất nghiệp còn khá cao...

Hằng năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức tư vấn tuyển sinh, giới thiệu việc làm được cấp ủy, chính quyền
quan tâm ủng hộ

Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn” nhằm đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới; tăng cường gắn kết chặt chẽ “3 Nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời nâng cao trách nhiệm đối với các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể với công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trước yêu cầu tăng cường nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới.

Cùng với đó, thường xuyên tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp, tuyển sinh học nghề - tuyển dụng lao động. Phối hợp tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh các trường phổ thông, xây dựng trang thông tin về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh, cơ sở dữ liệu về giáo dục nghề nghiệp, thông tin về việc làm thị trường lao động trên Website của từng ngành góp phần đẩy mạnh phân luồng, tăng tỷ lệ học sinh tham gia học nghề, tham gia thị trường lao động sau khi tốt nghiệp.

Đẩy mạnh hoạt động liên kết đào tạo, chú trọng liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, đảm bảo chất lượng đào tạo. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện đúng quy định về liên kết đào tạo nhằm khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất đã đầu tư, tăng cường mối liên hệ hỗ trợ đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục cho phép các cơ sở giáo dục ngoài tỉnh tham gia liên kết ở những ngành nghề tỉnh có nhu cầu. Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp ký kết các hợp đồng đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, tổ chức hiệu quả các phiên giao dịch việc làm tại các địa phương và tại một số trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh; kết nối tốt thông tin thị trường lao động để cung ứng lao động đi làm việc ngoài tỉnh, tăng cường xuất khẩu lao động đã qua đào tạo…/.

Thu Trang