PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

10/05/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tích cực chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng vụ Xuân
Những ngày qua, thời tiết nhìn chung thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển, tuy nhiên cũng tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh và gây hại. Các địa phương đã chủ động phòng, chống sâu bệnh và chăm sóc cây trồng, phấn đấu đảm bảo về năng suất, sản lượng.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Người dân huyện Chợ Đồn phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn lúa

Hiện nay, cây lúa Xuân đã bước vào giai đoạn ôm đòng, cây ngô trồng sớm đang xoáy nõn - tạo hạt, cây trồng muộn được 4 đến 7 lá. Các cây trồng khác như thuốc lá, rau, đậu đỗ, dong riềng, gừng, nghệ, bí xanh... đang trong giai đoạn phát triển thân, lá.

Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, tại các huyện, thành phố hiện nay, bệnh đạo ôn lá gây hại rải rác trên các giống lúa nếp, TBR 225, J02, Bắc hương .... Tỷ lệ phổ biến 1 - 2% lá, cao 5 - 7% lá, cá biệt 20 - 25% lá. Tổng diện tích nhiễm 20,65 ha (nhiễm mới 10,1 ha), trong đó nhiễm nhẹ 14,8 ha, trung bình 5,3 ha, nặng 0,5 ha. Bà con đã phun phòng trừ được 33,6 ha. Diện tích nhiễm thấp hơn 12,41 ha so với cùng kỳ năm trước.

Bệnh đốm sọc vi khuẩn gây hại cục bộ tại các xã Thanh Thịnh, Thanh Mai, huyện Chợ Mới. Tỷ lệ phổ biến 2% lá, cao 8% lá, cá biệt 15% lá. Tổng diện tích nhiễm nhẹ 5,5 ha (nhiễm mới 4 ha). Bà con đã phun phòng trừ được 5 ha. Diện tích nhiễm thấp hơn 1,5 ha so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, một số diện tích lúa cũng xuất hiện bọ rầy, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân gây hại nhẹ, rải rác.

Cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng. Khi phát hiện bệnh đạo ôn lá, dừng bón đạm, không phun thuốc kích thích sinh trưởng. Duy trì mực nước trong ruộng vừa phải. Sử dụng một trong những loại thuốc như: Filia® 525SE, Trizole 400SC/75WG, Kasai 21,2WP, Beam 75WP, Fuji-one 40EC ..., đối với những diện tích bị hại nặng thì phun kép 2 đến 3 lần, cách nhau từ 5 đến 7 ngày.  

Trên cây ngô xuất hiện sâu keo mùa thu gây hại rải rác tại các huyện, thành phố. Mật độ phổ biến 1 con/m2, cao 3 con/m2, cá biệt 10 - 12 con/m2. Tổng diện tích nhiễm 14 ha (nhiễm mới 3,4 ha), trong đó nhiễm nhẹ 8,5 ha, trung bình 4 ha, nặng 1,5 ha. Những diện tích mật độ hại thấp, người dân chủ động phòng trừ bằng các biện pháp thủ công. Diện tích nhiễm thấp hơn 0,9 ha so với cùng kỳ năm trước.

Người dân cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, khi mật độ sâu cao, sử dụng một trong các loại thuốc như: Lufen extra 100 EC, Enasin 32WP, Ratoin 5WG, Karuba WP, Bitadin WP.... để phun trừ, phun theo hàng, ướt đều cả hai mặt lá và nách lá. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng.

Đối với các cây trồng khác, thường xuyên kiểm tra sâu bệnh hại, tiếp tục phát dọn vệ sinh vườn cây, tiêu hủy những cành bị bệnh để tránh bệnh lây lan ra diện rộng và tạo sự thông thoáng cho cây, kết hợp bón phân cân đối giúp cho cây phát triển khỏe mạnh, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh. Thường xuyên kiểm tra vườn, đặc biệt là khi điều kiện thời tiết thuận lợi cho nấm bệnh phát triển./.

Hương Lan