PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

15/04/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ. Những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã tích cực triển khai nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

 Sản xuất gỗ ép tại Công ty Cổ phần Đầu tư Govina (Khu Công nghiệp Thanh Bình, Chợ Mới)

Giai đoạn 2018 - 2020, trên địa bàn tỉnh có 199 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.634 tỷ đồng, trong đó có 35 doanh nghiệp thành lập mới do nữ làm chủ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.061 doanh nghiệp đang hoạt động, quy mô doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; khoảng 60% số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, sản xuất vật liệu xây dựng và khai thác khoáng sản; các doanh nghiệp hoạt động cơ bản theo Luật Doanh nghiệp.

Những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển như: Chính sách tiếp cận tín dụng, chính sách thuế, hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh, công nghệ, mở rộng thị trường và tư vấn pháp lý...

Ngay khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) được Quốc hội khóa XIV thông qua, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh đã tổ chức hội nghị để phổ biến Luật; phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật mới về tiếp cận thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cán bộ làm công tác pháp chế tại các sở, ngành. Hằng năm, tỉnh đã chủ động, tích cực thực hiện việc tuyên truyền, giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật nhằm cung cấp thông tin pháp lý để hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng; hỗ trợ pháp lý trực tiếp, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp; rà soát, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền liên quan đến đầu tư, kinh doanh, đảm bảo khuyến khích, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi…

Thực hiện việc hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện chính sách ưu đãi lãi suất đối với các lĩnh vực ưu tiên theo quy định, trong đó có lĩnh vực phục vụ kinh doanh của DNNVV. Cụ thể, các doanh nghiệp đã được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp với mức lãi suất cho vay tối đa là 6,5%/năm từ ngày 10/7/2017 - 18/11/2019; 6,0%/năm từ ngày 19/11/2019 - 16/3/2020; 5,5%/năm từ ngày 17/3 - 12/5/2020; 5,0% từ ngày 13/5 - 30/9/2020 và 4,5% từ ngày 01/10/2020 đến nay. Các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã áp dụng quy trình, thủ tục đơn giản trong công tác tín dụng; tăng cường minh bạch hóa thông tin tín dụng, công khai về quy trình, thủ tục hồ sơ, thời gian cung cấp dịch vụ, lãi suất, phí dịch vụ; làm việc với khách hàng để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật. Đến 31/3/2021, dư nợ cho vay đối với các DNNVV trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.015 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn góp phần cho DNNVV hoạt động và phát triển.

Cùng với việc triển khai chính sách hỗ trợ về tín dụng, tỉnh Bắc Kạn đã hỗ trợ các doanh nghiệp về công nghệ sản xuất. Đáng chú ý là thông qua hoạt động khuyến công, tỉnh đã hỗ trợ 3 doanh nghiệp đầu tư ứng dụng các máy móc thiết bị tiên tiến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh với tổng kinh phí hỗ trợ là 1,6 tỷ đồng (nguồn kinh phí khuyến công quốc gia). Trong đó, hỗ trợ Công ty Cổ phần Đầu tư Govina ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất ván dán, công suất 120.000 m3 sản phẩm/năm; Công ty Cổ phần Sao Mai Bắc Kạn ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gạch không nung xi măng cốt liệu, công suất 9 triệu viên/năm; Công ty TNHH Nhà máy Curcumin Bắc Hà ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông sản, công suất 5 tấn sản phẩm/năm, xây dựng mô hình trình diễn sản xuất sản phẩm Vi-cumax Nano Curcumin dạng tuýp, công suất 255.500 tuýp/năm.

Không chỉ được hỗ trợ phát triển sản xuất, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn được hỗ trợ mở rộng thị trường. Trong giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia 19 hội chợ thương mại, hội chợ triển lãm ở các tỉnh, thành phố trên cả nước; tổ chức một số hoạt động giới thiệu sản phẩm của tỉnh tại thành phố Hà Nội, gần đây nhất là “Tuần lễ giới thiệu Bí xanh thơm, Gạo Japonica và các sản phẩm nông sản sạch tỉnh Bắc Kạn” được tổ chức tháng 7/2020 với quy mô 11 gian hàng tại Siêu thị Vinmart Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính. Thông qua các hoạt động này, tỉnh giới thiệu, quảng bá tới các đối tác, khách hàng trong và ngoài nước biết đến các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong tỉnh có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, quảng bá sản phẩm, kết nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng, đồng thời giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh sản phẩm hàng hóa của tỉnh nhằm phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường.

Bắc Kạn có chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Chính vì vậy thời gian qua, tỉnh cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Năm 2019, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 17/4/2019 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Theo đó, tỉnh đã hỗ trợ cho 4 dự án hoàn thành và được nghiệm thu, thanh toán hỗ trợ với tổng số vốn hỗ trợ là 9,2 tỷ đồng. Các doanh nghiệp được hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, thu nhập ổn định và nộp ngân sách nhà nước đầy đủ theo quy định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc hỗ trợ các DNNVV thời gian qua tỉnh Bắc Kạn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Do nguồn kinh phí hạn hẹp nên chưa bố trí được nhiều nguồn lực cho các chương trình hỗ trợ DNNVV; một số quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, thuế, bảo vệ môi trường, ưu đãi đầu tư,... vẫn còn bất cập, chưa phù hợp với quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ DNNVV, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; năng lực tài chính các doanh nghiệp còn hạn chế, trình độ quản trị doanh nghiệp còn yếu, phương án sản xuất, kinh doanh thiếu khả thi, khả năng hoàn vốn thấp nên khả năng tiếp cận nguồn vốn tại các tổ chức tín dụng, việc tiếp cận với các dịch vụ pháp lý, áp dụng công nghệ còn nhiều hạn chế....

Từ những khó khăn trên, tỉnh Bắc Kạn đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn trong lĩnh vực đất đai, đầu tư để đảm bảo đồng bộ, thống nhất; bãi bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh không còn phù hợp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm, tạo điều kiện cho DNNVV của tỉnh tiếp cận với các chương trình hỗ trợ từ Trung ương; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho tỉnh Bắc Kạn để thực hiện tốt công tác hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh. Quan tâm, hỗ trợ DNNVV trên địa bàn tỉnh tham gia các lớp tập huấn xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, kỹ năng quản lý, minh bạch tài chính để tăng khả năng hấp thụ vốn, triển khai tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả…/.

Hương Dịu