PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

20/09/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tín dụng chính sách: 20 năm đồng hành cùng người dân nghèo Bắc Kạn
Sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, mô hình hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh đã phát huy hiệu quả tích cực trong triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Xã Nghiên Loan là một trong những địa phương khó khăn của huyện Pác Nặm. Người dân sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn gặp không ít khó khăn. Chủ tịch UBND xã Lý Thị Tuyết cho biết, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm làm tốt công tác chỉ đạo, đôn đốc các hội đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ đến đoàn viên, hội viên và toàn thể Nhân dân, đồng thời quản lý, giám sát và triển khai các chương trình tín dụng sách trên địa bàn.

Đến ngày 30/6/2022, dư nợ toàn xã Nghiên Loan đạt hơn 58,3 tỷ đồng (tăng 38,5 tỷ đồng so với năm 2010), có 866 hộ vay vốn với 14 chương trình cho vay. Trong đó, dư nợ hộ nghèo cao nhất là 30,6 tỷ đồng với 561 hộ; dư nợ hộ cận nghèo gần 5 tỷ đồng với 80 hộ; dư nợ hộ mới thoát nghèo hơn 2,3 tỷ đồng với 38 hộ; dư nợ hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn 24 triệu đồng với 3 hộ… Nhiều hộ gia đình được vay trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi, vay phát triển kinh tế, vay vốn sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, vay xuất khẩu lao động, vay làm nhà ở xã hội… Do làm tốt công tác chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, đôn đốc nên 100% các hộ có dư nợ đều thực hiện tốt quy định của Nhà nước, của Ngân hàng CSXH, thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc, nợ lãi đúng kỳ hạn, không phát sinh nợ quá hạn. Từ nguồn vốn này đã giúp nhiều hộ gia đình vươn lên ổn định cuộc sống.

Còn tại huyện Ba Bể, thông qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH, huyện triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi cùng với chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Nguồn vốn vay cũng góp phần hạn chế tình trạng học sinh, sinh viên phải bỏ học do nguyên nhân gia đình gặp khó khăn về tài chính. Nhiều hộ gia đình xây dựng được công trình nước sạch và công trình vệ sinh, nhiều hộ nghèo có nhà ở ổn định, khang trang hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, vốn vay ưu đãi đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn ở nông thôn phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, bộ mặt nông thôn được cải thiện… tạo sự phấn khởi, đồng tình trong Nhân dân. Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách góp phần đáng kể trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh tế tại địa phương. Năm 2018, huyện đã được công nhận thoát khỏi diện các huyện nghèo của cả nước.

Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ba Bể giải ngân vốn tín dụng chính sách cho người dân

Theo thống kê của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, từ 2 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu với dư nợ nhận bàn giao là 66,2 tỷ đồng, đến nay đang triển khai cho vay 16 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ của toàn tỉnh đến 31/7/2022 đạt 2.559,6 tỷ đồng với 42.202 khách hàng đang vay vốn. Trong đó, cho vay hộ nghèo 731 tỷ đồng với 12.620 hộ vay; cho vay hộ cận nghèo 427 tỷ đồng với 6.884 hộ vay...

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời, giúp cho 136.237 lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giúp cho trên 50 nghìn hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 22 nghìn lao động, giúp cho trên 14 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, hỗ trợ xây mới và cải tạo trên 93 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh môi trường ở nông thôn, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa gần 3 nghìn ngôi nhà cho hộ nghèo... Đặc biệt trong những năm gần đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế, đời sống của người dân, nguồn vốn tín dụng chính sách càng thể hiện rõ nét hơn vai trò và tầm quan trọng của mình, trở thành công cụ đắc lực của Chính phủ nhằm giúp người dân cả nước nói chung và tỉnh Bắc Kạn nói riêng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh triển khai cho vay trên 2.100 tỷ đồng, giúp trên 43.700 khách hàng vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống sau dịch bệnh.

Theo Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Sỹ Côn, nguồn vốn tín dụng chính sách là một trong những công cụ tài chính của Chính phủ hoạt động hiệu quả nhất, đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, do đó, đã từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.

Kết quả đạt được trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh trong 20 năm qua đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng từng thời kỳ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội ở địa phương./.

Hương Lan