PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

22/09/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tín dụng chính sách xã hội góp phần giảm nghèo tại Pác Nặm
Chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác thực hiện trên địa bàn huyện Pác Nặm thời gian qua đã trở thành một trong những trụ cột quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống, góp phần ổn định xã hội và phát triển kinh tế tại địa phương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Pác Nặm tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ 

Trước đây, hộ anh Lý Văn Kiều ở thôn Nà Vài, xã Nghiên Loan thuộc diện hộ nghèo, kinh tế gia đình nhiều khó khăn. Thời điểm năm 2018, được Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh huyện Pác Nặm tạo điều kiện, anh vay 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi trâu. Đến năm 2021, gia đình đỡ khó khăn hơn, anh mạnh dạn xin vay 100 triệu đồng để chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, sinh sản, mô hình đang phát huy hiệu quả. Hiện nay, gia đình anh có 1.000 m2 trồng cỏ voi, trong chuồng thường xuyên có từ 13 - 15 con trâu, bò vỗ béo và đang trong thời kỳ sinh sản, gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo.

Cũng thoát nghèo nhờ vay vốn ngân hàng chính sách là hộ anh Hoàng Tiến Hồng ở thôn Khau Vai, xã Bộc Bố. Từ số vốn vay ban đầu 100 triệu đồng để phát triển mô hình chăn nuôi ngựa sinh sản, đến nay, gia đình anh đã có 5 con ngựa sinh sản, mô hình này đã giúp gia đình có mức thu nhập khá trên địa bàn.

Nhờ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, hộ anh Quách Văn Giai, thôn Đông Lẻo, xã Bộc Bố không chỉ thoát nghèo mà đã có kinh tế khá. Theo chia sẻ của anh Quách Văn Giai, từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển chăn nuôi trâu sinh sản, gia đình anh đã làm được nhà cửa khang trang, mua được đầy đủ đồ dùng, công cụ phục vụ sản xuất, sinh hoạt gia đình, đầu tư xây dựng chuồng trại và đào ao thả cá. Tính từ các khoản thu nhập trừ chi phí, gia đình anh mỗi năm thu 100 triệu đồng, cuộc sống được ổn định.

Nguồn vốn tín dụng chính sách này hiện đã được triển khai đến 100% xã trên địa bàn huyện Pác Nặm, tạo cơ hội cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận một cách thuận lợi, kịp thời.

Theo báo cáo của UBND huyện Pác Nặm, trong 20 năm qua, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị - xã hội, nhất là từ sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW, việc tổ chức triển khai tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Huyện huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.

Thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn tín dụng chính sách đã đầu tư cho 36.294 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn với tổng số tiền là 945 tỷ đồng. Cùng với các nguồn lực của Nhà nước, vốn tín dụng chính sách đã giúp cho hơn 5.900 lượt hộ thoát nghèo, tạo việc làm mới cho trên 2.200 lao động, giúp cho 701 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, hỗ trợ xây mới và cải tạo hơn 4.100 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 798 ngôi nhà cho hộ nghèo...

Đặc biệt trong những năm gần đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế, đời sống của người dân, nguồn vốn tín dụng chính sách càng thể hiện rõ nét hơn vai trò, trở thành công cụ đắc lực của Chính phủ, giúp người dân cả nước nói chung và huyện Pác Nặm nói riêng vượt qua khó khăn. Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã triển khai cho vay trên 177 tỷ đồng, giúp trên 3.600 lượt khách hàng vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống sau dịch bệnh.

Những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để Huyện ủy, HĐND - UBND huyện thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Thành tựu đã đạt được của tín dụng chính sách được đánh giá là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo của huyện, khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả trong việc duy trì và phát triển mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng với tính ưu việt và những đặc thù riêng có của Ngân hàng Chính sách xã hội khác với các tổ chức tín dụng tại địa phương./.

Hương Dịu