PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

23/11/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới hiệu quả và phù hợp
Sau gần 3 tháng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu với lớp 1, tỉnh Bắc Kạn đang nỗ lực để vừa đảm bảo hiệu quả theo yêu cầu chung, vừa phù hợp với thực tiễn của địa phương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Một giờ học của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Đức Xuân (thành phố Bắc Kạn)

Bước vào năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 381 lớp 1 với tổng số 6.048 học sinh. Với nguồn lực đầu tư được tăng lên đáng kể, cùng với sự phối hợp lồng ghép đồng bộ các chương trình, chính sách khác nhau, đến nay, hệ thống trường lớp học được củng cố, mở rộng, xóa bỏ phòng học tạm, mượn; nâng tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 54,4%; trang thiết bị dạy học cũng đã được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quan tâm bổ sung cho các trường học.

Để bảo đảm đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo lộ trình của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã đề nghị UBND các huyện, thành phố tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu thực hiện việc rà soát, tuyển dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ theo hướng ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho những môn học mới ở các cấp học; cung cấp nhu cầu sử dụng nhằm đáp ứng kịp thời nguồn tuyển dụng theo lộ trình đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bà Đào Thị Mai Sen, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT đánh giá, nhìn chung, sau gần ba tháng triển khai dạy học lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, công tác chỉ đạo được thực hiện nghiêm túc, kịp thời và phù hợp với thực tiễn địa phương, việc dạy học trong các nhà trường diễn ra đảm bảo. Giáo viên đã cơ bản bắt nhịp với việc đổi mới chương trình sách giáo khoa, phương pháp và kỹ thuật dạy học, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm và những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thời gian tiếp theo. Việc học của học sinh lớp 1 đã đi vào nền nếp. Nhiều em đã tích cực, chủ động tham gia các giờ học, hoạt động giáo dục.

Là một huyện vùng cao, vùng xa của tỉnh, nhưng Pác Nặm đã rất nỗ lực để có sự chuẩn bị đảm bảo, triển khai hiệu quả chương trình và sách giáo khoa mới. Năm học 2020-2021, toàn huyện Pác Nặm có 3.675 học sinh tiểu học, trong đó có 757 em khối lớp 1. Việc triển khai dạy và học theo chương trình, sách giáo khoa lớp 1 được huyện thực hiện đúng theo hướng dẫn tại Thông tư số 01/TT-BGDĐT ngày 30/01/2020 của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông. Bộ sách giáo khoa các đơn vị trường học trên địa bàn huyện đang sử dụng cơ bản phù hợp với địa phương, điều kiện tổ chức dạy và học tại các đơn vị trường học. Phòng GD&ĐT huyện Pác Nặm đã cho rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp, dồn ghép điểm trường, quy mô lớp học phù hợp, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên ở từng môn học, lớp học, cấp học, có kế hoạch điều chỉnh và sắp xếp hợp lý, bổ sung đầy đủ, kịp thời.

Đối với huyện Ba Bể, quá trình chuẩn bị và việc triển khai cho đến nay đã cho thấy đảm bảo hiệu quả. Năm học này, toàn huyện có 15 trường tiểu học (52 điểm trường lẻ). Khối lớp 1 gồm 55 lớp, tổng số học sinh là 880 em, với sự tham gia giảng dạy của 126 giáo viên. Đơn cử như Trường Tiểu học Khang Ninh đón 79 học sinh khối 1, chia thành 05 lớp. Nhà trường đã cử đội ngũ giáo viên cốt cán đi tập huấn nội dung chương trình và sách giáo khoa mới do huyện, tỉnh tổ chức; chuẩn bị trang thiết bị, bộ đồ dùng lớp 1 đảm bảo đủ các điều kiện cho giáo viên và học sinh; phân công giáo viên có kinh nghiệm và tâm huyết, thành thạo ứng dụng công nghệ thông tin để dạy lớp 1.

Đáng chú ý, các nhà trường đã rà soát bộ thiết bị lớp 1 hiện hành, tận dụng những thiết bị còn sử dụng được, phát động phong trào tự làm đồ dùng dạy học trong cán bộ, giáo viên; UBND huyện bổ sung kinh phí cho các trường tiểu học, tiểu học và trung học cơ sở mua thiết bị dạy học lớp 1 với số tiền 200 triệu đồng.

Tuy nhiên, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn chậm so với yêu cầu, chưa thực sự đáp ứng được tốt yêu cầu của đổi mới giáo dục. Tỷ lệ giáo viên trên lớp chưa đảm bảo 1,5 giáo viên/lớp; còn thiếu giáo viên môn tiếng Anh để có thể triển khai dạy học môn tiếng Anh tự chọn (toàn tỉnh mới có 1.508 học sinh lớp 1 được học tiếng Anh tự chọn, đạt 24,9%).

Trong điều kiện vẫn còn những khó khăn nhất định, sự nỗ lực của địa phương và mỗi nhà trường đã giúp tỉnh triển khai hiệu quả dạy học Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt và công tác truyền thông về giáo dục, đặc biệt là lộ trình thực hiện chương trình sách giáo khoa từ lớp 1 năm học 2020-2021. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục; sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới theo kế hoạch. Tăng cường công tác quản lý giáo dục, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, trao quyền chủ động cho các nhà trường, giáo viên trong quá trình thực hiện. Cùng với đó, các nhà trường cần chủ động, linh hoạt hơn nữa trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới./.

Thu Trang